Đề xuất cắt lương hưu cán bộ vi phạm của ĐBQH là không có cơ sở pháp lý

Đề xuất cắt lương hưu đối với cán bộ vi phạm là không hợp lý và không có cơ sở pháp lý, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Góp ý kiến trong phiên thảo luận trên hội trường tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sáng 24/10 về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ công chức và luật Viên chức, ĐBQH Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội – kiến nghị thay vì xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm của cán bộ về hưu có sai phạm, nên cắt lương hưu vĩnh viễn, tước bỏ mọi danh hiệu, đánh vào lợi ích vật chất và tinh thần của cán bộ về hưu có sai phạm.

ĐBQH Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội.

ĐBQH Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội.

Trái với quy định của Luật BHXH

Đề xuất giảm, cắt lương hưu vĩnh viễn đối với cán bộ có sai phạm đã tạo ra một cuộc tranh luận trong dư luận. Trên trang facebook cá nhân của mình, ông Lê Trường Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học FPT – cho rằng, nếu cắt lương hưu đối với cán bộ vi phạm thì sẽ phải hoàn trả lại tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) do người vi phạm đã đóng trong thời gian làm việc, kèm theo lãi suất của khoản đóng góp cho BHXH.

Trao đổi với PV Infonet, luật sư Nguyễn Danh Huế - Công ty Luật Hừng Đông, đoàn Luật sư TP Hà Nội – cho rằng, đề xuất của đại biểu Nguyễn Văn Hiển là “không hợp lý và không có cơ sở pháp lý”, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

“Quỹ bảo hiểm xã hội là quỹ độc lập với ngân sách nhà nước, do người lao động đóng góp vì thế không thể vì người nào vi phạm kỷ luật hay vi phạm pháp luật mà cắt lương hưu của họ. Lương hưu cũng để đảm bảo cuộc sống của người lao động khi về già, vì thế việc đề xuất này thiếu tính nhân văn.” – Luật sư Nguyễn Danh Huế nói.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Danh Huế phân tích thêm: Khoản 1, Điều 64 Luật BHXH quy định các trường hợp tạm dừng hưởng lương hưu khi xuất cảnh trái phép; Bị Tòa án tuyên bố là mất tích hoặc có căn cứ xác định việc hưởng BHXH không đúng quy định của pháp luật. Người đang hưởng lương hưu chỉ bị mất quyền lợi khi có căn cứ cho rằng họ gian dối trong quá trình tham gia BHXH, hoặc không đủ điều kiện hưởng chế độ theo quy định của pháp luật.

Ngay cả với những cán bộ có sai phạm dẫn đến phải chấp hành án phạt tù, luật sư Huế cho rằng vẫn có quyền nhận lương hưu bình thường vì Luật BHXH năm 2014 không có quy định cắt hay tạm dừng lương hưu của người đang chấp hành án tù.

Luật sư Nguyễn Danh Huế - Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Băn khoăn việc “xóa tư cách chức vụ”

Không chỉ đề xuất cắt lương hưu, ĐBQH Nguyễn Văn Hiển cũng có ý kiến đối với hình thức kỷ luật “xóa tư cách chức vụ”. Theo ông, về mặt pháp lý rất khó giải thích thế nào là “tư cách chức vụ”, trong các văn bản bổ nhiệm các chức vụ hiện nay, không có văn bản nào dùng khái niệm “tư cách chức vụ”.

Theo luật Hình sự hiện hành, nếu một cán bộ công chức giữ chức vụ, quyền hạn cao bị xử lý hình sự với hình phạt nghiêm khắc nhất là tù có thời hạn, chung thân thì họ vẫn không bị xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm. Nếu cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cao nhất là buộc thôi việc, họ cũng không bị xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm trước đó.

“Điều này tạo ra sự bất hợp lý là người gây hậu quả pháp lý nghiêm trọng đến mức phải xử lý hình sự lại không bị xóa tư cách chức vụ trước đó, còn người đã nghỉ hưu có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng lại bị xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm”, Đại biểu Hiển phân tích.

Đề xuất này của đại biểu Hiển nhận được sự đồng tình của luật sư Nguyễn Danh Huế. Trưởng Văn phòng luật sư Hừng Đông cho rằng, việc “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” như hiện nay là không có cơ sở pháp lý vì những đối tượng đã nghỉ hưu hay buộc thôi việc sẽ không còn bị điều chỉnh bởi luật Cán bộ, công chức nữa.

Ngay cả luật Cán bộ, công chức cũng không quy định về việc này. Vì thế muốn thực hiện việc “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” Quốc hội cần phải luật hóa quy định này.

“Đưa ra các hình thức xử lý đối với các đối tượng vi phạm pháp luật dù đã nghỉ hưu là cần thiết để tăng thêm hiệu quả phòng chống tham nhũng, tuy nhiên chúng ta cần tôn trọng nguyên tắc Nhà nước pháp quyền có nghĩa là mọi việc làm cần tuân theo quy định của pháp luật.”, luật sư Nguyễn Danh Huế nói.

Nguyễn Tuân

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/de-xuat-cat-luong-huu-can-bo-vi-pham-cua-dbqh-la-khong-co-co-so-phap-ly-post318009.info