Đề xuất CSCĐ được mang vũ khí vào cảng hàng không và lên tàu bay

Bộ Công an đã hoàn thành hồ sơ dự án Luật Cảnh sát cơ động để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Hồ sơ dự án Luật Cảnh sát cơ động gồm có Dự thảo Tờ trình dự án Luật Cảnh sát cơ động và Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động (5 chương 30 điều).

Theo đó, việc xây dựng dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) nhằm mục đích thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng CSCĐ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về CSCĐ, luật hóa những quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân, thiết lập cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc cho tổ chức và hoạt động của CSCĐ phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam, đáp ứng vai trò là lực lượng chuyên trách, nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Cụ thể, Luật này quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của CSCĐ; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách đối với CSCĐ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Lực lượng CSCĐ bao gồm: Lực lượng tác chiến đặc biệt; Lực lượng đặc nhiệm; Lực lượng bảo vệ mục tiêu; Lực lượng không cảnh, thủy cảnh; Lực lượng sử dụng động vật nghiệp vụ.

Tổ chức của CSCĐ bao gồm: Bộ Tư lệnh CSCĐ; CSCĐ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; CSCĐ dự bị thuộc các đơn vị Công an nhân dân; Các Trung tâm huấn luyện, đào tạo. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể tổ chức của CSCĐ.

Cùng với đó, dự thảo Luật CSCĐ bổ sung một số quy định mới so với Pháp lệnh CSCĐ hiện hành, trong đó bổ sung thêm quyền hạn đối với lực lượng CSCĐ như: được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay, tàu thủy trong trường hợp tác chiến theo chức năng, nhiệm vụ của CSCĐ. Ngăn chặn, vô hiệu hóa các phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác và các mục tiêu bảo vệ; các quyền hạn khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia và luật khác có liên quan.

Đáng chú ý, các hành vi bị nghiêm cấm được quy định cụ thể tại Điều 8 dự thảo Luật, trong đó, nghiêm cấm chống đối, cản trở hoạt động của CSCĐ; trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ CSCĐ trong thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ. Chiếm đoạt, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, tàng trữ, sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của CSCĐ.

Nghiêm cấm giả danh CSCĐ, giả mạo phương tiện của CSCĐ, làm giả, mua bán, sử dụng trái phép trang phục, con dấu, giấy chứng nhận của CSCĐ. Lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác của cán bộ, chiến sĩ CSCĐ để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân…

Ngoài ra, công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam, nữ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe, lý lịch đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định và tự nguyện phục vụ trong CSCĐ. Có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ hoặc có kỹ năng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của CSCĐ là một trong những điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào CSCĐ.

H.M

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/de-xuat-cscd-duoc-mang-vu-khi-vao-cang-hang-khong-va-len-tau-bay-a509710.html