Đề xuất giảm 10 tỉnh và 4 Bộ: Phải đánh giá lại

Việc sáp nhập các tỉnh có quy mô dân số nhỏ, phải tổng kết, đánh giá lại, bởi vì quy mô một tỉnh lại phù hợp với điều kiện khác nhau.

Đó là khẳng định của ông Lê Vĩnh Tân - Bộ trưởng Bộ Nội vụ về đề xuất của ĐBQH Phạm Văn Hòa, sáp nhập các tỉnh có dân số ít và các Bộ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, bên lề kỳ họp Quốc hội, ngày 1/11.

Mỗi địa phương phù hợp với điều kiện đặc điểm khác nhau

Cụ thể, theo ông Tân, mỗi quy mô một tỉnh lại phù hợp với điều kiện đặc điểm đồng bằng, miền núi, hải đảo hay đô thị khác nhau.

Bộ trưởng Tân cũng cho biết, Nghị quyết Trung ương 6 chỉ đề cập đến các cơ quan chồng lấn, có chức năng nhiệm vụ tương đồng thì rà soát lại.

“Trong nghị quyết Trung ương 6 chưa nói đến vấn đề sáp nhập tỉnh”, ông Tân cho hay.

Còn về sáp nhập các Bộ, theo ông Tân, chủ trương này thuộc đối tượng thứ 3 là “tiếp tục nghiên cứu”. Trong thời gian tới Bộ này sẽ xây dựng chương trình hành động để thực hiện các nội dung mà Nghị quyết Trung ương 6 đề ra.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh TPO

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh TPO

“Có những nội dung áp dụng làm ngay, cũng có những lĩnh vực nghiên cứu định hướng làm thí điểm, cũng có những cái chuẩn bị cho đại hội XIII”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Theo ông Tân, cái có thể làm ngay được là sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong các bộ ngành, địa phương.

Rà soát lại lại chức năng nhiệm vụ của các cơ quan không bị chồng lấn, sắp xếp lại các bộ ngành, kể cả các đơn vị trực thuộc, để đảm bảo làm sao đơn vị sự nghiệp công trong mỗi một cơ quan chuyên môn cấp tỉnh chỉ còn lại một đơn vị sự nghiệp công.

Còn lại cơ quan chuyên môn của các ngành như y tế cũng phải sắp xếp lại cho phù hợp. Và một số nhiệm vụ chúng ta có thể chuyển giao phân cấp giữa trung ương cho cấp tỉnh, cấp tỉnh cho cấp huyện để giảm bớt đầu mối.

Trả lời câu hỏi về phương án, lộ trình sáp nhập, ông Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ được Thủ tướng giao 2 chương trình hành động: Đó là thực hiện sắp xếp lại bộ máy của cơ quan hành chính nhà nước; thứ hai là sắp xếp lại các đơn vị theo Nghị quyết Trung ương 6.

“Cái này cũng bám vào nội dung Nghị quyết để xây dựng lộ trình các bước thực hiện”, ông Tân nói.

Hoàn toàn có cơ sở

Trước đó, ngày 30/10, phát biểu tại hội trường Quốc hội, ĐB Phạm Văn Hòa đã đề xuất nghiên cứu hợp nhất các tỉnh có ít đơn vị hành chính trực thuộc (huyện, xã), quy mô dân số thấp và một số bộ có nhiệm vụ tương đồng nhằm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi thường xuyên.

Theo ông Hòa, nếu thực hiện việc sáp nhập bộ máy theo đề xuất của ông thì ban đầu có thể xảy ra xáo trộn về tổ chức bộ máy, nhưng sau khoảng 1 năm sẽ đi vào nền nếp và hoạt động bình thường và hiệu quả đem lại rất lớn.

ĐBQH Phạm Văn Hòa

Về cách làm cụ thể, ĐB đoàn Đồng Tháp chia sẻ, trước tiên, với các tỉnh/ thành thì có thể sáp nhập những tỉnh dân số thấp, từ 700.000 – 800.000 dân trở xuống. Sau đó sẽ xem xét việc sáp nhập các bộ có chức năng nhiệm vụ tương đồng với nhau.

“Theo tính toán của tôi, sau khi sáp nhập có thể giảm ít nhất 10 tỉnh có quy mô dân số thấp, và có thể giảm được 3 - 4 Bộ có nhiệm vụ tương đồng”, ĐB Phạm Văn Hòa nói.

Về hiệu quả nếu thực hiện theo đề xuất này, ông Hòa phân tích, vấn đề cốt lõi khi sáp nhập là hiệu quả về tinh giản biên chế với số lượng rất lớn. Bởi lẽ sau khi sáp nhập sẽ giảm nguyên bộ máy một tỉnh, rất nhiều sở, ban, ngành, cấp huyện, xã. Qua đó có thể giảm chi thường xuyên hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm với một tỉnh.

“Chúng ta có thể dùng số tiền tiết kiệm đó để đảm bảo an sinh xã hội, đầu tư hạ tầng cho những nơi đang bị yếu kém và như thế là người dân hưởng lợi”, ông Hòa nêu quan điểm.

Cũng theo ông Hòa, nếu sáp nhập như vậy, cái khó nhất là vấn đề về con người, sẽ có nhiều người không hài lòng. Cái khó khác là địa bàn, địa hình quản lý sẽ rộng hơn…

Đồng tình quan điểm, ông Lê Thanh Vân - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội nói: “Tôi thấy đề xuất hợp nhất bộ ngành tương đồng, và sáp nhập một số tỉnh để giảm 3-4 bộ và hàng chục tỉnh là hoàn toàn có cơ sở. Qua thời gian đi giám sát ở các tỉnh cùng đoàn giám sát tối cao của QH tôi cũng nhận ra điều này".

Trước đó, ông đã từng đề nghị sáp nhập một số bộ như Bộ KH-ĐT với Bộ Tài chính, GTVT với Bộ Xây dựng và bây giờ đề xuất đó vẫn còn nguyên giá trị.

“Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính đều liên quan đến quản lý nguồn lực quốc gia. Một anh thì xây dựng phương án tổ chức nguồn lực, một anh thực thi tổ chức nguồn lực ấy nhưng lại thường xuyên có độ vênh về chính sách. Nhập làm một gọi là Bộ Kế hoạch - Tài chính hoặc thậm chí thu hút thêm một số chức năng của các bộ khác gọi là Bộ Kinh tế tổng hợp”, ĐB Vân phân tích.

Ông cũng đề xuất nhập Bộ GTVT với Bộ Xây dựng gọi là Bộ Cơ sở hạ tầng.

Theo ông, có một số bộ rất cần thiết nhưng lại không có như Bộ Biển đảo, Bộ Du lịch hiện chỉ ở quy mô tổng cục.

Sơn Ca (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/de-xuat-giam-10-tinh-va-4-bo-phai-danh-gia-lai-3346239/