Đề xuất giảm giấy khen học sinh: Chưa đúng bản chất

'Bệnh thành tích quá nặng, nếu chưa chữa lành căn bệnh này mọi cải cách chỉ giống như một miếng vải mới vá trên chiếc áo cũ, không hiệu quả'.

Đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT mới đây cho biết, dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông tới đây có nhiều điểm mới.

Cụ thể, việc khen thưởng chỉ thực hiện vào dịp cuối năm thay vì khen thưởng theo từng kỳ; chỉ khen thưởng với những học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện, học sinh đạt danh hiệu giỏi...

Việc sửa đổi được cho là sẽ khắc phục được tình trạng khen thưởng tràn lan, dẫn đến việc khen thưởng không còn nhều ý nghĩa, học sinh không còn động lực cố gắng.

Bức ảnh về cả lớp nhận giấy khen, chỉ một học sinh không được giấy khen gây xôn xao cộng đồng mạng. Ảnh minh họa

Bức ảnh về cả lớp nhận giấy khen, chỉ một học sinh không được giấy khen gây xôn xao cộng đồng mạng. Ảnh minh họa

Bình luận về việc này, GS.TSKH Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, kỷ luật, khen thưởng học sinh phải làm đồng bộ cùng với những quy định rất cụ thể, bắt đầu từ những quy chế về học tập, làm việc, cho đến thi đua, giảng dạy... không thể quy định cho từng đoạn, từng khâu được.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh phải chống cho được căn bệnh thành tích trong giáo dục. Nếu vẫn còn tình trạng đánh giá giáo viên dựa trên thành tích giảng dạy, càng nhiều học sinh giỏi, giáo viên càng dễ nâng lương, ngạch, dễ nhận danh hiệu thi đua thì tình trạng một lớp có quá nửa là học sinh giỏi, tiên tiến, không có trung bình, yếu, kém là chuyện hết sức bình thường.

Chính vì căn bệnh thành tích tồn tại lâu nay mới có chuyện, học sinh khá vẫn được đưa lên là giỏi để làm nền khen thưởng cho giáo viên, là cơ sở làm đẹp hồ sơ cho giáo viên, nhà trường trong quá trình xem xét khen thưởng.

Vì lẽ này nên mới có hiện tượng học sinh không biết đọc, biết viết vẫn lên lớp đều đặn hàng năm. Cũng vì lý do này nên học bạ mới lạm phát điểm 10, một lớp chỉ toàn học sinh giỏi...

"Trước đây, để được công nhận là học sinh giỏi rất khó, một lớp 40 học sinh chỉ được vài ba người đạt học sinh giỏi, còn lại chủ yếu là khá, trung bình, thậm chí cả yếu kém.

Những học sinh được điểm 7 môn Văn cũng rất khó, phổ biến là điểm 5-6, chứ chưa thấy điểm 10 tuyệt đối ở môn Văn bao giờ. Bây giờ, tôi choáng ngợp với những điểm 9, điểm 10 ở môn này, có thể do học sinh ngày càng thông minh nhưng cũng không thể phủ nhận một phần là do cách đánh giá quá dễ dãi.

Nguyên nhân chính tôi vẫn cho rằng đó là do căn bệnh thành tích. Khi khen thưởng học sinh nhưng thực chất lại chính là khen thưởng giáo viên, học sinh giỏi càng nhiều, giáo viên càng nhận được nhiều nên không thầy, cô nào dại gì mà không cho học sinh của mình giỏi để mình được khen", GS Phạm Tất Dong lý giải.

Để dễ hình dung hơn, vị GS tiếp tục nêu ví dụ về quy định học sinh lớp 12 không được kết nạp đoàn viên thì không được thi đại học. Theo vị chuyên gia, quy định này cũng mang nặng hình thức, bởi nếu học sinh không được thi đại học thì giáo viên sẽ bị đánh giá năng lực kém, thậm chí bị hạ điểm thi đua, không được nâng lương, thưởng...

Vì thế, giáo viên phải đi vận động cả những học sinh không ngoan, không thích đều phải vào cho đủ chỉ tiêu.

Từ ví dụ trên, GS Phạm Tất Dong cho rằng, khi chưa chống lại được căn bệnh thành tích thì việc khen thưởng học sinh cũng tương tự như những câu chuyện vừa nêu. Tức là có những học sinh khá sẽ được nâng lên thành giỏi, trung bình lên khá... điều mà vốn dĩ vẫn tồn tại lâu nay.

Với nhà trường cũng vậy, nhiều học sinh giỏi, uy tín của nhà trường cũng được nâng lên, kéo theo đó là nhiều cơ chế, chính sách khác, chính vì điều này, có nhiều trường đã giao thẳng chỉ tiêu học sinh giỏi, tiên tiến tới từng giáo viên chủ nhiệm lớp.

Ngay từ đầu năm học, các giáo viên đã phải đăng ký học kỳ I lớp có bao nhiêu phần trăm học sinh giỏi, bao nhiêu phần trăm là học sinh khá.

"Lẽ thường, khi đã được giao chỉ tiêu, giáo viên đăng ký chỉ tiêu thì chắc chắn sẽ phải làm mọi cách đạt cho được chỉ tiêu đăng ký. Chuyện này không hiếm và vẫn thường xảy ra ở rất nhiều trường tiểu học, trung học các cấp", vị chuyên gia nêu.

Từ những ví dụ nêu trên, GS Phạm Tất Dong cho rằng, điều quan trọng nhất muốn thay đổi được cơ chế đánh giá, khen thưởng thì đầu tiên là phải thay đổi ngay từ quan niệm, mục tiêu về khen thưởng từ đầu. Muốn làm được như vậy, phải thay đổi cả cách đánh giá, chấn chỉnh lại ý thức về học tập, và phương pháp trong giảng dạy.

"Bệnh thành tích quá nặng, nếu chưa chữa lành căn bệnh này mọi cải cách chỉ giống như một miếng vải mới vá trên chiếc áo cũ. Sự xung đột giữa một mảnh vải mới còn quá tốt nhưng lại quá nhỏ trên chiếc áo quá cũ lại quá rộng sẽ không giúp làm mới được chiếc áo cũ mà miếng vải mới còn giằng xé tấm áo cũ khiến chiếc áo cũ rách nhanh hơn, rách to hơn.

Đánh giá học sinh cũng vậy, nếu không thay đổi đồng bộ, chỉ thay đổi chuẩn mới thì rõ ràng người ta sẽ lại lái chuẩn mới theo cách làm cũ, lợi bất cập hại", vị GS chỉ rõ.

Một điểm thứ hai cũng được vị chuyên gia đề cập chính là xác định rõ mục tiêu, mục đích của việc khen thưởng mà Bộ GD-ĐT muốn hướng tới là gì?

Đặt ra vấn đề trên, vị chuyên gia nhận định, khen thưởng thời gian qua ngoài do bị ảnh hưởng từ bệnh thành tích, làm đẹp hồ sơ, thành tích cho giáo viên, nhà trường thì còn có xu hướng chạy theo nịnh phụ huynh, khen thưởng cho phụ huynh nhiều hơn.

Một mặt do học phí ngày càng tăng, giá sách giáo khoa nhảy múa, bị làm giá đội lên gấp 267%, gây bức xúc những ngày đầu năm.

Thực tế, năm nào cũng đến ngày khai giảng năm học mới là những bức xúc trong ngành giáo dục lại được phơi ra, phụ huynh bức xúc, dư luận bức xúc, ngành giáo dục lại lập tức đưa ra một vài thay đổi giống như một cách chấn an, làm êm dư luận vậy.

Mặt khác, cũng do tâm lý phụ huynh bị ảnh hưởng từ cơ chế thị trường, coi giáo dục như một công cụ mở đường tiến thân cho con cái. Vì điều này đã có thực trạng chạy trường, chạy điểm, chạy cho con vào trường chuyên, lớp chọn.

Cũng chính từ tâm lý này nên nhiều trường hợp mặc nhiên coi việc đưa con đến trường, đóng một khoản tiền là nhà trường phải có trách nhiệm, nên việc trao trả kết quả bằng một tờ giấy khen cũng là dễ hiểu.

"Tôi không đánh giá cao các giải pháp thay đổi lẻ tẻ, mang tính rách đâu vá đó của ngành giáo dục, đó là cách làm "chưa chín", chưa đủ thuyết phục.

Cần có giải pháp thay đổi toàn diện, đồng bộ mọi mặt trong đời sống, kinh tế, xã hội hiện nay thì mới được", vị GS nhắc lại.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/de-xuat-giam-giay-khen-hoc-sinh-chua-dung-ban-chat-3418873/