Đề xuất chỉ sửa đổi những vấn đề thực sự vướng mắc đã được đánh giá tác động của Luật Đầu tư công

Chiều 16-11, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị chưa sửa đổi toàn diện vì quá trình triển khai thực hiện có phát sinh vướng mắc do quy định của Luật Đầu tư công, song nguyên nhân chủ yếu là do tổ chức thực hiện Luật chưa nghiêm. Mặt khác, Luật mới có hiệu lực 3 năm; thời gian áp dụng quá ngắn, chưa đủ điều kiện tổng kết kỹ lưỡng, đánh giá chính xác tính hiệu quả của luật.

Tán thành với 18 chính sách mà Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung, nhằm bảo đảm quản lý vốn đầu tư chặt chẽ, hiệu quả hơn, song đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, nhiều nội dung của dự thảo Luật chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo đại biểu, dự án Luật đánh giá tác động chưa kỹ, chưa công bằng, cùng với việc ban hành hướng dẫn Luật hiện hành chậm nên có chính sách mới áp dụng, thời gian chưa đủ dài để đánh giá. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc lại; đánh giá kỹ tác động trên nhiều mặt, những chính sách chưa chắc chắn là khi sửa đổi sẽ tốt hơn thì không nên sửa đổi.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) phát biểu ý kiến.

Nói về nguyên nhân chủ yếu của những vướng mắc, chậm trễ trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trong thời gian qua, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cũng cho rằng, nguyên nhân là do việc tổ chức thực hiện Luật chưa nghiêm, còn lúng túng, một số văn bản hướng dẫn dưới luật chưa phù hợp với Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước. Thời gian thi hành Luật đầu tư công còn quá ngắn, chưa đủ điều kiện tổng kết kỹ lưỡng, đánh giá chính xác tính hiệu quả của Luật. Do đó, đại biểu đề nghị thực hiện đúng của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, theo đó, chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự vướng mắc đã được đánh giá tác động, đảm bảo sự thống nhất của Luật này với hệ thống pháp luật.

Còn đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) thì nhận định, tồn tại lớn nhất của Luật Đầu tư công hiện hành là chưa phân cấp đúng mức cho cấp dưới và quản lý ngân sách theo chiều ngang. Do đó, khi sửa đổi Luật Đầu tư công lần này cần phân cấp toàn diện cho cấp dưới, cấp trên hãy “dũng cảm”, “thôi không ôm những việc không cần ôm”, để phân cấp, giao quyền, giao trách nhiệm cho bên dưới; cấp trên thanh tra, kiểm tra việc làm của cấp dưới; cấp dưới chịu trách nhiệm việc làm của mình theo quy định pháp luật. “Phân cấp để làm sao không còn một dự án di sản văn hóa trên 3 tỷ đồng, mà một địa phương từ miền Trung xa xôi ăn chực, nằm chờ ngoài Hà Nội hàng năm trời mà vẫn chưa xong thủ tục đầu tư”, đại biểu dẫn chứng.

Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 16-11. Ảnh: TTXVN.

Vẫn theo đại biểu Chiểu, để có Việt Nam như ngày hôm nay, chúng ta phải bỏ ra nhiều triệu tỷ đồng để thiết kế, xây dựng đất nước. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn lực chi cho đầu tư phát triển thời gian qua chưa bảo đảm như kỳ vọng, chưa tương xứng với số tiền đã bỏ ra. Nguyên nhân có nhiều, song đại biểu cho rằng nguyên nhân quan trọng là quản lý ngân sách Nhà nước còn phân tán. Do vậy cần đưa nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, hay gọi là đầu tư công về một bộ quản lý về ngân sách Nhà nước.

Đại biểu Trần Quang Chiểu phân tích, hiện nay, ở nước ta, ngân sách nhà nước do hai cơ quan quản lý: Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý, phân bổ chi đầu tư phát triển; Bộ Tài chính chỉ quản lý, phân bổ chi thường xuyên. Từ đó, dẫn đến nguồn lực chồng chéo, phân tán, thiếu thống nhất trong quản lý ngân sách nhà nước, làm giảm hiệu quả chi ngân sách nhà nước, sử dụng ngân sách phân tán, manh mún, xé lẻ, thiếu sự gắn kết giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển; co kéo giữa xây dựng kế hoạch, dự báo nguồn thu và nhiệm vụ chi... Với những tồn tại nêu trên, đại biểu nhận thấy, không còn lý do nào để không khắc phục hạn chế hiện hành. Với “ba không thể” là không thể khắc phục tồn tại, không thể không thực hiện quyết tâm chính trị của Đảng, không thể để Việt Nam một mình một kiểu, đại biểu nhận thấy, việc quy về một mối cơ quan quản lý ngân sách nhà nước là yêu cầu khách quan, mà đã là yêu cầu khách quan thì tất yếu sẽ phải đến, và đến sớm bao nhiêu sẽ lợi cho đất nước bấy nhiêu. “Vừa qua, khi sửa đổi Luật Quản lý nợ công, Quốc hội đã làm được một việc là thống nhất đầu mối quản lý nợ công, thì tại sao lần này không mạnh dạn tiến thêm một bước nữa để có sự quản lý thống nhất với toàn lĩnh vực đầu tư công nói riêng, và quản lý ngân sách nhà nước nói chung. Chúng ta sửa đổi được Luật Quản lý nợ công, thì cớ gì không sửa được Luật Đầu tư công”, đại biểu đề xuất.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) nhấn mạnh, Luật Đầu tư công là dự án Luật có "đời sống" ngắn nhất vì vừa mới áp dụng 3 năm đã phải sửa đổi, bổ sung. Vấn đề không phải sửa đổi toàn diện hay chỉ sửa đổi bổ sung một số điều mà quan trọng là phải chọn những vấn đề thực sự cần thiết và bức xúc để đưa vào phạm vi sửa đổi, tuyệt đối không đưa vào dự thảo Luật những quy định chưa được đánh giá kỹ lưỡng.

Theo đại biểu, dự thảo Luật còn thiếu vắng các tiêu chí lựa chọn dự án, chưa gắn việc phân bổ nguồn lực với hiệu quả đầu ra, đồng thời chưa quy định về trách nhiệm trực tiếp của tổ chức, cá nhân với hiệu quả dự án, nhất là trong trường hợp đầu tư không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí.

“Luật hiện hành cho phép kéo dài thời hạn giải ngân 2 năm, cần thiết có thể kéo dài lên tới 5 năm. Quy định này chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ thực hiện dự án, tăng lãi suất phải trả và chưa phù hợp với một số quy định khác, nên chỉnh sửa theo hướng chỉ cho phép kéo dài thời hạn tối đa là 2 năm, và nếu không thực hiện nghiêm thì thu hồi dự toán”, đại biểu đề nghị.

QUỲNH PHƯƠNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/de-xuat-chi-sua-doi-nhung-van-de-thuc-su-vuong-mac-da-duoc-danh-gia-tac-dong-cua-luat-dau-tu-cong-554655