Đề xuất dễ gây thao túng giá xăng: Lo độc quyền kép

Hạn mức tối thiểu nhập khẩu xăng dầu dễ gây nhập nhèm, tạo điều kiện cho các thương nhân đầu mối thu lợi.

Liên quan tới góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), GS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng đồng tình cho rằng, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cần xem xét, không đưa "Hạn mức tối thiểu nhập khẩu xăng dầu hằng năm do Bộ Công Thương phân giao" vào danh mục kiểm tra chuyên ngành của hàng hóa xuất nhập khẩu.

Hạn mức tối thiểu quy định trong bối cảnh đang có chủ trương thay thế xăng hóa học bằng xăng sinh học rất dễ gây nhập nhèm, làm lợi cho doanh nghiệp đầu mối. Ảnh minh họa

GS. Đặng Đình Đào chỉ rõ hai vấn đề:

Thứ nhất, do hiện nay số lượng các doanh nghiệp đầu mối được cấp phép nhập khẩu xăng dầu rất ít (thống kê có 27 doanh nghiệp, trong đó có 3 doanh nghiệp chỉ nhập khẩu nhiên liệu dành cho hàng không).

Đây sẽ là một trong những nguy cơ thực tiễn khiến cho nguồn cung của thị trường xăng dầu có thể bị lũng đoạn bởi các thương nhân đầu mối này.

Bởi lẽ, việc nhập khẩu xăng dầu sẽ còn liên quan tới rất nhiều thứ, ví dụ như, kho bãi, vận chuyển, đường ống... nếu đưa ra hạn mức tối thiểu thì nhiều khả năng các doanh nghiệp nhỏ không thể đáp ứng được do năng lực tài chính hạn chế.

Trong trường hợp này, những doanh nghiệp nhỏ không đáp ứng được điều kiện tối thiểu sẽ phải chấp nhận phá sản, quyền lực lại tập trung về một số ít các doanh nghiệp thương nhân đầu mối.

Điều này khiến cho quy trình trở nên thiếu minh bạch và tạo ra dư địa cho tình trạng mất cân bằng, phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu, cản trở quá trình thị trường hóa.

Thứ hai, hạn mức nhập khẩu tối thiểu được đưa ra trong bối cảnh xăng A95, A92 đang được Bộ Công thương đề xuất xóa bỏ và thay thế hoàn toàn bằng xăng sinh học E5 RON 95, đây là bất cập lớn.

Việc này đặt ra hai câu hỏi lớn là: Hạn mức tối thiểu cho phép nhập khẩu xăng dầu là nhập khẩu loại xăng nào? Nhập xăng A95 hay nhập khẩu nguyên liệu ethanol để pha chế xăng E5?

"Nếu việc này không được làm rõ, dễ dẫn tới sự nhập nhèm, không rõ ràng trong định giá bán lẻ xăng dầu ra thị trường. Ví dụ, hiện nay thị phần của xăng A92 chỉ chiếm khoảng trên dưới 30% nhu cầu sử dụng, trong khi đã có xuất hiện những ý kiến về việc xóa bỏ xăng khoáng A95.

Như vậy, liệu có việc nhập xăng khoáng về để pha chế xăng E5 rồi lại lấy cớ giá nhập khẩu xăng thế giới tăng để điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước theo giá xăng khoáng hay không?

Đáng quan ngại, khi đưa ra hạn mức nhập khẩu tối thiểu, nguy cơ doanh nghiệp đầu mối sẽ độc quyền kép, tức là độc quyền xăng khoáng để pha chế, đồng thời độc quyền luôn cả việc nhập khẩu cồn E100 thì giá xăng sẽ điều chỉnh theo cơ chế nào? Ai có thể kiểm soát? Liệu có tình trạng doanh nghiệp quyết giá nào, dân phải chịu giá ấy không?

Tôi cho rằng, đây là sự nhập nhèm rất lớn, tạo điều kiện cho các thương nhân đầu mối thu lợi. Bộ Công thương cần phải giải thích rõ điểm này, tránh thất thoát cho ngân sách và bắt người dân phải chịu thiệt đơn, thiệt kép", GS Đặng Đình Đào nói rõ.

Lạ lùng đề xuất dễ gây thao túng giá xăng: Vì ai?

Từ hai vấn đề trên, GS Đặng Đình Đào cho rằng, Tổng cục Hải Quan cần cân nhắc, xem xét lại, không vội vàng chấp thuận với quy định hạn mức tối thiểu trong nhập khẩu xăng dầu của Bộ Công thương.

Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là phải tạo ra cơ chế minh bạch, điều tiết hợp lý cả lượng hàng nhập về và bán ra thị trường cho phù hợp với cung - cầu.

Quan trọng hơn, các đầu mối kinh doanh xăng dầu hiện vẫn trực thuộc sự quản lý của Bộ Công thương, việc này cũng tạo nhiều dư luận không tốt. Một đơn vị mà chịu trách nhiệm kép từ việc quản lý nhà nước, vừa quản lý doanh nghiệp lại vừa có quyền quyết định nhập, xuất, tự định giá cả và tự điều chỉnh giá cả là rất không ổn.

"Rõ ràng, tính khách quan, minh bạch là không có. Nói là đề xuất của Bộ Công thương nhưng có thể chính là đề xuất của các doanh nghiệp đầu mối trực thuộc Bộ Công thương quản lý.

Một doanh nghiệp đề xuất cơ chế thì sẽ không bao giờ đề xuất phần thiệt cho mình, việc này là rất khó hiểu trong cơ chế điều hành, quản lý lĩnh vực xăng dầu", GS Đặng Đình Đào chia sẻ.

Lam Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/de-xuat-de-gay-thao-tung-gia-xang-lo-doc-quyen-kep-3359841/