Đề xuất các ưu tiên phát triển của Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030

Trong khuôn khổ xây dựng Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều (MDCR), ngày 16/5/2019, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Ngoại giao và Trung tâm Phát triển của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tổ chức Tọa đàm MDCR đề xuất các ưu tiên phát triển của Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030.

Tham dự Tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Phát triển của OECD Mario Pezzini cùng các thành viên Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hội đồng lý luận Trung ương, đại diện chuyên gia OECD và một số bộ, ngành liên quan.

Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: MPI

Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: MPI

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo cho rằng, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có bước tiến dài trên con đường phát triển của mình với nhiều thành tựu rất quan trọng. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam có triển vọng tăng trưởng tốt, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 6% trong hơn 30 năm qua. Việt Nam là 1/6 quốc gia trên thế giới được Liên hợp quốc đánh giá hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) và đang tích cực triển khai các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG), trong đó nổi bật là thành tích giảm nghèo. Các chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) liên tục cải thiện,… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi phải đánh giá khách quan, sâu sắc và đa chiều, từ đó có các giải pháp đồng bộ và khoa học. Do vậy, việc phân tích các mô hình, bài học kinh nghiệm phát triển quốc tế sẽ là kênh tham khảo hữu ích trong xây dựng các chiến lược, chính sách phát triển của Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Thảo cho biết, dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang khẩn trương xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, Báo cáo MDCR nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển thông qua cung cấp các đánh giá, tư vấn chính sách phát triển có tính đa chiều, liên ngành, liên lĩnh vực phục vụ xây dựng Chiến lược này. Báo cáo được xây dựng theo lộ trình 3 giai đoạn: Giai đoạn I: đánh giá sơ bộ. Giai đoạn II: đánh giá chuyên sâu và tư vấn, khuyến nghị chính sách. Giai đoạn III: Đề xuất các biện pháp hành động. Báo cáo sẽ đưa ra các tư vấn, khuyến nghị chính sách có tính khả thi cao để Việt Nam có thể phát triển nhanh, bền vững và bao trùm hơn trong 5-10 năm tới.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: MPI

Phát biểu dẫn đề và định hướng nội dung thảo luận tại Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung đánh giá cao sự hỗ trợ, giúp đỡ của OECD đối với Việt Nam thông qua việc xây dựng Báo cáo MDCR. Điều này rất có ý nghĩa khi Việt Nam đang triển khai tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược, kế hoạch thời gian qua để tổ chức xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Qua kết quả đánh giá sơ bộ ban đầu cho thấy, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và ngày càng được cải thiện. Tăng trưởng kinh tế đạt khá, chất lượng tăng trưởng được nâng lên và thực hiện ba đột phá chiến lược đạt kết quả bước đầu. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển dịch theo hướng tích cực. Quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được gia tăng. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được những kết quả quan trọng, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan cũng như các tác động của bối cảnh bên ngoài, nền kinh tế Việt Nam tuy đã có bước phát triển đáng khích lệ nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mình. Bên cạnh đó, còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế như một số yếu tố mang tính cơ bản, nền tảng để đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại tuy đã có chuyển biến tích cực, song chưa đáp ứng được yêu cầu. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Môi trường đầu tư, kinh doanh còn những tồn tại, hạn chế. Các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chưa có những bứt phá lớn. Văn hóa, xã hội nhiều mặt còn yếu kém, khắc phục còn chậm, khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn…

Từ góc nhìn đa chiều của OECD gắn với mục tiêu phát triển bền vững để đánh giá thực trạng và định hướng phát triển cho Việt Nam trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung mong muốn các đại biểu tập trung thảo luận vào một số nội dung như xác định và đánh giá đúng những nút thắt phát triển của Việt Nam trong thời gian qua, đưa ra dự báo và nhận diện những xu thế chủ đạo của toàn cầu sẽ tác động trực tiếp và tạo ra những vấn đề mới nổi trong phát triển của Việt Nam. Những giải pháp hay, định hướng ưu tiên, có tính đột phá mà Việt Nam cần thực hiện cũng như các giải pháp để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, tạo đột phá về công nghệ và năng suất lao động gắn với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, xác định đúng vai trò của yếu tố văn hóa và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam vào phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Giám đốc Trung tâm Phát triển của OECD Mario Pezzini phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: MPI

Ý kiến từ cơ quan hỗ trợ xây dựng Báo cáo, Giám đốc Trung tâm Phát triển của OECD Mario Pezzini cho biết, Báo cáo nhằm giúp Việt Nam nhìn lại quá trình phát triển của mình để hiểu rõ hơn những cơ hội và thách thức hiện nay. Chúng ta phải cùng nhau xem lại những đánh giá một cách khách quan, xem xét các vấn đề ở các góc độ khác nhau, nhìn thẳng vào tình hình hiện tại để xác định con đường tương lai như thế nào và đưa ra những giải pháp kịp thời. Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là mang lại phúc lợi, hạnh phúc cho người dân và OECD sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam vì mục tiêu này.

Theo ông Mario Pezzini, quá trình đánh giá quốc gia đa chiều là sự học hỏi lẫn nhau, bởi không hề có mô hình hay cách làm duy nhất đểđạt được mục tiêu phát triển. Do vậy, điều chúng ta cần làm là thông qua kinh nghiệm của các nước đã và đang phát triển để tìm nguồn “cảm hứng” trong quá trình phát triển của Việt Nam. Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết quả về duy trì được đà tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo, giáo dục… Cùng với đó, Việt Nam đã có kỷ lục dài hạn về tăng trưởng và độ mở về nền kinh tế ngày càng tăng.

Trình bày về những hạn chế chủ yếu đối với con đường tăng trưởng bền vững của Việt Nam cũng như các ưu tiên đề xuất trong Báo cáo MDCR, đại diện Trung tâm Phát triển của OECD đã phân tích hạn chế theo cách tiếp cận đa chiều liên quan đến con người nhằm hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Đồng thời, phân tích các rủi ro và lợi ích của xã hội liên quan đến vấn đề tăng năng suất, quan hệ hợp tác, phát triển bền vững thông qua việc tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, khu vực tư nhân để họ đầu tư hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần tận dụng cơ hội từ các công ty nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam để giúp các doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng như tăng tính hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, có các biện pháp khuyến khích cách làm hay và giải pháp đối với các doanh nghiệp kém hiệu quả. Các vấn đề về tăng cường năng lực quản trị đối với khu vực hành chính nhà nước cũng như các vấn đề về bảo tồn thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, xử lý rác thải… cũng được đại diện Trung tâm Phát triển của OECD đưa ra các đánh giá, phân tích cụ thể.

Từ những vấn đề nêu trên, OECD đã đưa ra 3 thách thức đối với Việt Nam. Một là, mô hình phát triển kém hiệu quả, tiêu hao nhiều tài nguyên và nguồn lực. Hai là, năng lực thể chế và quản trị hạn chế. Ba là, khả năng huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho phát triển.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế đã trao đổi, thảo luận một cách khách quan, thẳng thắn nhằm góp phần hoàn thiện Báo cáo MDCR cũng như đưa ra các kiến nghị, gợi ý cho Chính phủ Việt Nam, trực tiếp là Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực về các nội dung trọng tâm nêu trên để có thể có những đóng góp hữu ích nhất cho xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nguồn Bộ KHĐT: http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=43200&idcm=188