Đề xuất cho tồn tại công trình khủng không phép: Nhờn luật?

Khu phức hợp TMDV và căn hộ cao cấp xây dựng không phép sẽ tồn tại nếu như đề xuất của Sở Xây dựng Đồng Nai được chấp nhận.

Ngày 19/11/2019, liên quan đến dự án Khu phức hợp TMDV và căn hộ cao cấp tại TP. Biên Hòa - Đồng Nai sắp đi vào hoàn thiện nhưng không có giấy phép, Sở Xây dựng Đồng Nai đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề xuất hướng xử lý cho tồn tại công trình này.

Theo đó, Sở Xây dựng Đồng Nai cho rằng, đối với các bước xử lý ban đầu, UBND TP Biên Hòa đã có những thực hiện đúng quy định, đúng thẩm quyền; đối với trình tự, thủ tục chấp thuận đầu tư.

Tuy nhiên, theo quy hoạch xây dựng phân khu tỷ lệ 1/2.000 phường Tân Tiến, đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt, thì lại không có mục tiêu đất ở vị trí nêu trên nhưng đến nay cơ quan chức năng của tỉnh chưa tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất.

Từ đó, Sở Xây dựng Đồng Nai đề xuất UBND tỉnh: Trong trường hợp Sở TN&MT khẳng định việc bắt buộc phải đấu giá quyền sử dụng đất, thì UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở ngành và UBND TP. Biên Hòa tham mưu UBND tỉnh xử lý vụ việc.

Công trình có vốn đầu tư 680 tỷ đồng không phép hoạt động ở Đồng Nai nhiều năm nhưng không bị xử lý.

Công trình có vốn đầu tư 680 tỷ đồng không phép hoạt động ở Đồng Nai nhiều năm nhưng không bị xử lý.

Trường hợp Sở TN&MT khẳng định không phải đấu giá thì đề xuất giao Sở KH&ĐT tham mưu UBND tỉnh chấp thuận bỏ mục tiêu đầu tư căn hộ cao cấp ra khỏi dự án sau đó, hướng dẫn chủ đầu tư lập hồ sơ với mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng văn phòng làm việc và cung ứng mặt bằng cho thuê kinh doanh thương mại dịch vụ theo Luật Đầu tư.

Nhận định về hướng đề xuất của Sở Xây dựng Đồng Nai, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý, bất động sản cho rằng, dù thực hiện theo đề xuất nào thì công trình không phép sừng sững ở TP. Biên Hòa cũng sẽ được tồn tại, điều này là trái với các quy định hiện hành của pháp luật.

"Theo quy định của pháp luật, trong vòng 60 ngày kể từ ngày kiểm tra, chủ đầu tư dự án phải cung cấp đầy đủ giấy tờ pháp lý liên quan đến dự án đó. Nếu chủ đầu tư không cung cấp được thì buộc phải hoàn trả lại hiện trạng ban đầu của khu đất.

Nếu chủ đầu tư cố tình không hoàn trả thì cơ quan chức năng có quyền cưỡng chế, mọi chi phí cưỡng chế chủ đầu tư sẽ phải chịu" - luật sư Phan Thanh Đức - Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết.

Theo ông Đức, đề xuất của Sở Xây dựng Đồng Nai chẳng khác nào "tạo điều kiện" cho công trình sai phép tồn tại. Đây là cách hành xử phổ biến trong thời gian qua trong việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng không chỉ ở Đồng Nai mà trên cả nước.

"Chính hướng xử lý này đã làm cho ngày càng nhiều chủ đầu tư dự án nhờn luận, cố tình vi phạm. Nếu bị phát hiện thì nộp phạt theo quy định nhà nước, không bị phát hiện thì hành vi sai phạm trót lọt. Dù có bị phát hiện hay không thì lợi ích mà chủ đầu tư có được cũng hơn gấp nhiều lần số tiền bị phạt" - ông Đức cho hay.

Được biết, dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp tại số 15 Đồng Khởi, phường Tân Tiến, TP Biên Hòa có quy mô đầu tư 680 tỷ đồng, xây dựng trên khu đất rộng 2,2ha. Khu A là trung tâm hội nghị tổ chức sự kiện có quy mô 4 tầng lầu và 1 tầng hầm, diện tích xây dựng khoảng 3.500 m2. Năm 2017, khu A đã được đưa vào sử dụng.

Còn khu B xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ với quy mô 5 tầng lầu, 1 tầng hầm. Đến nay, tòa nhà chính của khu B đã đổ bêtông cốt thép tầng 1 với diện tích xây dựng trên 4.300m2. Cả hai khu đều chưa có giấy phép xây dựng theo quy định.

Khu C là khối văn phòng kết hợp căn hộ cao cấp với quy hoạch 12-14 tầng lầu và 2 tầng hầm vẫn chưa được triển khai.

Từ năm 2017 đến năm 2018, UBND TP. Biên Hòa đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với hai công trình xây dựng vi phạm trên, đồng thời buộc chủ đầu tư bổ sung giấy phép, nếu không sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Tháng 8/2018, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản yêu cầu UBND TP Biên Hòa khẩn trương cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm, không để tồn tại công trình hoặc xem xét cho công trình vi phạm được phép tồn tại khi các hạng mục công trình phải bảo đảm tiêu chí theo quy định.

Tuy nhiên, đến nay công trình xây dựng trái phép trên vẫn tồn tại, được cấp điện nước để hoạt động.

Phải chấm dứt 'phạt cho tồn tại' trong xây dựng

Ngày 18/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đề cập là công tác giữ nghiêm kỷ cương trật tự xây dựng và quy định không cần giấy phép cho nhà ở tại nông thôn sát với đô thị.

ĐB Nguyễn Việt Dũng (TP.HCM) phản ánh tình trạng “phạt cho tồn tại” đối với vi phạm về trật tự xây dựng đang rất phổ biến. Điều này làm suy giảm tính nghiêm minh về kỷ cương trật tự xây dựng.

“Kỷ cương không nghiêm dẫn đến việc xây dựng trái phép. Tôi đề nghị điều chỉnh luật thì phải coi lại chỗ đó, dứt khoát là phải xử lý cho nghiêm. Không có chuyện phạt cho tồn tại” - ông Dũng nói.

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, nếu pháp luật và người thực thi pháp luật nghiêm minh thì sẽ không xảy ra việc đó. Ngoài việc xử lý công trình sai phạm thì cần phải xử lý cả những người có trách nhiệm.

Vân Thanh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/bat-dong-san/thi-truong/de-xuat-cho-ton-tai-cong-trinh-khung-khong-phep-nhon-luat-3391756/