Đề xuất giải pháp thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển

Ngày 19-10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo góp ý Báo cáo tổng kết Nghị quyết 35/2016/NQ-CP ngày 16-5-2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tốc độ tăng doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2019 là 14,4%, tăng khoảng 80% so với bình quân giai đoạn 2011-2015; tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước trong tổng mức đầu tư toàn xã hội liên tục tăng lên, từ 36,7% năm 2015 lên 46% năm 2019.

Trước tình hình đó, thực hiện nhiệm vụ tại Chương trình công tác năm 2020, Bộ được giao tổng kết, đánh giá và xây dựng Báo cáo 5 năm tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình Chính phủ trong quý IV năm 2020. Để có được cơ sở hoàn thiện các dự thảo nêu trên, Bộ mong nhận được sự góp ý, tham vấn của các đơn vị, địa phương, chuyên gia và hiệp hội doanh nghiệp.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, đóng góp ý kiến tập trung các vấn đề còn đang tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai, đề xuất các giải pháp để giảm thiểu tối đa khoảng cách giữa chính sách và thực thi, nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, đề xuất định hướng, giải pháp để có thể thúc đẩy khu vực doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, bứt phá hơn nữa, trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.

Theo bà Trịnh Thị Hương, Trưởng phòng Tổng hợp chính sách - Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), muốn đạt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động năm 2020 thì mức tăng trưởng doanh nghiệp phải đạt trên 17%/năm trong khi hiện mới chỉ đạt hơn 10%. Ngoài ra, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động cũng tăng, một phần do dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Mục tiêu khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đóng góp 48-49% GDP cũng chưa thực hiện được.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của khu vực tư nhân cũng đang có xu hướng tăng lên. Mục tiêu về đóng góp của khu vực tư nhân Việt Nam chiếm khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội có thể đạt được trong thời gian tới...

Từ góc độ địa phương, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, tình hình triển khai Nghị quyết 35/2016/NQ-CP đã có nhiều giải pháp từ năm 2016, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Nhiều giải pháp khác nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư. Đến nay, số doanh nghiệp trên địa bàn là 440 nghìn doanh nghiệp, nhưng không đạt được mục tiêu 500 ngàn doanh nghiệp như kế hoạch. Việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn mặc dù được cơ quan quản lý luôn khuyến khích, hỗ trợ...

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, cần thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn triển khai. Một số mục tiêu về phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn 2016-2020, ví dụ như mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 là chưa đạt được, xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan... Từ đó, đặt ra yêu cầu tiếp thu ý kiến tham vấn từ tổ chức, chuyên gia nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nói chung.

Hồng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/981296/de-xuat-giai-phap-thuc-day-khu-vuc-doanh-nghiep-tu-nhan-phat-trien