Đề xuất 'giải tỏa trắng' ven kênh, rạch Sài Gòn

Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nêu thực trạng khung cảnh tại các bờ kênh, rạch của TP đang mất mỹ quan nghiêm trọng và đề xuất giải tỏa, tạo dựng lại không gian.

Rác trên rạch Xuyên Tâm, một người gom, nghìn người xả Trung bình mỗi ngày, đội vớt rác kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thu gom khoảng 5 tấn rác thải, đa phần do hơn 2.000 hộ dân sống ven và gần rạch Xuyên Tâm trực tiếp xả rác ra dòng nước.

Ngày 10/9, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo quy hoạch phát triển bờ kè sông Sài Gòn và sông, kênh rạch nội thành, các giải pháp hoàn thành cơ bản hệ thống kè sông Sài Gòn, sông và kênh nội thành vào năm 2025.

Tại hội thảo, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết đã nhiều nước đi trước và gặp thất bại trong việc quy hoạch, sử dụng đất ven sông. TP.HCM cần tiếp nhận, học hỏi những kinh nghiệm mới nhất của thế giới trong vấn đề này.

Khi quản lý, quy hoạch có hiệu quả bờ kè sông và đất ven kênh, rạch, ngoài việc giảm được hiện tượng ngập lụt, TP.HCM sẽ có thêm nhiều quỹ đất để phát triển hạ tầng, các công trình xã hội phục vụ người dân.

"Việc quy hoạch, quản lý hiệu quả đất ven sông, kênh, rạch sẽ đem lại môi trường sống tốt khiến người dân thêm hạnh phúc", người đứng đầu Thành ủy nhận xét.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tại hội thảo. Ảnh: Quang Huy.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tại hội thảo. Ảnh: Quang Huy.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, chia sẻ hệ thống sông, kênh, rạch tại TP.HCM đang đứng trước nhiều thách thức của quá trình đô thị hóa. Dù có vai trò quan trọng trong sự phát triển của TP.HCM, việc quản lý, bảo vệ môi trường ven kênh, rạch chưa được coi trọng.

Đóng góp ý kiến cho hội thảo, ông Khương Văn Mười, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nêu thực trạng khung cảnh tại các bờ kênh, rạch của TP đang mất mỹ quan nghiêm trọng.

Ngoài môi trường sống bị ảnh hưởng xấu, môi trường xã hội, điều kiện phát triển của cư dân tại những khu ổ chuột ven sông cũng bị giới hạn. Thiếu công trình tiện ích xã hội khiếntrẻ em tại các khu nhà ven sông dễ phải đối mặt với tệ nạn, về lâu dài sẽ để lại những hậu quả lớn cho toàn cộng đồng.

Để giải quyết được thực trạng trên, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề xuất áp dụng biện pháp "giải tỏa trắng" không gian dọc các tuyến sông, kênh, rạch để tạo dựng lại những không gian mới đầy đủ chức năng hơn.

Kiến trúc sư Khương Văn Mười góp ý TP.HCM nên thực hiện cuốn chiếu theo từng đoạn, đầu tư xây dựng mới bao gồm tổ chức lại cho dân tái định cư lại. Tạo dựng cho dân tái định cư nhịp sống an toàn về kinh tế, xã hội.

Những khu nhà ổ chuột xuất hiện dọc các kênh rạch tại TP.HCM. Ảnh: Quang Huy.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng TP.HCM cần có quy hoạch tổng thể quỹ đất dọc hai bên mỗi dòng nước. Các cơ quan quản lý cần xây dựng được cơ chế sử dụng, khai thác, kinh doanh quỹ đất này.

Để khai thác hiệu quả quỹ đất ven sông vì lợi ích công cộng, TP cần chấm dứt tình trạng các tòa nhà cao tầng dày đặc, lấn át sông Sài Gòn, hoặc biến một phần không gian sông Sài Gòn thành không gian riêng của dự án.

Quang Huy

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/de-xuat-giai-toa-trang-ven-kenh-rach-sai-gon-post988486.html