Đề xuất giải pháp đào tạo nhân lực logistics cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 4/12, Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (Valoma) phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh tổ chức hội thảo Nhu cầu phát triển nhân lực logistics tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình phát biểu chúc mừng Chi hội. Ảnh: Thanh Hòa- TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình phát biểu chúc mừng Chi hội. Ảnh: Thanh Hòa- TTXVN

Ngày 4/12, tại Trà Vinh, Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (Valoma) phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh tổ chức hội thảo Nhu cầu phát triển nhân lực logistics tại Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời ra mắt Chi hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Cửu Long do đại diện Trường Đại học Trà Vinh làm Chi hội trưởng.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Trà Vinh cho biết, hoạt động logistics của Việt Nam đang trên đà phát triển và được đánh giá có hiệu suất dịch vụ logistics tốt hơn hẳn các thị trường có mức thu nhập tương đương.

Nhưng hiện nay, nguồn nhân lực logistics chưa đáp ứng yêu cầu; kiến thức và kỹ năng chuyên môn của nhân lực logistics trên thực tế thấp hơn so với yêu cầu của doanh nghiệp, phần lớn hạn chế về ngoại ngữ, kinh nghiệm làm việc và thiếu chứng chỉ nghề nghiệp cần thiết. Do vậy, việc phát triển nguồn nhân lực cho hệ thống logistics hiện rất quan trọng.

Để góp phần cung ứng nguồn nhân lực logistics chất lượng cao cho Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng, Trường Đại học Trà Vinh đã thành lập Trung tâm Đào tạo Logistics và Thương mại điện tử.

Thời gian tới, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Trà Vinh sẽ có các chương trình và hoạt động cụ thể để mở rộng đào tạo dài hạn và ngắn hạn nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực này; kết nối các doanh nghiệp trong chuỗi ngành logistics, đóng góp vào sự phát triển chung cho ngành logistics Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Valoma, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khâu Bộ Công Thương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Hòa- TTXVN

Tại hội thảo, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp tổng thể, cụ thể và ngắn hạn trong đào tạo để phát triển nguồn nhân lực logistics chất lượng cao ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Dương Quang Khánh, Tổng thư kí Hiệp hội Valoma, Đồng bằng sông Cửu Long cần khắc phục tình trạng thiếu giảng viên chuyên ngành và chuyên gia tại địa phương ở lĩnh vực này. Trong quá trình đào tạo cần xây dựng khung chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo; đồng thời cho học viên trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp.

Các trường cần xây dựng chương trình đào tạo ngắn hạn có cấp chứng chỉ theo vị trí chuyên môn phổ biến trong doanh nghiệp sát với thực tế vận hành doanh nghiệp; xây dựng Trung tâm Tư vấn giới thiệu việc làm online kết nối doanh nghiệp và sinh viên…

Cùng ý kiến về việc cần thiết trong phát triển nguồn giảng viên chất lượng ở lĩnh vực này, bà Huỳnh Như Nguyệt, Giám đốc Trường Hàng không và Logistics Việt Nam cho rằng, số lượng giảng viên tại Việt Nam có bằng thạc sỹ chuyên ngành lĩnh vực này rất ít, mà chủ yếu từ ngành học kinh tế, ngoại ngữ và tham gia vào hoạt động logistics tại doanh nghiệp một thời gian.

Thành viên Chi hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ra mắt. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Đối với những giảng viên tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành từ nước ngoài trở về thì lại thiếu kinh nghiệm thực tế tại thị trường Việt Nam. Vì vậy, để phát triển lâu dài và bền vững trong phát triển nguồn nhân lực logistics, nhà trường cần có chiến lược đầu tư phát triển đội ngũ giảng viên về chuyên môn lẫn kỹ năng giảng dạy.

Đồng thời, cần có sự kết nối với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo; tổ chức các hoạt động tham quan cảng biển, cảng hàng không, hệ thống kho hàng, trung tâm phân phối; tạo sân chơi chuyên môn toàn quốc cho sinh viên địa phương tham gia. Điều quan trọng là kết nối cơ hội việc làm cho sinh viên trong vùng và các khu đô thị cảng biển, hàng không, khu công nghiệp, chế xuất.

Tại hội thảo, bà Lê Thị Thu Diềm, Giám đốc Trung tâm Đạo tạo Logistics và Thương mại điện tử Trường Đại học Trà Vinh trình bày kế hoạch hoạt động của Chi hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 và các năm tiếp theo, với nhiều giải pháp cụ thể. Theo kế hoạch, năm 2023, Chi hội áp dụng chương trình phần mềm mô phỏng trong thực hành các hoạt động chuỗi cung ứng lĩnh vực này, năm 2024 xây dựng phương án triển khai trung tâm thực hành tại Trà Vinh và đến năm 2026 sẽ nhân rộng mô hình tại Đồng bằng sông Cửu Long./.

Thanh Hòa/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/de-xuat-giai-phap-dao-tao-nhan-luc-logistics-cho-khu-vuc-dong-bang-song-cuu-long/270775.html