Đề xuất các giải pháp thúc đẩy tiến độ cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận

Ngày 17-2, đại diện nhà đầu tư dự án đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận cho biết, dự án hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, nếu không tái cơ cấu, đặc biệt về nguồn vốn, sẽ khó bảo đảm tiến độ hoàn thành vào năm 2020. Trước đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ cho dự án này.

 Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận khi hoàn thành sẽ tiếp nối với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương, hiện đã đưa vào sử dụng. Ảnh: Đơn vị tư vấn TEDI

Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận khi hoàn thành sẽ tiếp nối với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương, hiện đã đưa vào sử dụng. Ảnh: Đơn vị tư vấn TEDI

Dự án Trung Lương-Mỹ Thuận nằm trên tuyến cao tốc nối TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ. Trong đó, đoạn đầu từ TP Hồ Chí Minh đến Trung Lương dài hơn 40km đã hoàn thành. Đoạn Trung Lương-Mỹ Thuận dài hơn 50km, tổng vốn đầu tư 9.668 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BOT, đại diện chủ đầu tư là Công ty cổ phần BOT Trung Lương-Mỹ Thuận. Dự án được khởi công lần đầu vào năm 2009 nhưng đến nay mới chỉ thực hiện được 15% khối lượng công việc. Việc hoàn thành dự án này là cơ sở để triển khai đoạn tiếp theo từ Mỹ Thuận đến Cần Thơ.

Trước những khó khăn của dự án, Công ty cổ phần BOT Trung Lương-Mỹ Thuận đã đề xuất Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT chấp thuận cho bổ sung Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả vào liên danh nhà đầu tư. Ngoài ra, một số nội dung khác cần tháo gỡ như vướng mắc về lãi suất vay tín dụng, phương án tài chính, đáng chú ý còn có đề xuất chuyển đổi cơ quan nhà nước quản lý dự án từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Tiền Giang.

Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận là dự án cấp bách, có vai trò rất quan trọng kết nối vùng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước. Theo ông Vũ Minh Hoàng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả, việc Công ty cổ phần BOT Trung Lương-Mỹ Thuận đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Tiền Giang là cơ quan nhà nước quản lý dự án sẽ có nhiều ưu điểm để thúc đẩy dự án này hoàn thành. Trước hết là thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng, vì địa phương là đơn vị sâu sát nhất. Đây là sản phẩm phục vụ lợi ích của người dân, phục vụ lợi ích phát triển kinh tế xã hội tại địa phương nên công tác quản lý sẽ được quan tâm. Hiện, Tổng công ty Cửu Long (Bộ GTVT) vừa là đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vừa là đơn vị tư vấn là chưa hợp lý.

Với kinh nghiệm “giải cứu” cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn, Tập đoàn Đèo Cả sẽ đề xuất với cơ quan chức năng những giải pháp cụ thể để thực hiện dự án. Trong đó có việc mời Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán dự án. Hiện nay, dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn sau khi chuyển đổi nhà đầu tư, khối lượng thi công đã đạt 90%, bù được hai năm bị dừng và vượt tiến độ 10%, bảo đảm sẽ hoàn thành trong năm 2019.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/de-xuat-cac-giai-phap-thuc-day-tien-do-cao-toc-trung-luong-my-thuan-566631