ĐỀ XUẤT ĐỂ CÁC ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI THỰC HIỆN LẤY Ý KIẾN CHO ỨNG CỬ VIÊN LÀ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Tại Phiên họp thứ 51, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị việc lấy ý kiến cho người ứng cử đại biểu Quốc hội đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội nên để các Ủy ban có ứng cử viên đang làm việc thực hiện.

Thực hiện Phiên họp thứ 51, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Một trong những nội dung được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm là việc tổ chức lấy ý kiến cho người ứng cử đại biểu Quốc hội thuộc các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lấy ý kiến cư trú của người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.

Theo dự thảo quy tắc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân trong bầu cử bổ sung: Có ý kiến cho rằng, quy định về việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại điểm b khoản 2 Điều 1 của Dự thảo nghị quyết không nên quy định là chỉ tổ chức lấy ý kiến cử tri tại Văn phòng Quốc hội mà nên quy định rõ là nên tổ chức hội nghị chung gồm các cử tri công tác tại các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và giao cho người đứng đầu Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ quan để tổ chức và chủ trì.

Phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tiếp thu ý kiến này, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉnh lý lại điểm b khoản 2, Điều 1 của dự thảo Nghị quyết như sau: "Người ứng cử đại biểu Quốc hội đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì người đứng đầu Văn phòng Quốc hội phối với Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan triệu tập và chủ trì Hội nghị. Thành phần hội nghị cử tri gồm: Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, cán bộ, công chức, người lao động tại các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Người ứng cử là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thì tổ chức lấy ý kiến cử tri tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân hoặc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (nơi chưa hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân.) Người đứng đầu cơ quan phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cơ quan triệu tập và chủ trì hội nghị".

Về việc xác định thời gian sinh sống thực tế của người ứng cử tại nơi cư trú: Thứ nhất, có ý kiến cho rằng, đề nghị không quy định điều kiện người ứng cử phải có thời gian sinh sống thường xuyên, liên tục từ đủ 06 tháng trở lên tính đến thời điểm tổ chức hội nghị lấy ý kiến như tại khoản 1, Điều 2 dự thảo Nghị quyết mà nên quy định một cách khái quát về nơi cư trú của người ứng cử như Luật Cư trú hiện hành để tạo thuận lợi và sự linh hoạt trong việc tổ chức hội nghị cử tri tại nơi cư trú.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có ý kiến như sau: Trong quá trình tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021, có những trường hợp người ứng cử đề nghị lấy ý kiến nơi có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú mà thực tế là người ứng cử mới chỉ có thời gian sinh sống ngắn (dưới 06 tháng) nên rất khó khăn cho cử tri, địa phương khi thực hiện nhận xét, đánh giá trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

Việc quy định mốc thời gian 06 tháng liên tục là vận dụng quy định tại khoản 3, Điều 2 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 về việc đánh giá xếp loại cán bộ công chức quy định "Cán bộ, công chức, viên chức có thời gian công tác trong năm chưa đủ 06 tháng thì không thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng", đồng thời theo thông lệ việc nhận xét Đảng viên giữ mối liên hệ nơi cư trú cũng phải bảo đảm điều kiện có thời gian sinh sống thực tế từ đủ 06 tháng trở lên" thì nơi cư trú mới tổ chức lấy ý kiến nhận xét đảng viên hai chiều. Đồng thời, thời gian qua công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu ngày càng bài bản, có áp dụng công nghệ thông tin nên rất thuận lợi cho việc tra cứu thông tin. Do đó, quan điểm của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc cho rằng, Nghị quyết cũng cần có quy định một mốc thời gian cụ thể là phù hợp. Việc quy định cũng làm giảm tải việc người ứng cử tùy nghi lựa chọn nơi tổ chức lấy ý kiến nơi cư trú, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện cho địa phương.

Thứ hai, có ý kiến cho rằng, kế thừa quy định tại Nghị quyết số 1134, dự thảo Nghị quyết nên quy định việc lấy ý kiến của hội nghị cử tri tại nơi người ứng cử cư trú thường xuyên không phân biệt có hộ khẩu thường trú hay tạm trú. Tuy nhiên, quy định này là chưa đầy đủ, chưa thể hiện được rằng người đó có thường trú hoặc tạm trú thực tế tại địa điểm đó hay không và chưa bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Cư trú hiện hành. Theo đó, Luật Cư trú còn có quy định về trường hợp có thể xác định nơi cư trú là nơi người đó đang sinh sống nếu không xác định được nơi thường trú và nơi tạm trú (khoản 2 Điều 12). Về vấn đề này, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc có ý kiến như sau: Đã là người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì lý lịch, nhân thân của họ, trong đó có điều kiện phải xác định được địa chỉ thường trú và tạm trú phải rõ ràng để cử tri có điều kiện liên hệ, theo dõi, đánh giá và giám sát.

Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đóng góp ý kiến.

Đóng góp vào nội dung xác định nơi tổ chức lấy ý kiến cho người ứng cử đại biểu Quốc hội thuộc các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết: Ban Công tác đại biểu vừa cùng lãnh đạo Ban Tổ chức cũng đã có một đề xuất là lấy ý kiến của các đồng chí Ủy viên Trung ương theo các Ủy ban và nhận thấy rất thuận lợi và không hình thức.

Với hình thức trên, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị lấy ý kiến nơi công tác của các ứng cử viên là đại biểu Quốc hội, các cơ quan Quốc hội cũng nên lấy ý kiến theo hộ, tức là theo các Ủy ban, không nên gom hết tất cả thành viên Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban về Văn phòng Quốc hội và Công đoàn. Vì có nhiều đồng chí sẽ không biết công việc của các đồng chí là thành viên các Ủy ban khác, mà số lượng người ứng cử lại đông thì nên áp dụng là lấy ý kiến theo các Ủy ban.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu quan điểm.

Đồng thuận với quan điểm trên, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng: Việc lấy ý kiến cho người ứng cử đại biểu Quốc hội thuộc các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên giao cho các Ủy ban của Quốc hội thực hiện vì các Ủy ban đều có hoạt động về Đảng, Công đoàn và có thể nhận xét chính xác đối với người ứng cử. Còn nếu gom tất cả các ứng cử viên đại biểu Quốc hội về Văn phòng Quốc hội và Công đoàn thì có thể rất đông nên việc lấy ý kiến có thể không chính xác và tỷ lệ người bỏ phiếu không cao.

Tại Phiên thảo luận, nêu quan điểm về thời hạn gửi danh sách đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị không sửa và nên tuân thủ theo quy định là trình danh sách ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp phải sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Về số dư đại biểu ứng cử không phải nơi nào cũng có, có nơi bầu tròn vì còn khó khăn lựa chọn nhân sự dư thừa nên đề nghị như trong dự thảo Nghị quyết.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng: Việc lấy ý kiến cư trú của người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nếu không đủ điều kiện về thời gian ở trọ thì có thể lấy theo nơi mà người đó sinh sống cùng với gia đình.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Phiên thảo luận.

Phát biểu kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và khẳng định: Việc cho ý kiến về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 phải thực hiện nghiêm túc, kỹ lưỡng.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, hiện vẫn còn những quy định chưa rõ ràng về một số vấn đề liên qua đến cơ cấu, số lượng đại biểu chuyên trách, bầu cử ở Hội đồng Nhân dân các cấp. Về xác định thời gian sinh sống thực tế của người ứng cử tại nơi cư trú. Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Pháp luật, không nên quy định 60 ngày, mà nên áp dụng theo Luật Cư trú là nơi người ứng cử thường trú hoặc nơi tạm trú. Nếu không có cả 2 nơi đó thì lấy nơi người đó đang sinh sống.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận tại Phiên thảo luận.

Về việc lấy ý kiến cử tri, tất cả những đối tượng, một số ứng cử viên khác, đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo nghị quyết mà sau này trong quá trình thực hiện, có thể hướng dẫn cụ thể từng trường hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các Ủy ban của Quốc hội cần phối hợp với các Bộ ngành liên quan lắng nghe ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong Phiên họp tới./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=50619