Đề xuất bổ sung quyền giám định tư pháp cho Kiểm toán Nhà nước

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp phiên toàn thể hội trường và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng, nếu theo quy định tại khoản 1 Điều 118 Hiến pháp năm 2013 thì Kiểm toán Nhà nước không có chức năng giám định tư pháp đối với những vấn đề liên quan theo yêu cầu của cơ quan tư pháp, cơ quan điều tra.

Vì vậy, việc đề xuất bổ sung nội dung trên vào dự thảo là không phù hợp. Mặt khác, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 138 ngày 9-10-2013 để hướng dẫn về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính quy định: việc giám định tư pháp về tài chính công, tài sản công trong các vụ án tham nhũng là một bộ phận của giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính.

“Do vậy, tổ chức giám định tư pháp vụ việc trong lĩnh vực tài chính đáp ứng đủ điều kiện trong luật định có thể thực hiện được việc giám định này mà không cần phải giao cho Kiểm toán Nhà nước. Theo tôi, không cần bổ sung thẩm quyền giám định tư pháp về tài chính công, tài sản công trong các vụ án tham nhũng cho Kiểm toán nhà nước”, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nói.

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu về dự án Luật Kiểm toán sửa đổi (ảnh: P.Thảo)

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu về dự án Luật Kiểm toán sửa đổi (ảnh: P.Thảo)

Bên cạnh đó, theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, thực tế Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa đề cập tới các hành vi, chế tài, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Do vậy, có thể chấp nhận Kiểm toán Nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước nhưng phải bổ sung thẩm quyền và chế tài xử phạt trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính để tương thích các luật với nhau.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) cho rằng, qua báo cáo kiểm toán hàng năm thì hầu như cuộc kiểm toán nào cũng phát hiện ra sai phạm và kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhiều tỷ đồng. Như vậy, nếu tăng cường cho công tác kiểm toán, đứng về mặt kinh tế so sánh giữa chi phí bỏ ra với phần thu về, truy thu thì chắc chắn chúng ta sẽ có được nguồn kinh tế, nguồn tiền là rất lớn.

“Bên cạnh đó, ý nghĩa lớn hơn là chúng ta phòng ngừa được tham nhũng, tránh được sai phạm vì vậy tôi đề nghị phải quy định Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm kiểm toán tất cả các hoạt động có liên quan đến thu, chi ngân sách và sử dụng tài sản công như rất nhiều nước trên thế giới đã quy định chứ không chỉ kiểm toán lựa chọn, kiểm toán mẫu, hoặc là phải để cho Bộ trưởng gửi văn bản yêu cầu thì mới thực hiện kiểm toán.

Tôi cũng đồng tình với quy định trách nhiệm kiểm toán là phải lần theo dấu vết của dòng tiền ngân sách để xem việc sử dụng dòng tiền đó đúng mục đích và có thất thoát hay không. Vì vậy, không chỉ những đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách mà những đơn vị có liên quan đến việc thu, chi ngân sách và sử dụng tài sản công thì dều là đối tượng chịu sự kiểm toán”, đại biểu nói.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, vẫn cần phải có Kiểm toán Nhà nước hoặc kiểm toán độc lập kiểm toán lại hoạt động của các đơn vị này để đảm bảo độc lập khách quan.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, Tổng Kiểm toán Nhà nước không có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và ban hành văn bản hành chính nên rất khó trong giải quyết các khiếu nại tố cáo. Vì vậy đại biểu đề nghị bổ sung trong Luật Kiểm toán nhà nước một chương về tố tụng kiểm toán theo 2 hướng.

Hướng thứ nhất là tố tụng trong nội bộ hoạt động kiểm toán ở 3 cấp. Cấp thứ nhất là khiếu nại tố cáo đối với hoạt động kiểm toán ban đầu ở các cụm kiểm toán. Cấp thứ hai là không thỏa mãn với lần thứ nhất thì lần thứ hai có quyền khiếu nại đến Tổng Kiểm toán Nhà nước, nếu không thỏa mãn thì khiếu nại lên Hội đồng kiểm toán và Hội đồng này sẽ cách thức thành lập khác với quy định hiện nay. Con đường thứ hai là khởi kiện trước tòa án. Ở Việt Nam hiện nay chỉ có tòa án là cơ quan xét xử duy nhất để phán quyết minh bạch, đúng đắn theo pháp luật.

Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, về vấn đề giám định tư pháp, thực tiễn các cơ quan điều tra liên tục đề nghị Kiểm toán Nhà nước giám định tư pháp nhưng đối chiếu vào Luật Giám định tư pháp thì không có quyền nên từ chối những hồ sơ này.

Kiểm toán Nhà nước là một cơ quan có trình độ chuyên môn cao trong tài chính, ngân sách, kế toán nên có thể tham gia nếu được Quốc hội giao, sẵn sàng đảm nhiệm nhiệm vụ này. Luật Giám định tư pháp chưa có vai trò của Kiểm toán Nhà nước.

Về bổ sung quy định quyền xử phạt hành chính, chỉ đề xuất xử phạt 2 việc: cản trở, không cung cấp hồ sơ tài liệu và cố tình chống đối. Còn về thẩm quyền ban hành quy định văn bản quy phạm pháp luật của Tổng Kiểm toán, chỉ đề nghị ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, không phải ban hành quy định đối với các lĩnh vực khác.

Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc dẫn Điều 62 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định, trong quá trình kiểm toán, nếu phát hiện có vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo, xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Vì vậy, Luật Kiểm toán Nhà nước đưa qui định xác minh này vào là để Tổng Kiểm toán quy địnhh về trình tự, thủ tục xác minh, tránh trường hợp kiểm toán viên lợi dụng.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/de-xuat-bo-sung-quyen-giam-dinh-tu-phap-cho-kiem-toan-nha-nuoc-151400.html