Đề xuất cải thiện môi trường sông, hồ bằng nước sông Hồng: Tính thực tiễn cao

Việc bổ cập nước cải thiện môi trường Hồ Tây, từ đó cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch là biện pháp không chỉ có tính chất khoa học mà khả năng ứng dụng vào thực tiễn rất cao.

Đó là ý kiến của các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo khoa học "Giải pháp lấy nước sông Hồng bổ cập nước Hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch" do Liên Hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội tổ chức ngày 13/11.

Phù hợp với thời điểm hiện nay

Các chuyên gia khẳng định, nhằm chung tay cải thiện môi trường sông, hồ Thủ đô, trong những năm qua, hàng loạt ý tưởng khắc phục tình trạng ô nhiễm đã được đưa ra. Đó là đề xuất dẫn nước từ sông Đà, từ hồ Hòa Bình; sử dụng các chế phẩm của châu Âu, Nhật Bản… để khắc phục tình trạng ô nhiễm tại sông hồ Hà Nội nói chung, Hồ Tây và sông Tô Lịch nói riêng. Song, đến thời điểm này, biện pháp được cho là khả dĩ, tiết kiệm, đơn giản nhất chính là đề xuất dẫn nước từ sông Hồng vào bổ cập nước cho Hồ Tây, sau đó tiếp tục dẫn ra sông Tô Lịch.

Xả nước từ Hồ Tây làm sạch sông Tô Lịch tại cửa xả đoạn đầu đường Hoàng Quốc Việt, tháng 7/2019. Ảnh: Nguyễn Dương

Xả nước từ Hồ Tây làm sạch sông Tô Lịch tại cửa xả đoạn đầu đường Hoàng Quốc Việt, tháng 7/2019. Ảnh: Nguyễn Dương

Theo GS.TS Dương Thanh Lượng – trường Đại học Thủy lợi, đề xuất mà Công ty Thoát nước Hà Nội đưa ra không mới, đã được các chuyên gia Liên Xô đề cập đến từ những năm 80 của thế kỷ trước trong những nghiên cứu nhằm bảo vệ, phát triển mạng lưới sông, hồ tại Hà Nội.

Tuy nhiên, đề xuất của Công ty Thoát nước Hà Nội đã tạo ra được những ấn tượng về mặt kỹ thuật, kinh phí khi thực hiện và đặc biệt rất phù hợp tại thời điểm này. GS.TS Dương Thanh Lượng lý giải, theo đề xuất của các chuyên gia Liên Xô sẽ dùng nước của sông Nhuệ, xây dựng hồ chứa tại khu vực phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) để giải cứu Hồ Tây, sông Tô Lịch.

Trong khi đó, hiện nay, sông Nhuệ khá ô nhiễm nên việc dẫn nước từ sông Hồng, đặt bể chứa lắng đọng phù sa tại sát với Hồ Tây là hợp lý, tiết kiệm nhất so với phương án cũ và các đề xuất hiện tại.

Đồng quan điểm trên, một số chuyên gia khẳng định, trước đây người ta thường lo lắng về việc nước sông Hồng chứa nhiều phù sa, khi dẫn vào Hồ Tây sẽ làm thay đổi môi trường nước, phá hỏng hệ sinh thái trong hồ. Nhưng các chuyên gia phân tích, trong khoảng 10 năm trở lại đây, lượng phù sa trên sông Hồng, đặc biệt là mùa khô chỉ bằng 1/5, 1/6 so với trước nên việc xử lý vấn đề này không quá khó.

Với những lo lắng về sự thay đổi môi trường nước của Hồ Tây khi tiếp nhận nước sông Hồng, GS.TS Dương Thanh Lượng chia sẻ, theo đề xuất của Công ty Thoát nước, việc bổ cập nước từ sông Hồng vào Hồ Tây sẽ từng bước, mỗi ngày mực nước bổ cập khoảng 3cm nên những lo ngại về việc thay đổi đột ngột môi trường nước gây ảnh hưởng đến hệ sinh vật là khó xảy ra.

Nên sớm triển khai thực hiện

Xung quanh đề xuất này, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án thoát nước Hà Nội Phạm Văn Cương cho biết, để cải thiện nước Hồ Tây, TP Hà Nội đã và đang thực hiện các giải pháp như: Hút bùn; thu gom toàn bộ nước thải của các hộ dân, khách sạn, nhà xưởng xung quanh Hồ Tây và hồ Trúc Bạch để ngăn nước thải chảy xuống hồ.

Cùng với đó, TP cũng dự kiến xây dựng đài phun nước cao 200m, xây dựng các công trình văn hóa khu vực Quảng An, trồng thêm cây xanh, trang trí ánh sáng quanh Hồ Tây… để tạo không gian vui chơi cho người dân Thủ đô.

Tuy nhiên, những dự án trên sẽ không thể phát huy được hiệu quả khi mực nước Hồ Tây xuống thấp vào mùa khô. Do đó, đề xuất dẫn nước từ sông Hồng vào bổ cập cho Hồ Tây, từ đó nâng cao chất lượng nước sông Tô Lịch cần được nghiên cứu và thực hiện càng sớm càng tốt để Thủ đô ngày càng xanh tươi, sạch và đẹp hơn.

Trong khi đó, theo ông Lê Minh Châu – nguyên Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội, nếu đề xuất này được TP thông qua, không chỉ môi trường Hồ Tây, sông Tô Lịch được cải thiện mà còn góp phần quan trọng khơi dậy những hình ảnh, giá trị trong lịch sử.

"Sau khi cải tạo được Hồ Tây, sông Tô Lịch, chúng ta có thể xem xét kết nối với hồ Thủ Lệ, hồ Yên Duyên, Yên Sở. Thậm chí, nếu kè thẳng bờ, đáy sông Tô Lịch, mở rộng mặt cắt sông, cải tạo các cầu trên sông thành cầu vòng… thì sẽ tạo thành một tuyến giao thông đường thủy xuyên qua TP" - ông Châu cho hay.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh, trong định hướng phát triển Thủ đô bền vững, thông minh, Hà Nội đã rất chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, gắn liền với bảo tồn di sản, bảo vệ cảnh quan sinh thái, đa dạng sinh học, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, trong đó có nêu đến Hồ Tây. Đề xuất dẫn nước từ sông Hồng vào bổ cập Hồ Tây, cải thiện môi trường nước sông Tô Lịch mà Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đưa ra không chỉ có tính khoa học mà còn có tính thực tiễn rất cao.

"Từ những ý kiến mà các chuyên gia tham vấn, góp ý cho đề xuất của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, Ban tổ chức sẽ có văn bản gửi các đơn vị có liên quan sớm cho phép triển khai dự án để đảm bảo môi trường Hồ Tây và sông Tô Lịch." - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam
Đào Ngọc Nghiêm

Công Trình

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/de-xuat-cai-thien-moi-truong-song-ho-bang-nuoc-song-hong-tinh-thuc-tien-cao-357510.html