Đề xuất giải pháp bảo vệ vùng trồng cây ăn trái lớn nhất nước

Sáng 11-2, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đã làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang về tình hình sản xuất, chế biến nông sản trước ảnh hưởng dịch nCoV và công tác phòng, chống hạn, mặn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm ruộng lúa tại xã Bình Xuân, thị xã Gò Công.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm ruộng lúa tại xã Bình Xuân, thị xã Gò Công.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có hơn 79 nghìn ha cây ăn trái, sản lượng hằng năm đạt 1,49 triệu tấn, trong đó có nhiều loại trái cây đặc sản, một số loại có diện tích lớn như thanh long, mít, sầu riêng, bưởi, xoài. Toàn tỉnh hiện có 14 nhà máy chế biến trái cây, công suất khoảng 47 nghìn tấn/năm. Năm 2019, tỉnh xuất khẩu hơn 20,6 nghìn tấn trái cây, đạt kim ngạch 37,6 triệu USD, tăng hơn 158% về lượng và 167% giá trị so năm trước.

Tuy nhiên, ngay sau Tết, việc tiêu thụ nhiều loại cây trồng rất khó khăn, giá sụt giảm, nhất là các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Hầu hết các đơn hàng từ Trung Quốc bị hủy do ảnh hưởng của dịch bệnh nCoV chưa được kiểm soát. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các sở ngành và địa phương phối hợp doanh nghiệp bàn giải pháp tiêu thụ nông sản; làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu, siêu thị… để đẩy mạnh tiêu thụ trái cây. Ngoài ra, tỉnh còn vận động đưa trái cây vào bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp.

Tiền Giang hiện có 74 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở thu mua thanh long. Trong đó, 40 cơ sở có đầu tư kho lạnh với tổng sức chứa hơn 6.000 tấn. Hiện tại, các kho đã trữ khoảng 4,5 nghìn tấn. Do tác động của dịch, giá nhiều loại trái cây đã giảm mạnh. Giá thu mua sầu riêng hiện tại 25.000-38.000 đồng/kg (trước Tết, giá 45.000-50.000 đồng). Trước Tết, giá bán mít là 45.000-50.000 đồng/kg, nay chỉ còn khoảng 20.000 đồng/kg.

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ cho thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí thu mua, tiêu thụ trái cây bị đình trệ, sụt giá vì ảnh hưởng của dịch bệnh nCoV; Kiến nghị Thủ tướng ban hành cơ chế chung về hỗ trợ tiền điện cho các doanh nghiệp đang thu mua.

Ngoài ra, địa phương còn kiến nghị bộ tiếp tục hỗ trợ tỉnh mời gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến trái cây tại Tiền Giang. Đồng thời, tỉnh cũng đề nghị xem xét hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hồ nước ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành để chủ động phòng chống hạn, mặn với kinh phí hơn 400 tỷ đồng; xem xét hỗ trợ đầu tư ô bao bảo vệ 19 nghìn ha cây ăn trái tại huyện Cái Bè (giai đoạn 2020-2025), kinh phí khoảng hai nghìn tỷ đồng.

Để xử lý những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ trái cây hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị trước mắt, cần tập trung tiêu thụ nội địa, thực hiện các giải pháp để không ảnh hưởng lớn đến bà con nông dân. Trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang phải tổ chức một hội thảo lớn về phát triển ngành cây ăn quả trở thành trụ cột của kinh tế nông nghiệp. Vì hiện nay, Tiền Giang là địa phương có diện tích cây ăn trái lớn nhất cả nước nhưng giá trị xuất khẩu trái cây vẫn còn ít so với tiềm năng.

Cũng trong sáng nay, sau khi khảo sát ruộng lúa tại xã Bình Xuân, thị xã Gò Công, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao công tác phòng chống hạn, mặn tại Tiền Giang. Dù diễn biến hạn, mặn nghiêm trọng hơn cả năm 2016 nhưng Tiền Giang vẫn giữ an toàn 25 nghìn ha lúa đông xuân, hơn 79 nghìn ha trái cây không bị tổn thương dù ranh mặn xâm nhập vào sâu có nơi đến 120 km, lịch sử chưa từng xảy ra. Ngoài ra, hơn 1,7 triệu dân trong tỉnh vẫn bảo đảm được nước ngọt. Đây là bài học kinh nghiệm trong chủ động ứng phó của địa phương.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý địa phương không được lơ là, chủ quan và cần rà soát lại các kịch bản, thường xuyên quan trắc, thăm đồng ruộng, khảo sát tình hình để có phương án xử lý kịp thời, không để tổn thương diện tích cây ăn trái.

ANH TUẤN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/43224602-de-xuat-giai-phap-bao-ve-vung-trong-cay-an-trai-lon-nhat-nuoc.html