Đề xuất hạ tốc độ đường trên cao: Ngược thiết kế, giảm hiệu quả

Với lý do quá tải và ùn tắc, đại diện Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa đưa ra phương án hạ tốc độ phương tiện từ 80 xuống còn 60 km/h tại đường trên cao Vành đai 3. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây là phương án không cần thiết và đi ngược mục tiêu thiết kế của tuyến đường.

Đếm xe trên đường Vành đai 3 trên cao

Đếm xe trên đường Vành đai 3 trên cao

Phương tiện vượt 2,5 lần thiết kế

Để có cơ sở tổ chức lại giao thông trong đó có tốc độ của phương tiện, trong tháng 5 vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã giao cho Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Ban Duy tu) triển khai việc đếm lưu lượng xe tại đường Vành đai 3 trên cao đoạn Pháp Vân - cầu Mai Dịch.

Sau hơn 1 tuần thực hiện, 2 phương án đếm xe, gồm: đếm xe bằng bộ máy đếm xe ống hơi bán tự động TRAFFIC TALLY 8w (xuất xứ Mỹ) và sử dụng hệ thống camera hiện có trên đường vành đai 3 của dự án lắp đặt Trung tâm điều khiển giao thông Hà Nội, các đơn vị thực hiện đã có báo cáo kết quả về Sở GTVT Hà Nội.

Cụ thể, trong thời gian từ ngày 14 đến ngày 21/5, tại khu vực đường trên cao đoạn qua các nút giao với lối lên xuống đường Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến… hệ thống đếm lưu lượng phương tiện giám sát được từ 40.000 đến 55.000 lượt xe qua lại. Từ số liệu trên, so với lưu lượng thiết kế của tuyến đường, Ban Duy tu Sở GTVT Hà Nội cho biết, lượng xe qua lại đường trên cao Vành đai 3 đang vượt trung bình 2,5 lần.

Về tốc độ lưu thông của phương tiện tại đường trên cao, báo cáo của đơn vị đếm lưu lượng xe cho biết: phương tiện chỉ đang có tốc độ di chuyển trung bình từ 40 đến 50km/h. “So với thiết kế là 100 km/h và tốc độ đang được Sở GTVT Hà Nội cho phép hiện nay là 80km/h, tốc độ này đạt được khoảng 50%”, đơn vị đếm xe tại đường Vành đai 3 trên cao thông tin.

Từ thực tế kết quả trên, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng, để đảm an toàn giao thông và hạn chế tai nạn cũng như ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng, đường Vành đai 3 trên cao cần được giảm tốc độ khai thác từ 80km/h xuống 60km/h.

Cùng với đó, cơ quan này cũng kiến nghị Sở Xây dựng chỉ đạo đơn vị quản lý tăng cường công tác duy tu thường xuyên hệ thống thoát nước, đồng thời sửa chữa các ống nước bị vỡ khắc phục tình trạng ngập úng khi trời mưa to để đảm bảo an toàn giao thông…

Giảm hiệu quả khai thác tuyến đường

Tuyến đường trên cao đoạn Pháp Vân - Mai Dịch nằm ở dải phân cách giữa đường Vành đai 3 có chiều dài 8,9km do nhà thầu Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) thi công và được thông xe tháng 6/2012. Tuyến đường có 6 làn xe ô tô và 2 làn đường dừng khẩn cấp (hai chiều). Theo thiết kế, tuyến đường đạt chuẩn cao tốc và có tốc độ lưu thông tối đa 100 km/h.

Tuy nhiên, khi được Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long, Bộ GTVT (đơn vị quản lý dự án về mặt nhà nước) bàn giao cho Sở GTVT Hà Nội tổ chức giao thông, đưa vào khai thác, tuyến đường được giảm tốc độ lưu thông xuống 80km/h.

Ông Phạm Thanh Bình, Phó tổng Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho rằng, sau gần 10 năm khai thác lượng phương tiện trên tuyến đường Vành đai 3 trên cao tăng nhiều so với trước. Hiện tuyến đường hiện đã được bàn giao cho thành phố Hà Nội, do vậy việc tổ chức giao thông, khai thác làm sao cho hợp lý, phát huy hiệu quả đầu tư thuộc thẩm quyền thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên theo ông Bình, mục tiêu của tuyến đường là giúp phương tiện lưu thông tại đường Vành đai 3 trên cao lưu thoát nhanh khi đi qua nội thành Hà Nội. Do vậy nếu tổ chức giao thông với tốc độ 60km/h là không đúng thiết kế, quan trọng hơn là không phát huy được hiệu quả đầu tư của tuyến đường.

Khi PV Tiền Phong đề cập đến việc phương tiện đông, quá tải thì xe không thể đi nhanh, ông Bình cho rằng, phương tiện tăng hàng năm là điều dĩ nhiên và các cơ quan quản lý giao thông luôn phải có phương án cho việc này.

Cụ thể, với cơ quan quản lý giao thông là phải có phương án tổ chức, điều tiết giao thông hợp lý, giờ cao điểm thì nên giảm bớt loại phương tiện nào, ưu tiên phương tiện nào để giảm ùn tắc; với cơ quan thực hiện quy hoạch thì phải thực hiện đúng tiến độ các tuyến đường san tải cho đường Vành đai 3 như Vành đai 3,5, đường Vành đai 4.

Tuy nhiên, tuyến đường Vành đai 3 trên cao đã đi vào khai thác 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa có phương án tổ chức giao thông nào hợp lý để phát huy hết hiệu quả đầu tư, cùng với đó các dự án đường Vành đai khác cũng chưa thấy khởi công.

Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho rằng, đường vành đai 3 trên cao được thiết kế với tốc độ tối đa 100km/h nhưng lâu nay chỉ cho chạy 80 km, nếu giờ tiếp tục điều chỉnh xuống còn 60km là không phù hợp. Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, nên để cho phương tiện lưu thông theo thiết kế, chủ xe tùy tình hình thực tế mà điều chỉnh tốc độ phương tiện đi lại cho phù hợp. Việc hạ thấp tốc độ sẽ chỉ làm cho ùn tắc, quá tải thêm tăng cao.

Nhóm PV Thời sự

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/de-xuat-ha-toc-do-duong-tren-cao-nguoc-thiet-ke-giam-hieu-qua-1674852.tpo