Đề xuất các giải pháp nhằm ổn định thị trường tài chính

Sáng 15-11, tại Hà Nội đã diễn ra phiên toàn thể Hội nghị quốc tế Diễn đàn các Công ty quản lý tài sản công quốc tế (IPAF) lần thứ 4 với chủ đề 'Củng cố an ninh tài chính châu Á và giải pháp thực hiện'.

Hội nghị do Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức.

Hội nghị sẽ diễn ra 4 phiên thảo luận quan trọng: Phiên 1 về tình hình kinh tế-tài chính châu Á; Phiên 2 về an ninh tài chính châu Á, tình hình và cơ chế xử lý nợ xấu; Phiên 3 về thị trường xử lý nợ châu Á-cơ hội và thách thức; Phiên 4 về nhân tố ảnh hưởng và xu hướng thị trường xử lý nợ châu Á.

Quang cảnh hội nghị.

Cập nhập triển vọng phát triển châu Á 2018, ông Arief Ramayandi, Nhà kinh tế học cao cấp Ngân hàng ADB cho rằng, năm 2018 khu vực châu Á tiếp tục vững chắc ở mức 6% và tăng trưởng ở mức 5,8% vào năm 2019. Lạm phát được kiểm soát mặc dù giá nhiên liệu và thực phẩm tăng. Rủi ro lớn nhất ảnh hưởng tới nền kinh tế châu Á bắt nguồn từ leo thang xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Còn Trưởng nhóm kinh tế học Ngân hàng thế giới tại Việt Nam ông Sebastian Eckardt cảnh báo, rủi ro ảnh hưởng tới tăng trưởng của khu vực châu Á đó là sự leo thang của chế độ thuế quan bảo hộ toàn cầu sẽ ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng; lãi suất tăng nhanh tại Mỹ sẽ tác động tới thị trường tài chính nhiều nước, làm phức tạp hóa việc quản lý kinh tế vĩ mô. Do đó, các nước cần giảm thiểu các lỗ hổng tài chính vĩ mô; duy trì tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái; tăng cường khuôn khổ pháp lý và khung giám sát ngành tài chính; tăng cường cải cách cơ cấu để hỗ trợ tăng trưởng trung hạn và tăng cường khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, các nước cần tăng cường thực hiện cam kết đối với hệ thống thương mại và đầu tư quốc tế mở.

Đề cập tới tình hình phát triển của Việt Nam, tham luận tại hội nghị, các ý kiến chuyên gia quốc tế và Việt Nam đều nhấn mạnh: Trong bối cảnh hội nhập ngày một sâu rộng và công nghệ tài chính-ngân hàng ngày một phát triển hơn, những diễn biến kinh tế-tài chính trên thị trường thế giới và khu vực có thể ảnh hưởng nhanh và mạnh hơn đến các nền kinh tế thành viên. Đối với các nền kinh tế có độ mở như Việt Nam, xử lý các tác động ấy một cách tự thân không phải là một vấn đề đơn giản. Thực tế chỉ sau hơn 10 năm kể từ sau khủng hoảng tài chính-tiền tệ châu Á năm 1997, Việt Nam lại hứng chịu tác động bất lợi từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vào năm 2008-ngay sau khi Việt Nam còn hứng khởi với việc trở thành thành viên thứ 150 của WTO.

Tin, ảnh: VŨ DUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/de-xuat-cac-giai-phap-nham-on-dinh-thi-truong-tai-chinh-554533