'Đề xuất Chính phủ Việt Nam ban hành Luật Đầu tư mạo hiểm'

Bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley khẳng định để Startup có thể làm đòn bẩy kinh tế, Chính phủ cần tham gia đầu tư trực tiếp để kích thích tăng trưởng về số lượng và chất lượng Startup.

Thị trường vốn đầu tư mạo hiểm cho startup còn rất sơ khai và hạn chế

Theo bà Lê Anh, ở thời điểm hiện tại, mặc dù, có các kênh huy động vốn như ngân hàng, chứng khoán, người thân và gia đình, sàn chứng khoán nhưng Startup chỉ có thể gọi được vốn từ Nhà đầu tư thiên thần và Quỹ đầu tư mạo hiểm.

“Thị trường vốn đầu tư mạo hiểm cho startup ở Việt Nam còn rất sơ khai và hạn chế, chưa tạo điều kiện cho các startup Việt Nam có cơ hội kêu gọi đầu tư, nhân rộng và phát triển mô hình kinh doanh của họ”.

Cụ thể về hình thức vay vốn từ người thân và gia đình, thì hình thức này rất phù hợp cho các công ty Startup mới khởi sự nhưng không phải startup nào cũng có điều kiện như vậy và Nhà nước không thể xây dựng mô hình này thành một kênh đầu tư quy mô.

Về hình thức vay vốn ngân hàng, bà Lê Anh cho biết khác với quỹ đầu tư mạo hiểm, đặc thù của ngân hàng là bảo toàn vốn.

“Do đó, khi ngân hàng cấp khoản vay, tiêu chí hàng đầu là khả năng đảm bảo thu hồi tiền thông qua thẩm định và đánh giá các tiêu chí như doanh thu, dòng tiền, lợi nhuận và tài sản đảm bảo... Như vậy, dễ thấy Startup trong những năm đầu tiên sẽ không đáp ứng được 2 yếu tố này. Hơn nữa, khác với quỹ đầu tư mạo hiểm cấp vốn để đổi lại cổ phần thì ngân hàng cấp vốn thông qua khoản vay có lãi mà Startup mới thành lập sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu trả lãi vay và trả cả gốc”, bà Lê Anh nhấn mạnh.

Bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley.

Bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley.

Về quỹ đầu tư mạo hiểm, theo bà Lê Anh đây là cặp bài trùng của Startup.

“Tuy nhiên ngay cả quỹ đầu tư mạo hiểm cũng có các quy định trong việc quản lý vốn cũng như số tiền tối thiểu đầu tư vào mỗi công ty (thường từ 500 ngàn USD trở lên) và các Startup Việt Nam đa phần đều không đạt quy mô cần thiết. Ngoài ra, quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư theo xu thế và theo hiệu quả khai thác thị trường của Startup. Điều này tạo thành vòng luẩn quẩn cho Startup: không có người dùng và/hoặc không có doanh thu dẫn đến không huy động được vốn; không huy động được vốn thì không có vốn để kinh doanh, và không có vốn kinh doanh thì lại dẫn đến không có người dùng/không có doanh thu....”, bà Lê Anh nói.

Về hình thức huy động vốn thông qua sàn chứng khoán, bà Lê Anh cho biết đây là một kênh huy động vốn lý tưởng cho các doanh nghiệp, nhưng Startup ở giai đoạn rất sớm chưa chứng minh được sự thành công thì không thể huy động từ sàn chứng khoán. Và ngược lại các Startup đã thành công lại chưa chắc đã muốn huy động vốn từ sàn chứng khoán với các lý do sợ mất quyền kiểm soát doanh nghiệp; phải công khai kết quả kinh doanh và bị theo dõi sát sao hơn bởi báo chí và truyền thông.

Về hình thức huy động tài chính thông qua các quỹ của nhà nước, các tổ chức phi Chính phủ, bà Lê Anh cho biết, Startup và doanh nghiệp nói chung ít tìm đến các quỹ này vì hoạt động đầu tư của quỹ không thường xuyên do đó họ không nằm trong danh sách kênh gọi vốn của Startup.

“Ngoài ra, thủ tục phức tạp và không đi sát với các hoạt động kinh doanh của Startup vì tiêu chí của quỹ không phải tạo ra lợi nhuận mà là bảo toàn vốn hoặc cấp vốn cho các hoạt động mang tính cộng đồng”, Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley khẳng định.

Đề xuất Chính phủ sớm soạn thảo và ban hành Luật Đầu tư mạo hiểm

Xuất phát từ thực tế nêu trên, bà Lê Anh đề xuất Chính phủ Việt Nam 2 vấn đề lớn đó là sớm soạn thảo và ban hành Luật Đầu tư mạo hiểm và Thí điểm đầu tư vốn mồi vào các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước để kêu gọi đồng đầu tư từ nước ngoài vào các công ty khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam.

Cũng theo bà Lê Anh, nếu Việt Nam muốn tập trung phát triển Startup để làm đòn bẩy kinh tế, Chính phủ cần tham gia đầu tư trực tiếp để kích thích tăng trưởng về số lượng và chất lượng Startup, đặc biệt là giai đoạn đầu.

“Chúng ta nhận thấy hiện trạng của Việt Nam đang thiếu nhà đầu tư ở giai đoạn vốn gieo mầm từ 10 nghìn đến 13 nghìn USD trong khi gần như toàn bộ Startup ở Việt Nam đều nằm ở giai đoạn này. Một khi các Startup đã phát triển vượt qua ngưỡng nửa triệu đô la có thể dễ dàng hơn trong việc gọi vốn từ các Quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài”, bà Lê Anh nói.

Bà Thạch Lê Anh cho rằng Chính phủ cần đóng vai trò thu hút khối tư nhân cùng đầu tư vào thị trường Startup.

Bên cạnh đó, bà Lê Anh cho rằng Chính phủ cần đóng vai trò thu hút khối tư nhân cùng đầu tư vào thị trường Startup. Việc làm này sẽ thu hút không chỉ Startup và nhà đầu tư tư nhân ở Việt Nam mà còn cả trong khu vực và trên thế giới.

“Chính phủ sẽ đóng vai trò tài trợ vốn, không nên cử người tham gia vào Hội đồng quản trị của từng công ty khởi nghiệp, bởi việc quản lý này sẽ không phải là sở trường của những người làm chính sách.

Tư nhân cùng bỏ vốn đầu tư họ có quyền lợi sẽ lo bảo toàn và phát triển nguồn vốn của họ, họ vừa có kinh nghiệm hơn lại có đội ngũ quản lý, thẩm định đầu tư chuyên nghiệp hơn, họ biết khi nào là thời điểm nên đầu tư và thời điểm nào nên thoái vốn để thu lời”, bà Lê Anh phân tích.

Cũng theo bà Lê Anh, nếu Chính phủ tiên phong trong việc xây dựng được thị trường đầu tư mạo hiểm đủ lớn mạnh trong nước, các Startup Việt Nam sẽ có thể kêu gọi được đầu tư trên chính quê hương của mình, và Việt Nam sẽ giữ lại được tất cả những Startup triệu đô trong tương lai.

Huyền Trang

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/de-xuat-chinh-phu-viet-nam-ban-hanh-luat-dau-tu-mao-hiem-158079.html