Đề xuất gói 61.580 tỷ hỗ trợ an sinh

Đề cập chủ trương đối với vấn đề an sinh xã hội, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 (ngày 1/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý chỉ hỗ trợ những người bị giảm sâu thu nhập, mất việc, không đảm bảo mức sống tối thiểu do dịch COVID-19 gây ra, không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng. Quá trình triển khai cần bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, chia sẻ khó khăn với người dân.

Những người thợ xây không còn việc trên đường thu dọn đồ về (Ảnh chụp ngày 1/4 tại Hà Nội) ảnh: Dương Triều

Những người thợ xây không còn việc trên đường thu dọn đồ về (Ảnh chụp ngày 1/4 tại Hà Nội) ảnh: Dương Triều

Một trong những nội dung trọng tâm được tập trung thảo luận trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 là về các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, nếu dịch kéo dài có thể dẫn đến tình trạng đình trệ sản xuất trong nước, đặt ra thách thức lớn về bảo đảm việc làm, an sinh và ổn định xã hội. Dự báo, có từ 250- 400 nghìn lao động bị mất việc làm tùy vào mức độ bùng phát của dịch, áp lực lạm phát tăng cao, khả năng hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn. Tăng trưởng GDP có nhiều khả năng không đạt mục tiêu 6,8%.

Về dự thảo các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc ban hành chính sách đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ những đối tượng bị tác động là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Dự kiến, tổng số khoản hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và kêu gọi từ nguồn khác là 61.580 tỷ đồng. Theo đó, Bộ KH&ĐT đề xuất việc hỗ trợ sẽ thực hiện trong 3 tháng.

Cụ thể, hỗ trợ 500 nghìn đồng/người/tháng cho người có công cách mạng đang hưởng trợ cấp và đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp; hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo và người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ 1,8 triệu đồng người tháng cho người lao động tạm dừng lao động do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đang làm việc tại các doanh nghiệp… “Việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách”, ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cho biết, Hà Nội cũng khẩn trương triển khai các chính sách bảo đảm an sinh xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng, đã chuyển 370 tỷ đồng và tiếp tục chuyển 650 tỷ đồng qua Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Giảm giá một số dịch vụ thiết yếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các bộ, ngành, chính quyền địa phương phải xác định nhiệm vụ hàng đầu trong quý II/2020 là công tác an sinh xã hội. “Phải có mức hỗ trợ phù hợp cho người lao động, người nghèo, nhất là người yếu thế, mất việc”, Thủ tướng nói.

Về phát triển kinh tế, Thủ tướng yêu cầu quyết liệt, kiên trì phấn đấu, “không để nền kinh tế bị đổ gãy”. Tại cuộc họp, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu giảm giá thịt lợn, không tăng giá dịch vụ thiết yếu, đề xuất phương án giảm giá một số dịch vụ thiết yếu; giảm chi phí hành chính, chia sẻ với người dân trong thời điểm dịch COVID-19.

Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính sớm trình Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền ban hành các giải pháp về mức thuế, phí, lệ phí, lãi suất. Cùng với đó là đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, giảm thiểu chi phí hội nghị, công tác nước ngoài…

Hỗ trợ tận tay, đúng người, đúng đối tượng

Photo: ..

TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho biết, gói hỗ trợ này của Chính phủ thể hiện sự quan tâm, để mọi người lao động không có việc làm đều được hỗ trợ do tác động bởi dịch COVID-19, đặc biệt với đối tượng người nghèo, bảo trợ xã hội và người có công. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đây là một sự nỗ lực rất lớn trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng đang chậm lại, các khoản thu không có, sản xuất, kinh doanh thì hạn chế. Đối với từng người, chính sách hỗ trợ này có thể chưa đáp ứng một cách triệt để, nhưng đây là một chủ trương rất đúng đắn, cần thiết và nhân văn. Tuy nhiên, để thực hiện tốt chủ trương này, điều quan trọng là chính quyền các địa phương, các ngành, các cấp phải tổ chức triển khai một cách chặt chẽ, khẩn trương và kịp thời. Đồng thời phải bảo đảm sự công khai, minh bạch, tránh lạm dụng, trục lợi từ gói hỗ trợ. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người cần được hỗ trợ thì lại không được và không để xảy ra tình trạng vi phạm về chính sách pháp luật. Muốn vậy, chính quyền các cấp phải nắm thật chắc từng đối tượng, trên cơ sở đảm bảo công khai, minh bạch và phải tăng cường kiểm tra, giám sát để chính sách đến đúng người, đúng đối tượng cần được hỗ trợ.

THÀNH NAM (ghi)

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/de-xuat-goi-61580-ty-ho-tro-an-sinh-1633927.tpo