Đề xuất chưa siết vốn ngân hàng vào BĐS: Đừng tùy tiện!

Đề xuất chỉ là một kênh tham khảo, ngân hàng là bên cho vay, chịu nhiều rủi ro nên phải rất thận trọng.

Không thể tùy tiện mở room

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, chưa cần thiết áp dụng quy định kể từ ngày 1/01/2019, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn.

Hiệp hội kiến nghị Chính phủ và NHNN tiếp tục cho các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng tối đa 45% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn; hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh bất động sản là 200%.

Trao đổi với Đất Việt về đề xuất này của HoREA, TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam cho rằng, việc NHNN chặt chẽ trong cho vay bất động sản là điều tất yếu nhằm đảm bảo chất lượng được tốt hơn, đặc biệt khi bài học từ cơn sốt bất động sản năm 2007-2008 khiến hệ thống ngân hàng phải trả giá rất nhiều khi xử lý nợ xấu vẫn còn đó.

Phân tích cụ thể, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam chỉ rõ, bất động sản và tiêu dùng nằm trong diện đối tượng đầu tư nhưng là đối tượng rủi ro cao đối với hệ thống tín dụng. Khi xét độ an toàn của hệ thống ngân hàng, nếu lạm phát hay bội chi ngân sách ở mức cao hoặc hiệu kinh doanh thấp, lập tức cơ quan quản lý phải nghĩ ngay đến việc thắt chặt cho vay bất động sản và cho vay tiêu dùng.

Cho vay bất động sản vẫn chứa nhiều rủi ro. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh hiện nay, lạm phát của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào bên ngoài, quan hệ Mỹ-Trung, vấn đề xuất nhập khẩu..., vì thế kiểm soát tín dụng để chống lạm phát, đảm bảo kinh tế bền vững là nhiệm vụ phải đặt lên hàng đầu, trong đó phải xem xét mức độ gia tăng cho vay bất động sản và cho vay tiêu dùng có đảm bảo an toàn, chống được rủi ro hay không.

"Để đối phó với tình hình thực tế của Việt Nam và đối phó với áp lực bên ngoài có xu hướng đe dọa đến nền kinh tế Việt Nam phải khống chế và kiểm soát chặt chẽ cho vay bất động sản. Ngân hàng là đơn vị quản lý nguồn vốn nên biết được độ an toàn ra sao.

Một khi ngân hàng thấy việc cho vay đã đến ngưỡng, thấy được khả năng quản lý và tình trạng của thị trường bất động sản ra sao, ngân hàng có thể khống chế việc cho vay lại.

HoREA đại diện cho các doanh nghiệp bất động sản, phải bảo vệ quyền lợi của hội viên, nhưng đề nghị của HoREA cũng chỉ là một kênh tham khảo.

Ngân hàng là người bỏ tiền ra cho vay, gặp rủi ro có thể khiến ngân hàng mất vốn, rơi vào thế nguy nan. Vì lẽ đó, doanh nghiệp cứ kiến nghị còn quyết định nằm ở ngân hàng. Nếu ngân hàng xem xét diễn biến thị trường bất động sản, thấy nhiều dự án tốt, an toàn, chống được rủi ro thì vẫn có thể mở room. Bản thân doanh nghiệp bất động sản cũng phải chứng minh được hiệu quả kinh tế của dự án.

Ngược lại, khi thấy việc cho vay chứa nhiều rủi ro, đe dọa đến sự an toàn của hệ thống thì đương nhiên ngân hàng phải siết lại, khống chế việc cho vay", TS Cao Sĩ Kiêm phân tích.

Bởi việc siết cho vay bất động sản căn cứ vào tình hình thực tế của thị trường nên vị chuyên gia bày tỏ lo ngại, nếu tiếp tục nới room cho vay bất động sản, tín dụng sẽ khó đến được với các ngành sản xuất, kinh doanh có nhu cầu vốn thực sự, trái mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam.

Ông cũng nhắc lại bài học vỡ bong bóng bất động sản năm 2007-2008 khiến hệ thống ngân hàng ôm khối nợ xấu khổng lồ và cảnh báo, nếu ngân hàng tùy tiện mở room trong khi không quản lý được việc đầu tư, giá ảo bất động sản tăng lên, nguy cơ vỡ thị trường này là khó tránh khỏi và kéo theo đó là cả nền kinh tế lao đao.

Vay bất động sản núp bóng vay tiêu dùng: Dân gánh nhiều rủi ro

Trong một thông tin liên quan, theo HoREA, trong 8 tháng đầu năm 2018, dư nợ bất động sản cả nước chiếm tỷ trọng khoảng 7% tổng dư nợ tín dụng, chưa bao gồm một phần tín dụng tiêu dùng có liên quan bất động sản. Nếu thống kê cả phần tín dụng tiêu dùng có liên quan bất động sản thì tỷ trọng tín dụng bất động sản lên đến khoảng 14,43%.

Tại TP.HCM, dư nợ bất động sản là 10,8% cao hơn mức bình quân của cả nước. Nếu tính cả tín dụng cho vay tiêu dùng có liên quan bất động sản thì cho vay bất động sản trên địa bàn thành phố chiếm tỷ trọng khoảng 15% tổng dư nợ.

Về vấn đề này, TS Cao Sĩ Kiêm cho rằng, cho vay bất động sản cũng là cho vay tiêu dùng và nếu tính gộp vào sẽ rất rủi ro cho hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng đến an toàn của cả nền kinh tế.

Bản thân người dân khi vay cũng chịu nhiều rủi ro.

"Khi không có khả năng trả nợ, người dân sẽ bị siết nhà, căn nhà đó bị đem đấu giá và như vậy khó bằng được giá ban đầu. Trường hợp nhà chưa đấu giá được cũng bị tịch thu, rất phức tạp", ông nói.

Theo vị chuyên gia, thị trường bất động sản thời gian tới vẫn phát triển bởi đời sống của người dân tăng lên kéo theo nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu về nhà ở cũng tăng lên.

"Vì thế, cho vay bất động sản rất cần sự quản lý chặt chẽ của NHNN, tuyệt đối không thể nới lỏng", TS Kiêm nhấn mạnh.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/de-xuat-chua-siet-von-ngan-hang-vao-bds-dung-tuy-tien-3366423/