Đề xuất giải tán phòng giáo dục quận/huyện: Các giáo viên như 'mở cửa trong bụng'

Đề xuất giải tán phòng giáo dục quận/huyện của thầy giáo Bùi Nam đang nhận được sự quan tâm lớn trong ngành giáo dục. Nhiều giáo viên đã lên tiếng ủng hộ đề xuất trên.

Đảng và Nhà nước đã đưa ra chủ trương tinh giản biên chế và nhận được nhiều kiến nghị từ phía các thầy cô giáo. Một trong những đề xuất gây chú ý đó là đề xuất giải tán tất cả các phòng giáo dục đào tạo cấp quận, huyện của thấy giáo Bùi Nam.

Từ trước tới nay, các chuyên gia giáo dục đều đánh giá cao đề xuất của Bộ GDĐT, khi xếp lương giáo viên cao nhất trong bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên tiền ở đâu, tăng thế nào vẫn là bài toán chưa có lời giải. Trước khó khăn này, thầy giáo Bùi Nam hiến kế, để có tiền tăng lương giáo viên, trước tiên phải tinh gọn bộ máy quản lý giáo dục.

Cụ thể, thầy giáo Bùi Nam cho rằng, để thực hiện mục tiêu Nghị quyết 19 của Hội nghị Ban Chấp Hành Trung ương là giảm 10% biên chế trong sự nghiệp công lập trong đó có ngành giáo dục, bên cạnh việc giảm các chức danh kế toán, y tế học đường, lái xe, bảo vệ, nhân viên phục vụ thì một nhóm đối tượng khác cũng cần được giảm đó là các... phòng giáo dục.

Đề xuất giải tán phòng giáo dục quận/huyện: Các giáo viên như "mở cửa trong bụng". Ảnh minh họa

Thầy giáo đã phân tích: Theo số liệu thống kê ngân sách chi lương cho ngành giáo dục có đến 70% tổng quỹ lương khối sự nghiệp công lập.

Ngành giáo dục chiếm 52% biên chế sự nghiệp cả nước (1,2 triệu trong tổng số 2,3 triệu người).

Lực lượng cán bộ quản lý chỉ tính riêng từ mầm non đến trung học phổ thông (bao gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và cán bộ Phòng/ Sở giáo dục) trên giáo viên đứng lớp là khá lớn:

Mầm non là 35.833/132.294 viên chức chiếm tỉ lệ 27,08%, tiểu học 35.010/363.249 chiếm tỉ lệ 9,64%, trung học cơ sở 24.627/207.085 chiếm tỉ lệ 11,9%, trung học phổ thông 8.351/119.826 chiếm tỉ lệ gần 7%;

Tính chung trên cả nước cán bộ quản lý từ mầm non đến trung học phổ thông là 103.821/ 822.454 viên chức chiếm 12,6%.

Con số này chưa kể đến lực lượng viên chức tăng cường về thực hiện nhiệm vụ tại Sở/Phòng GD nhưng vẫn nhận lương tại các trường.

Thầy Nam cho rằng đó là con số quá lớn và cồng kềnh, nó làm tăng thêm sự ngột ngạt cho bức tranh biên chế đang ngày càng phình to.

Từ đó, thầy Nam góp ý: Cần giải tán các phòng giáo dục ở các huyện, quận trong cả nước, thay vào đó tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho hiệu trưởng các trường. Như vậy, tại mỗi địa điểm cấp xã sẽ giảm được ít nhất 2 hiệu trưởng, 3 hiệu phó, cả nước có 10.732 đơn vị hành chính cấp xã, số lượng tinh giản được sẽ là rất lớn.

Ngay sau khi kiến nghị này được đăng tải, cộng đồng sư phạm, trong đó có các hiệu trưởng và đặc biệt là các giáo viên như “mở cờ trong bụng”.

Nhiều thầy cô giáo cho rằng việc quản lý giáo dục theo nhiều cấp đã tạo áp lực cho các giáo viên khiến họ mệt mỏi.

Nói về vấn đề trên, cô Minh Hà, giáo viên của một trường THPT chia sẻ quan điểm: "Suốt thời gian qua, các giáo viên đều chịu áp lực từ phía phòng giáo dục địa phương vì vậy chúng tôi không có cơ hội được sáng tạo thêm, nhà trường không được đổi mới. Phòng chỉ đạo thế nào chúng tôi phải làm thế dù không đồng tình".

Cùng với ý kiến trên, nhiều giáo viên cũng cho biết rằng việc bầu hiệu trưởng, hiệu phó các trường cần được trao quyền cho chính giáo viên trong trường để tránh việc độc đoán, chuyên quyền trong quản lý giáo dục.

PV(t/h)

Nguồn SHTT: http://www.sohuutritue.net.vn/de-xuat-giai-tan-phong-giao-duc-quan-huyen-cac-giao-vien-nhu-mo-cua-trong-bung-d19401.html