Đề xuất đánh thuế thủy điện trên sông Mekong: Khả thi

Chuyên gia cho rằng đề xuất đánh thuế các dự án thủy điện trên sông Mekong để bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng hoàn toàn khả thi.

Tờ Bangkok Post (Thái Lan) vừa đưa tin, các cộng đồng sống ven sông Mekong đang kêu gọi chính phủ thành lập một quỹ từ tiền thuế thu được của các dự án thủy điện trên sông nhằm bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng.

Theo đại diện của các cộng đồng dân cư tại 7 tỉnh đông bắc Thái Lan, quỹ này sẽ tương tự như thuế tội lỗi đối với thuốc lá và rượu bia để gây quỹ cho các dự án y tế.

Làm thế nào?

Bình luận về đề xuất này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, việc đánh thuế các dự án thủy điện trên sông Mekong hoàn toàn khả thi.

Theo ông Thịnh hình dung, loại thuế này có thể cũng giống như một số loại thuế Việt Nam đang áp dụng đối với hoạt động sản xuất thủy điện, đó là thuế tài nguyên nước, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong đó, thuế tài nguyên nước liên quan đến nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện. Sản lượng tài nguyên tính thuế là sản lượng điện của cơ sở sản xuất điện bán cho bên mua điện theo hợp đồng mua bán điện hoặc sản lượng điện giao nhận trong trường hợp không có hợp đồng mua bán điện được xác định theo hệ thống đo đếm đạt tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam, có xác nhận của bên mua, bên bán hoặc bên giao, bên nhận.

Sông Mekong đoạn chảy qua khu vực biên giới Lào và Thái Lan. Ảnh: Reuters

Sông Mekong đoạn chảy qua khu vực biên giới Lào và Thái Lan. Ảnh: Reuters

Ngoài các loại thuế trên, các nhà máy thủy điện còn phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Ở thời điểm hiện tại, ông Thịnh cũng cho rằng, các mức thuế, phí này chưa đủ sức để khiến các nhà đầu tư phải cân nhắc trước khi đầu tư vào dự án thủy điện.

Tất nhiên, không thể vì vậy mà phủ nhận trước câu chuyện của tương lai. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu đề xuất nói trên được thông qua, một cơ chế điều chỉnh mức thuế phí phù hợp với bức tranh phát triển các loại hình năng lượng, trong đó có năng lượng tái tạo mới có thể khiến các quốc gia cân nhắc về việc xây dựng thêm các con đập trên dòng Mekong.

Và dù trong viễn cảnh nào, người dân bị tác động bởi các dự án thủy điện trên dòng Mekong cũng được bù đắp một phần sinh kế đã bị ảnh hưởng.

Ưu thế người mua

Một trong những đề xuất gây chú ý khác từ các cộng đồng dân cư Thái Lan sống ven sông Mekong là chính phủ không mua điện từ đập thủy điện Sanakham của Lào nếu xác định dự án thủy điện gây hại cho môi trường và đời sống của người dân ở khu vực sông Mekong.

Đây là dự án thủy điện Lào dự định xây dựng với công suất 684 MW, cách Thái Lan chỉ khoảng 2 km và do một công ty Trung Quốc đầu tư. Dự kiến, dự án sẽ khởi công trong năm nay và hoàn thành vào năm 2028. Thái Lan sẽ là khách hàng chính mua điện từ dự án.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Lào xây thủy điện là việc nội bộ của quốc gia này và các quốc gia khác không thể ngăn cản. Tuy nhiên, đề xuất sử dụng ưu thế của người mua điện cũng một cách để buộc quốc gia xây dựng thủy điện phải ngồi vào bàn thương lượng nhằm hạn chế những tác động tiêu cực từ việc xây thủy điện trên dòng Mekong.

Dù đánh giá việc sử dụng quyền của người mua có thể tạo ra được tác động nhất định song vị chuyên gia cũng không quá kỳ vọng vào cách làm này. Ông chỉ rõ, sử dụng quyền của người mua chỉ có thể khả thi hay có ý nghĩa khi đó là người có quyền quyết định toàn bộ. Trong trường hợp có nhiều người mua thì cách Thái Lan đề xuất sẽ khó tác động được đến quốc gia xây dựng thủy điện.

Liên quan đến việc Lào xây dựng các đập thủy điện trên sông Mekong, trao đổi với Đất Việt trước đó, một số chuyên gia đều khẳng định, không thể yêu cầu Lào dừng xây dựng thủy điện trên sông Mekong.

PGS.TS Đào Trọng Tứ (Hội Tưới tiêu Việt Nam) cho rằng đây là câu chuyện lợi ích quốc gia, là sự đánh đổi phát triển của mỗi nước.

"Nếu chỉ hợp tác chiếu lệ hay chỉ chú ý những trụ cột khác mà bỏ qua vấn đề an ninh nước thì những vấn đề của sông Mekong hiện nay sẽ còn tiếp diễn và kéo dài", ông Tứ lưu ý.

Trong khi đó, một chuyên gia thủy lợi cho biết, khi các quốc gia thượng nguồn Mekong vận hành thủy điện, các quốc gia ở hạ lưu, trong đó có Việt Nam chắc chắn bị ảnh hưởng.

Điều các quốc gia ở hạ lưu sông Mekong có thể làm là đưa ra các đề xuất để trong quá trình nước bạn vận hành và khai thác công trình thủy điện sẽ giảm thiểu được các rủi ro cho mình.

Giữa nhiều tranh cãi về tác động của đập thủy điện đối với sông Mekong, tháng 2 năm nay chính phủ Lào đã ban hành quy định mới về quản lý các đập thủy điện nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu nước và lũ lụt.

Theo đó, kể từ ngày 4/3/2021, chính phủ Lào buộc tất cả các đơn vị vận hành đập thủy điện phải thông báo với cơ quan chức năng khi các hồ chứa đạt mức tích nước tối đa, hoặc khi mực nước hạ nguồn xuống dưới mức báo động.

“Quản lý hiệu quả tài nguyên nước và sông ngòi, đặc biệt là những nơi được sử dụng bởi các nhà máy thủy điện, được xem là vấn đề quan trọng không kém việc Lào cố gắng xây thêm nhiều đập và trở thành một nước xuất khẩu điện quan trọng”, tờ Vientiane Times của Lào đánh giá.

Phát triển thủy điện là phần trung tâm trong kế hoạch của Lào nhằm xuất khẩu khoảng 20.000 MW điện sang các nước láng giềng trước năm 2030.

Theo Tổ chức Mekong Infrastructure Tracker, ít nhất 50 đập thủy điện đã được xây trong 15 năm qua trên hàng trăm con sông ở Lào, với ít nhất 14 đập trên dòng chính và phụ lưu sông Mekong được hoàn thiện kể từ năm 2018.

Các nhà bảo vệ môi trường cho rằng những con đập gây thiệt hại cho hệ sinh thái mong manh dọc theo lưu vực sông Mekong.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/de-xuat-danh-thue-thuy-dien-tren-song-mekong-kha-thi-3429083/