Đề xuất đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào một số thị trường lớn

Sáng 27-10, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội. Các nội dung về cải cách chính sách tiền tệ, đa dạng hóa thị trường, kiềm chế lạm phát, cải cách hành chính, an ninh mạng... là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) bày tỏ ấn tượng với những kết quả khả quan của tình hình kinh tế-xã hội như đã nêu trong báo cáo của Chính phủ, cho rằng điều này củng cố niềm tin cho dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao và nhiều khả năng vượt mục tiêu 6,7%.

Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 27-10. Ảnh: Quốc hội.

Tuy vậy, xâu chuỗi các sự kiện kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự liên quan đến Mỹ - Trung Quốc, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, cuộc cạnh tranh này không chỉ thuần túy về thương mại; vì vậy cần xác định đây là cuộc chiến lâu dài đối với cả hai bên. Theo đại biểu tỉnh Quảng Trị, trong bối cảnh như vậy, những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế và các năm tiếp theo cần phải được chú ý làm rõ. Đại biểu kiến nghị một số vấn đề về chính sách tiền tệ và cho rằng động lực tăng trưởng kinh tế tới đây phải trông vào các chính sách, giải pháp cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cần ưu tiên chính sách mới để thu hút đầu tư nước ngoài; cân đối nguồn lực để hỗ trợ cho khu vực tư nhân trong nước; quyết liệt tái cơ cấu kinh tế... Đặc biệt, cần thực hiện tốt chủ trương đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào một số thị trường lớn; đẩy mạnh tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công, giảm gánh nặng cho ngân sách.

Khẳng định tăng trưởng kinh tế cao nhất trong gần một thập kỷ qua là một kỳ tích trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, song đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), cho rằng dường như chúng ta hơi quá lạc quan về triển vọng kinh tế trong những năm tới. Đại biểu phân tích: Mặc dù giai đoạn 2016-2018, nền kinh tế tăng trưởng khả quan với tốc độ trung bình ước tính khoảng 6,57%/năm, nhưng việc đạt được mức độ tăng trưởng trung bình 6,5-7%/năm trong cả giai đoạn 2016-2020 vẫn là thách thức rất lớn.

Đại biểu cho rằng, nền kinh tế của chúng ta hiện nay có độ mở rất cao, rất nhạy cảm với các tác động từ bên ngoài. “Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thắt chặt tiền tệ, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc hay giữa các nền kinh tế lớn tiếp tục leo thang... thì liệu Việt Nam có duy trì được tốc độ xuất khẩu trên 10% mỗi năm cho 2 năm tới? Liệu các dòng vốn đầu tư nước ngoài có tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong khi cả xuất khẩu và đầu tư FDI đang là những động lực chính của tăng trưởng?”, đại biểu đặt câu hỏi và từ đó đề nghị việc xác định các mục tiêu như thu chi ngân sách, quản lý nợ công cần được thực hiện cẩn trọng, cân nhắc kỹ chứ không nên dựa vào kế hoạch tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn 6,5%.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) phát biểu thảo luận.

Đại biểu tỉnh Thái Bình cũng băn khoăn về việc kiềm chế lạm phát; nhận định, trong 3 năm qua, đặc biệt là trong năm 2018, chúng ta vẫn luôn giữ được lạm phát dưới 4% bất chấp những biến động mạnh về tỉ giá, thể hiện năng lực điều hành kinh tế của Chính phủ. Nhấn mạnh lạm phát thấp tạo điều kiện cho việc ổn định giá cả, ổn định lãi suất, thúc đẩy kinh tế phát triển cao hơn và bền vững hơn, đại biểu nêu vấn đề tại sao chúng ta không tiếp tục kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, giữ lạm phát ở mức dưới 4%. Với mục tiêu của Chính phủ là kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 4% thay cho dưới 4% trong năm 2019, theo đại biểu, là một bước “lùi”’ trong hoạch định chính sách, có thể để lại hậu quả khó lường. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc mục tiêu lạm phát khoảng 4% trong năm 2019.

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) tham gia ý kiến về cải cách hành chính, tổ chức bộ máy và biên chế. Theo đại biểu, chủ trương của Trung ương về vấn đề này là hết sức đúng nhưng trong tổ chức thực hiện, đặc biệt là khâu thông tin và truyền thông, có phần chưa chặt chẽ, đầy đủ, có phần hiểu lầm.

"Chúng ta nói chi thường xuyên trong ngân sách tới gần 70%, nhưng nội dung này có 13 nội dung chi, trong đó có chi cho quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội..., đó là nhà nước đang bao cấp cho người dân, tức là chi cho người dân, còn chi cho bộ máy chỉ khoảng 10% trong số đó, nhưng chúng ta nói không đầy đủ làm cho người dân hiểu bộ máy đang là một gánh nặng của ngân sách", đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu cũng cho rằng, Nghị quyết Trung ương đã nói rất rõ về tinh giản bộ máy, phải tiến hành rất thận trọng, có bước đi thích hợp, nhưng việc thực hiện có phần lúng túng, nhận thức cũng chưa đầy đủ. "Tôi có nhận thức nhiều nơi đang chủ yếu chạy theo tinh giản, ai làm được nhiều, sáp nhập được nhiều thì coi đó là thành tích. Ví dụ, tại một số địa phương, các trường sáp nhập với nhau, nhập bộ phận kế toán, giáo viên dạy môn năng khiếu... song sau khi nhập hiệu quả chưa rõ ràng", đại biểu nhấn mạnh và đề xuất làm đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, chứ không vội vàng trong lĩnh vực này.

Còn Thiếu tướng, Phó chính ủy Quân khu 7 Nguyễn Minh Hoàng (TP Hồ Chí Minh) thì cho rằng, một hạn chế mới nổi lên gần đây có ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định chính trị và phát triển bền vững của chế độ là những vấn đề liên quan đến an ninh mạng, an toàn thông tin và đấu tranh phòng chống diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ trên mạng xã hội. Thủ đoạn thường xuyên được sử dụng là lợi dụng sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn, kỷ niệm, hay một quyết sách mới để đưa ra thông tin xuyên tạc, kích động, chống đối chính quyền.

Đại biểu dẫn chứng, gần đây, nhiều trường hợp đưa tin xuyên tạc rằng kết luận của Thủ tướng về đất đai Thủ Thiêm là chưa rõ ràng, thiếu minh bạch; tấn công Luật An ninh mạng, dự án Luật Hành chính-kinh tế đặc biệt, kích động người dân xuống đường tuần hành, biểu tình, bạo loạn, gây hậu quả rất nghiêm trọng ở nhiều tỉnh và thành phố trong thời gian qua.

Theo Phó chính ủy Quân khu 7, hoạt động tấn công mạng và làm lộ bí mật nhà nước trên không gian mạng đã diễn ra ngày càng nhiều, mức độ nguy hiểm ngày càng gia tăng. Từ những vấn đề nêu trên, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng đề nghị Chính phủ tăng cường làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức về quốc phòng-an ninh; chỉ đạo khắc phục những sơ hở trong hệ thống pháp luật liên quan... Đại biểu TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị Đảng, Nhà nước chỉ đạo các lực lượng chức năng đấu tranh quyết liệt trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tổ chức phản động và các lực lượng chống đối trong nước, ngăn chặn và vô hiệu hóa các vụ kích động, gây rối... Đại biểu cũng đề nghị chỉ đạo bổ sung cơ chế hợp đồng tác chiến giữa công an và quân đội với các lực lượng chức năng khác; xử lý kịp thời các tình huống cụ thể trên thực địa một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.

Tin, ảnh: THẢO NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/de-xuat-da-dang-hoa-thi-truong-tranh-phu-thuoc-vao-mot-so-thi-truong-lon-552988