Đề xuất giám định tư pháp về ADN, tài liệu được mở văn phòng giám định tư nhân

Bộ Tư pháp đề xuất mở rộng phạm vi thành lập Văn phòng giám định tư pháp ở các lĩnh vực mà hoạt động tố tụng và tổ chức, cá nhân trong xã hội có nhu cầu.

Bộ Tư pháp đang tiến hành xây dựng dự thảo Luật Giám định tư pháp (sửa đổi), thay thế Luật Giám định tư pháp 2012; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp 2020.

Sửa đổi, bổ sung 5 nhóm chính sách

Tại Tờ trình phục vụ công tác thẩm định, cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết quá trình triển khai Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), công tác giám định tư pháp đã đạt nhiều kết quả, về cơ bản phục vụ đắc lực hơn cho hoạt động tố tụng.

Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của công cuộc cải cách tư pháp, cải cách hành chính, đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là về tham nhũng, kinh tế, công tác giám định tư pháp đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Đơn cử như: thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp còn vướng mắc; chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực giám định tư pháp còn hạn chế, chưa thực sự phát huy hiệu quả trên thực tế...

Do đó, Bộ Tư pháp đề xuất Luật Giám định tư pháp (sửa đổi) cần sửa đổi, bổ sung 5 nhóm quy định:

(1) Tiêu chuẩn, việc bổ nhiệm giám định viên tư pháp; tiêu chuẩn, việc công nhận, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc.

(2) Tổ chức giám định tư pháp, mở rộng việc thành lập Văn phòng giám định tư pháp ở các lĩnh vực.

(3) Việc trưng cầu giám định, tiếp nhận trưng cầu giám định, quyền, nghĩa vụ của người trưng cầu giám định, người được trưng cầu giám định, thời hạn giám định tư pháp, thành phần hồ sơ giám định, kết luận giám định tư pháp.

(4) Chi phí giám định tư pháp và chế độ, chính sách đối với giám định viên tư pháp.

(5) Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương trong quản lý nhà nước về giám định tư pháp và thông tin, phối hợp của cơ quan tiến hành tố tụng.

Với phạm vi sửa đổi đã nêu, dự kiến Luật Giám định tư pháp (sửa đổi) sẽ sửa đổi, bổ sung 34 điều trên tổng số 46 điều của Luật Giám định tư pháp; bổ sung mới 7 điều.

 Bộ Tư pháp cho rằng cần sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp. Ảnh: CTV

Bộ Tư pháp cho rằng cần sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp. Ảnh: CTV

Mở rộng phạm vi thành lập Văn phòng giám định tư pháp

Liên quan đến việc thành lập Văn phòng giám định tư pháp, hiện nay Điều 14 Luật Giám định tư pháp 2012 quy định Văn phòng giám định tư pháp là tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập, được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả.

Nay, để công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giám định tư pháp đạt nhiều kết quả tích cực hơn, đáp ứng nhu cầu thực tế thì Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi quy định về Văn phòng giám định tư pháp theo hướng kế thừa quy định hiện hành và mở rộng phạm vi thành lập Văn phòng đối với một số lĩnh vực giám định mà tổ chức, cá nhân trong xã hội có nhu cầu.

Cụ thể, 4 lĩnh vực mới được đề xuất bổ sung gồm: tài liệu, dấu vết đường vân, kỹ thuật số và điện tử, ADN.

Góp ý, Bộ Công an đề nghị bỏ nội dung mở rộng phạm vi thành lập Văn phòng giám định tư pháp ở các lĩnh vực trên. Bởi theo Bộ Công an, tổ chức ngoài công lập thì chạy theo lợi nhuận, ảnh hưởng chất lượng của hoạt động tố tụng.

Giải trình vấn đề này, Bộ Tư pháp cho biết đây là nội dung mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã có chỉ đạo: tăng cường xã hội hóa, mở rộng phạm vi thành lập Văn phòng giám định tư pháp ở các lĩnh vực có nhu cầu lớn, thường xuyên cho phù hợp với nhu cầu thực tế.

Bên cạnh đó, Văn phòng giám định tư pháp phải có trang thiết bị, phương tiện giám định và tuân thủ quy trình, quy chuẩn giám định theo quy định của bộ, cơ quan ngang bộ quản lý lĩnh vực chuyên môn đó nhằm bảo đảm chất lượng kết luận giám định. Việc thu chi phí giám định của Văn phòng giám định tư pháp phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

Việc mở rộng xã hội hóa thì cần đi đôi với tăng cường quản lý nhà nước, nhất là kiểm tra, giám sát và chế tài xử lý các vi phạm trong hoạt động giám định tư pháp.

"Vì vậy, việc đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng phạm vi thành lập Văn phòng giám định tư pháp là việc thể chế hóa chỉ đạo của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan, được quy định chặt chẽ nên đề nghị giữ nguyên như Dự thảo", theo Bộ Tư pháp.

Nâng tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp

Bộ Tư pháp cũng đề nghị bổ sung các quy định nhằm nâng cao tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp:

+ Bổ sung tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp là đã qua khóa bồi dưỡng nghiệp vụ về giám định tư pháp.

+ Bổ sung quyền và nghĩa vụ của người giám định tư pháp trong việc tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ về giám định tư pháp.

Bên cạnh đó, sửa đổi quy định về hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp theo hướng bỏ thành phần hồ sơ “Phiếu lý lịch tư pháp” để bảo đảm đơn giản hóa thủ tục hành chính.

NGUYỄN NGỌC

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-giam-dinh-tu-phap-ve-adn-tai-lieu-duoc-mo-van-phong-giam-dinh-tu-nhan-post817885.html