Đề xuất dừng xây dựng cảng Liên Chiểu: Nhà tư vấn bị phản đối

Hội thảo bàn về 'Phương án Quy hoạch cảng biển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng' diễn ra chiều nay (7/11), tại TP Đà Nẵng.

Tại Hội thảo bàn về “Phương án Quy hoạch cảng biển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” diễn ra chiều 7/11, tại TP Đà Nẵng, hầu hết các chuyên gia, nhà khoa học đều ủng hộ phương án xây dựng cảng Liên Chiểu, cảng Tiên Sa chỉ sử dụng vào mục đích du lịch. Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, các Hội, Hiệp hội cảng biển trong và ngoài nước.

Cảng Tiên Sa thành phố Đà Nẵng hiện tại.

Cảng Tiên Sa thành phố Đà Nẵng hiện tại.

Về phương án quy hoạch cảng Tiên Sa và Liên Chiểu, ông Siah Gim Lim, Giám đốc Dự án Surbana Jurong - đại diện tư vấn cho rằng: Nếu xây dựng cảng Liên Chiểu thì tàu bè ra vào sẽ làm cho những dòng nước sâu bị thay đổi. Những dòng nước sâu có thể lên đến 100 mét, 2 đường nước sâu cắt vịnh Đà Nẵng thì sẽ rất lo ngại đến môi trường vịnh. Việc hình thành cảng Liên Chiểu cũng sẽ kéo một lượng lớn tàu thuyền ra vào khu vực, các phương tiện vận chuyển hàng hóa đến và đi, các khu hậu cần phục vụ cảng,... Điều này có thể sẽ gây ra các tác động xấu đến hoạt động du lịch tại khu vực này.

Đối với cảng Tiên Sa, nhà tư vấn Surbana Jurong cho rằng, đây là địa điểm lý tưởng có sự bảo vệ của khu vực đồi núi xung quanh, có thể mở rộng cảng Tiên Sa và có thể mở rộng 5.800 mét cầu tàu, cũng có thể mở rộng cho các cầu tàu du lịch, đảm bảo tích hợp cảng hàng hóa và du lịch.

Ông Siah Gim Lim đề xuất mở rộng cảng Tiên Sa thay vì xây dựng cảng Liên Chiểu: "Chúng tôi đề xuất UBND thành phố Đà Nẵng và Bộ Giao thông Vận tải thận trọng khi xem xét. Bởi khi xây dựng cảng cần đảm bảo tầm nhìn từ 50 năm trở lên. Làm sao có thể bảo vệ được môi trường vịnh Đà Nẵng để phát triển du lịch bền vững".

Đại diện tư vấn Surbana Jurong đề xuất thành phố Đà Nẵng nên xây dựng cầu cạn vận chuyển hàng hóa dọc theo các con đường Điện Biên Phủ - Đống Đa - Vân Đồn và Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Hữu Thọ để phục vụ cảng biển và hậu cần sân bay tương ứng. Nhà tư vấn này cho rằng, kết nối trực tiếp cảng và sân bay với đường cao tốc và đường sắt được đề xuất không ảnh hưởng vào giao thông thành phố.

Hình ảnh Đồ án qui hoạch cảng Liên Chiểu.

Không đồng tình với những đề xuất của nhà tư vấn Surbana Jurong, ông Ryoya Watanabe, Đại diện JICA Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, xây dựng cảng Tiên Sa đặt ra vấn đề giải tỏa dân cư rất lớn; Khu vực cảng Tiên Sa còn rất chật chội, khó cho các dịch vụ Logisstic, cần để ý đến quy mô cảng. Còn về Quy trình pháp lý, cảng Liên Chiểu đã nằm trong quy hoạch chung của quốc gia, nếu thay đổi thì rất khó khi phải trình các bộ ngành Trung ương. Trong vòng 2-3 năm nữa, cảng Tiên Sa hết công suất mà Trung ương chưa phê duyệt thay đổi thì sẽ xử lý như thế nào?

Ông Satoshi Sugimoto, Đại diện thành phố Yokohama, Nhật Bản là thành phố cảng kết nghĩa với TP Đà Nẵng cho rằng, nhà tư vấn chưa đưa ra đủ dữ liệu để đánh giá sự lựa chọn giữa 2 cảng Tiên Sa và Liên Chiểu. Từ kinh nghiệm của thành phố Yokohama là xây dựng thành phố vận tải và du lịch nên Đà Nẵng cần xác định rõ mục tiêu ưu tiên của thành phố là du lịch hay vận tải?.

Ông Bas Van Dijk, Hãng Royal Haskoning DHV thì cho rằng, phải tính đến tính liên thông trong giao thông, áp dụng công nghệ thông tin trong phát triển cảng.

Đại diện thành phố Yokohama Nhật Bản.

Về phương án xây dựng cầu cạn của nhà tư vấn Surbana Jurong, ông Bas Van Dijk cho rằng, phương án này tăng tiếng ồn, giảm giá trị về đất đai và tăng tội phạm; phần giải phóng mặt bằng, tái định cư là vô cùng khó khăn. Nếu kết hợp giữa hải quân và du lịch tại cảng Tiên Sa là điều rất khó cho địa phương. Thứ ba, việc phát triển cảng Tiên Sa trong tương lại phải tính toán tới việc di dời, nạo vét.

Hội thảo phương án qui hoạch cảng biển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Minh Khang, Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Cảng - Đường thủy (Tedi Port) cho biết, Đà Nẵng là 1 trong 3 thành phố được chọn để quy hoạch cảng biển loại A, ngoài Hải Phòng và Vũng Tàu, vì thế cần hết sức thận trọng.

Ông Nguyễn Minh Khang đặt vấn đề: Hiện cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn đều phải chuyển từ khu vực nội đô ra bên ngoài. Đà Nẵng đã chuyển từ sông Hàn ra cảng Tiên Sa. Tuy nhiên, thời điểm đó, cỡ tàu nhỏ thì việc dịch chuyển ra Tiên Sa là hợp lý. Còn hiện nay, việc mở rộng cảng Tiên Sa là không hợp lý.

Theo ông Nguyễn Minh Khang, nếu mở rộng cảng Tiên Sa thì vẫn phải nạo vét với khối lượng lớn mà lại nạo vào phía bên trong. Thứ 2, việc mở rộng nâng cao tĩnh không cầu là cực kỳ khó khăn. Thứ 3 là áp lực giao thông nội đô sẽ rất lớn bởi sẽ có hàng chục ngàn công nhân làm việc tại cảng loại A như vậy.

Ông Nguyễn Minh Khang cho rằng: "Càng ngày sức ép đô thị càng tăng, bởi vì do có cảng biển. Cho nên đô thị hóa tăng ép trở lại giao thông và nhiều vấn đề khác nữa, trong đó có giao thông nội đô. Nếu chọn Tiên Sa như phương án tư vấn nêu thì cũng đặt ra 3 vấn đề quan tâm là áp lực lên giao thông nội đô, rồi có hàng chục nghìn người lao động ở khu vực phát triển cảng đó và giao thông cá nhân nữa, cho nên cái này cũng phải tính toán".

Ông Nguyễn Minh Khang, Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Cảng - Đường thủy (Tedi Port) phát biểu tại hội thảo.

Theo ông Lê Tấn Đạt, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng hàng hải thì phương án mà tư vấn đưa ra là phần nước của toàn bộ Vịnh Đà Nẵng hiện đã giao cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, Kiểm ngư, Cứu nạn hàng hải, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Theo ông Lê Tấn Đạt, cảng Tiên Sa không đủ diện tích để có thể tích hợp các dịch vụ trong khu vực chỉ rộng 5.800 mét bờ vịnh.

"Đối với phương án phát triển cảng Tiên Sa do tư vấn trình bày hiện nay đang đề xuất có 14 bến, bao trùm toàn bộ vùng đất, vùng nước của quốc phòng, hiện là căn cứ Vùng 3 Hải quân, Kiểm ngư, Công ty Sông Thu, Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung, âu thuyền cảng cá Thọ Quang. Đồng thời là nơi lao động cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân Đà Nẵng và các địa phương miền Trung và toàn bộ hệ kho cảng xăng dầu. Chúng tôi quan ngại rằng, qui mô cảng này không đảp ứng được các mục tiêu về đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo, trật tự an toàn xã hội, an ninh năng lượng, du lịch cũng như các hoạt động khác", ông Đạt nói.

Ông Nguyễn Minh Quý, chuyên gia cảng biển của Công ty tư vấn Japan Port ConsulHart (IPC) cho rằng, không thể nào phát triển cảng biển mà chỉ dừng lại 50 triệu tấn, chỉ bằng 1/7 thành phố Yokohama và 1/10 cảng Busan hiện nay. Vì vậy, Đà Nẵng phải phát triển cảng Liên Chiểu. Theo ông Quý, cảng Tiên Sa hiện nay dễ bồi lắng nên phải nạo vét với chi phí cực lớn.

Ông Nguyễn Hữu Sia, nguyên Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng cho biết, cảng Tiên Sa đã được xây dựng từ năm 1965 đến nay và đã hết sứ mệnh của nó nên việc chuyển cảng container ra Liên Chiểu là cần thiết. Ông Nguyễn Hữu Sia đặt vấn đề, tai nạn giao thông do xe container gây ra rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến du lịch và hình ảnh của một thành phố. Hiện nay, để hạn chế tai nạn, chính quyền thành phố cấm hơn 3 tiếng đồng hồ thì tự đánh mất khả năng cạnh tranh của cảng. Vì vậy, theo ông Nguyễn Hữu Sia, thành phố nên khẩn trương làm cảng Liên Chiểu chứ không nên ngồi bàn tới bàn lui chuyện này nữa.

Ông Nguyễn Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, nhà tư vấn còn quá ít thông tin về quy hoạch cảng biển. Nhà tư vấn đề nghị dừng xây dựng cảng Liên Chiểu, mở rộng cảng Tiên Sa nhưng không có dữ liệu khoa học đầy đủ, đánh giá về so sánh lợi thế giữa 2 cảng biển nên Cục Hàng hải chưa thể đưa ra ý kiến. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng, các yếu tố an ninh quốc phòng, du lịch, an toàn giao thông là những yếu tố quan trọng đối với quy hoạch cảng biển.

Cũng tại Hội thảo này, đại diện Hội Cầu đường, Hội Cảng biển Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP Đà Nẵng đều phản đối đề xuất mở rộng cảng Tiên Sa mà đề nghị thành phố tập trung xây dựng cảng Liên Chiểu./.

Thanh Hà- Đình Thiệu/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/de-xuat-dung-xay-dung-cang-lien-chieu-nha-tu-van-bi-phan-doi-975961.vov