Đề xuất đầu tư hệ thống phát hiện vật thể lạ tại sân bay

Cục Hàng không VN vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất gần 1.000 tỉ đồng đầu tư hệ thống phát hiện vật thể lạ như ốc vít, thanh sắt, mảnh vỡ...

Cục Hàng không VN vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất gần 1.000 tỉ đồng đầu tư hệ thống phát hiện vật thể lạ như ốc vít, thanh sắt, mảnh vỡ..., đặc biệt là xua đuổi chim trên đường băng tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và Nội Bài (Hà Nội).

Theo Cục, cả nước đã xảy ra 19 sự cố máy bay bị cắt lốp, 20 sự cố chim va vào máy bay làm ảnh hưởng lớn đến an toàn bay. Theo đó, Cục đề xuất 3 phương án đầu tư: Phương án 1 do nhà nước trực tiếp đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Phương án 2 do người khai thác cảng là Tổng công ty cảng hàng không VN (ACV) làm chủ đầu tư và phương án 3 là thực hiện xã hội hóa theo hình thức đối tác công tư. Tổng mức đầu tư hệ thống dự kiến tại Nội Bài là hơn 486 tỉ đồng và Tân Sơn Nhất gần 510 tỉ đồng.

Trả lời Thanh Niên, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không cho biết, đề xuất đầu tư hệ thống tự động xua đuổi vật thể lạ, đuổi chim trên sân bay dựa trên 4 yếu tố chính là sự cần thiết của dự án, tiêu chuẩn kỹ thuật, hình thức đầu tư và thu hồi vốn. Cục Hàng không nghiêng về phương án 2 lựa chọn ACV làm chủ đầu tư dự án, quản lý, khai thác, bảo trì công trình sau khi hoàn thành và có trách nhiệm tính toán, cân đối nguồn tiền.

Trước đó, tháng 7.2016, ACV đã thay mặt một nhà đầu tư tư nhân đề xuất lên Cục Hàng không xin phê duyệt chủ trương đầu tư dự án lắp đặt các hệ thống FODetect giám sát đường hạ cất cánh tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất trị giá 1.162 tỉ đồng. Để hoàn vốn dự án, ACV cho biết sẽ thu phí 35 USD với các chuyến bay quốc tế và 17 USD với các chuyến bay nội địa trên toàn bộ cảng hàng không mà ACV đang khai thác.

Theo ông Lại Xuân Thanh, phương án của Cục khác với đề xuất trước đó ACV đưa ra. “ACV đề xuất giao một doanh nghiệp làm nhà đầu tư dự án, nhưng theo phương án của Cục, ACV sẽ là nhà đầu tư, thực hiện dự án đúng quy định. Đặc thù hàng không là khu bay chỉ có một nhà quản lý khai thác là ACV nên không thể giao một nhà đầu tư bên ngoài quản lý khai thác”, ông Thanh cho hay.

Liên quan đến vốn đầu tư, theo ông Thanh, đề xuất của Cục là con số khái toán dựa trên tham khảo giá một số nhà sản xuất, cung cấp thiết bị lớn trên thế giới. Khi được thông qua chủ trương đầu tư mới xác định chính xác tổng mức đầu tư.

Mai Hà

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/kinh-doanh/de-xuat-dau-tu-he-thong-phat-hien-vat-the-la-tai-san-bay-765848.html