Đề xuất giải pháp khắc phục tồn tại ở dự án Trung Lương – Mỹ Thuận

Dự án Trung Lương – Mỹ Thuận được hoàn thành sau 13 năm, chậm gần 10 năm so với kế hoạch ban đầu khiến cho khi đi vào vận hành, lưu lượng xe đã vượt công suất thiết kế, ttrung bình 31.000 xe/ngày đêm. Trước thách thức đó, Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (doanh nghiệp dự án) Nguyễn Tấn Đông đã có những trao đổi về vấn đề này.

Lưu lượng giao thông chạm đến giới hạn mãi tải

- Từ khi cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đưa vào vận hành phục vụ người dân lưu thông (30.4.2022) đến nay, lưu lượng xe và tình hình giao thông trên tuyến như thế nào, thưa ông?

Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận Nguyễn Tấn Đông

Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận Nguyễn Tấn Đông

- Sau thời gian hơn 70 ngày đưa vào khai thác, từ ngày 30.4 đến ngày 14.7.2022, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã phục vụ lưu lượng rất lớn là 1.723.289 lượt xe (lưu lượng trung bình trong 30 ngày gần đây là 31.000 lượt/ngày đêm), cứu hộ 455 trường hợp xe bị hỏng, chết máy, nổ lốp, hết nhiên liệu và tiếp nhận giải đáp hơn 1.000 cuộc gọi của người tham gia giao thông thông qua tổng đài điện thoại khẩn cấp.

- Với lưu lượng xe lưu thông lớn như vậy, công tác vận hành gặp khó khăn gì?

- Với vai trò “giải cứu”, quản trị điều hành một dự án bị đình trệ gần 1 thập kỷ, Tập đoàn Đèo Cả đã đưa cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 theo đúng hồ sơ thiết kế của Bộ Giao thông vận tải và theo đúng hợp đồng BOT đã ký.

Tuy nhiên, cũng vì dự án đình trệ quá lâu (chậm gần 10 năm – PV), nên khi hoàn thành thì đã chạm đến giới hạn mãi tải. Thực tế cho thấy với lưu lượng hiện nay, quy mô giai đoạn 1 của dự án đã không còn đáp ứng được nhu cầu của người tham gia giao thông.

Mặc dù đã thiết kế các vị trí dừng xe khẩn cấp, nhưng do khoảng cách các điểm dừng khẩn cấp lớn (khoảng 10km/điểm) nên nhiều trường hợp xe hư hỏng không thể di chuyển đến vị trí dừng khẩn cấp, bắt buộc phải đậu trên làn xe chạy gây mất ATGT.

Khi xảy ra sự cố giao thông, công tác tiếp cận hiện trường rất khó khăn, nhiều lúc lực lượng cứu hộ cứu nạn phải chạy bộ để tiếp cận hiện trường, sau khi điều tiết thì các phương tiện cứu hộ mới vào được vị trí sự cố. Vì vậy mất nhiều thời gian tiếp cận hiện trường, xử lý sự cố, gây ùn tắc giao thông, giảm hiệu quả khai thác,…

- Đơn vị đã tổ chức vận hành như thế nào trước những thách thức đó?

- Doanh nghiệp dự án đã giao cho Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) quản lý vận hành dự án. Đơn vị này đã huy động 200 nhân sự có kinh nghiệm từ các dự án hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân và cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn cùng với hơn 20 đầu thiết bị chuyên dụng (xe cứu hộ, xe chữa cháy, xe cứu thương,…) để vận hành. Chi phí vận hành mỗi tháng khoảng 3 tỷ đồng.

Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện đã được lắp đặt hệ thống giao thông thông minh (ITS) để quản lý, kiểm soát, vận hành khai thác và bảo trì cung cấp thông tin trực tiếp nâng cao an toàn cho người tham gia giao thông trên tuyến. Thông qua hệ thống ITS, Trung tâm điều hành đường cao tốc đã kịp thời phát hiện xe bị sự cố để hỗ trợ cứu hộ cứu nạn.

Chúng tôi cũng đã tổ chức ký quy chế phối hợp với Cục CSGT (C08), Sở GTVT, Công an tỉnh Tiền Giang và UBND các huyện nơi dự án đi qua để phối hợp xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình vận hành khai thác.

- Như vậy, khi phải bỏ ra số tiền lớn để vận hành dự án nhưng lại chưa tổ chức thu phí, việc này đã gây khó khăn gì thưa ông?

- Chắc chắn việc vận hành dự án mà chưa thu phí thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Thứ nhất: Nhà đầu tư phải tự bỏ ra nguồn tài chính để phục vụ công tác vận hành; Thứ 2: Không có nguồn thu để hoàn vốn và lãi vay cho phía ngân hàng; Thứ 3, khi chưa tổ chức thu phí, hay nói cách khác là khi lưu thông miễn phí thì không kiểm soát được tải trọng xe, kiểm soát xe không đủ điều kiện lưu thông và một lý do quan trọng nữa là điều tiết giao thông trên tuyến.

Nhiều bất cập cần giải quyết

- Xin ông cho biết vì sao sau khi khánh thành và đưa dự án vào vận hành (30.4.2022) đến nay dự án vẫn chưa triển khai thu phí hoàn vốn theo thỏa thuận trọng hợp đồng?

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng, tổng chiều dài toàn tuyến 51.5km, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường Cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương) và điểm cuối giao với QL30 tại nút giao An Thái Trung (nút giao bờ Bắc cầu Mỹ Thuận, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT do liên danh Công ty CII, Công ty Tuấn Lộc, Công ty B.M.T đầu tư; Đơn vị quản trị điều hành dự án là Tập đoàn Đèo Cả.

- Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đưa vào khai thác không thu phí trong 60 ngày để đánh giá về chất lượng công trình và công tác tổ chức giao thông an toàn trên tuyến. Sau thời gian trên, chất lượng công trình được đánh giá là phù hợp với thiết kế được Bộ GTVT phê duyệt nhưng còn một số bất cập về đảm bảo an toàn giao thông của phương án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1. Doanh nghiệp đã thống nhất với UBND tỉnh Tiền Giang kéo dài thời gian không thu phí thêm 30 ngày để chờ chủ trương cấp có thẩm quyền về các giải pháp xử lý tình huống trước mắt đồng thời xem xét sự cần thiết đầu tư giai đoạn 2 của dự án nhằm đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của 21 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long về tuyến đường cao tốc huyết mạch để phát triển kinh tế - xã hội cho toàn khu vực.

- Nhà đầu tư đã đề xuất gì đến cấp có thẩm quyền nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia lưu thông trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận?

- Với kinh nghiệm tham gia giải quyết nhiều dự án giao thông trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy các bất cập cần phải giải quyết như: Quy mô đầu tư giai đoạn 1 đã chạm mốc mãn tải; Chưa có trạm dừng kiểm tra kỹ thuật, cứu hộ cứu nạn, chưa có làn dừng khẩn cấp… nên khi xảy ra các sự cố như phương tiện hư hỏng, hết nhiên liệu, va chạm giao thông do tài xế chạy đường dài không dừng nghỉ… rất khó khăn trong công tác cứu nạn cứu hộ, gây ùn tắc giao thông, giảm hiệu quả khai thác; Người dân chưa quen với “văn hóa giao thông trên cao tốc”,…

Với lưu lượng xe như hiện nay, tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 đã mãn tải vàkhông đáp ứng được nhu cầu lưu thông trong thời gian tới. Trên cơ sở chi phí dự phòng Dự án giai đoạn 1 chưa sử dụng hết, việc giải phóng mặt bằng ở giai đoạn 2 cho quy mô 8 làn xe đã hoàn thành. Chúng tôi đề xuất trước mắt cần đầu tư trạm dừng nghỉ, kết hợp trạm dừng kĩ thuật cứu hộ cứu nạn để giải quyết các bất cập về an toàn giao thông. Về lâu dài cần sớm triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn 2 để nâng cao năng lực thông hành, đáp ứng nhu cầu lưu thông ngày càng cao của người dân.

- Xin cám ơn ông!

Minh Anh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/de-xuat-giai-phap-khac-phuc-ton-tai-o-du-an-trung-luong--my-thuan-i295423/