Đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay Yên Bái, công suất 1 triệu khách/năm

UBND tỉnh Yên Bái đề xuất đầu tư Cảng hàng không Yên Bái trở thành sân bay cấp 4C và sân bay quân sự cấp II. Công suất của sân bay được đề xuất dự kiến từ 0,8 - 1 triệu hành khách/năm.

UBND tỉnh Yên Bái vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không Việt Nam xem xét bổ sung cảng hàng không Yên Bái vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hiện tại, sân bay Yên Bái là sân bay quân sự cấp 2 do Trung đoàn 921, Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng quản lý thuộc địa phận các xã: Nga Quán, Cường Thịnh, huyện Trấn Yên; phường Nam Cường và xã Tuy Lộc, TP. Yên Bái.

Sân bay Yên Bái có tổng diện tích 279,47 ha và chiều dài đường cất, hạ cánh là 2.400m, thuận lợi cho việc sử dụng theo hình thức lưỡng dụng, kết hợp khai thác dân dụng và quốc phòng.

 Phát triển hạ tầng hàng không là vô cùng quan trọng và cần thiết để khai thác triệt để lợi thế sẵn có đó của Yên Bái.

Phát triển hạ tầng hàng không là vô cùng quan trọng và cần thiết để khai thác triệt để lợi thế sẵn có đó của Yên Bái.

Theo đó, UBND tỉnh đề xuất đầu tư Cảng hàng không Yên Bái trở thành sân bay cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO) và sân bay quân sự cấp II. Vị trí chức năng trong mạng cảng hàng không dân dụng toàn quốc là cảng hàng không nội địa. Công suất của sân bay được đề xuất dự kiến từ 0,8 - 1 triệu hành khách/năm; hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP); thời kỳ quy hoạch là 2021 - 2030.

Trước đó, vào ngày 10/11, Cục hàng không Việt Nam đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Yên Bái về đề xuất, bổ sung cảng hàng không sân bay Yên Bái vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kết quả nghiên cứu sơ bộ của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy sân bay Yên Bái khả thi cho khai thác hàng không dân dụng.

Tương lai khi Cảng hàng không Sa Pa hoạt động, cần thiết lập phương thức bay bổ sung và sẽ nghiên cứu thống nhất công tác phối hợp điều hành vùng chồng lấn giữa 2 sân bay.

Được biết, Yên Bái nằm ở trung tâm của Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, nằm giữa hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc. Đồng thời, địa phương này cũng nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là đầu mối và trung độ của các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh lên cửa khẩu Lào Cai.

Ngoài ra, tỉnh Yên Bái cũng là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch, văn hóa phong phú, hấp dẫn như: Di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải, hồ Thác Bà, Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Nghệ thuật Xòe Thái”. Nguồn tài nguyên du lịch, văn hóa phong phú, hấp dẫn như: di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Di tích lịch sử và Danh lam thắng cảnh Hồ Thác Bà, “Nghệ thuật Xòe Thái” của Yên Bái được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...; các ngành chế biến và xuất khẩu nông - lâm sản phát triển.

Chính vì vậy, để khai thác triệt để lợi thế sẵn có đó của Yên Bái thì vai trò của hạ tầng giao thông, trong đó phát triển hạ tầng hàng không là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Trước đó, Cuối năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ dự thảo quy hoạch mạng cảng hàng không toàn quốc, giai đoạn 2021-2030 có 28 cảng bao gồm: 14 cảng quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 14 cảng quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo).

Ghi nhận việc địa phương muốn có sân bay là nhu cầu chính đáng nhằm tạo thuận lợi cho người dân đi lại, kích thích du lịch, kinh tế phát triển..., tuy nhiên nhiều chuyên gia hàng không đã chỉ ra nhiều điểm bất lợi. Đó là nhu cầu đi lại của hành khách tại nhiều sân bay sẽ không cao khiến việc đầu tư không hiệu quả.

Chuyên gia hàng không Nguyễn Bách Tùng phân tích, nhiều tỉnh có sân bay thì lưu lượng hành khách bị san sẻ, công suất khai thác của mỗi sân đều giảm. Sân bay nội địa hiện phần lớn có công suất dưới một triệu hành khách mỗi năm, nhiều nơi chưa đạt công suất thiết kế như Vân Đồn, Cần Thơ, Chu Lai... Việc đầu tư sân bay ở vùng núi, nơi dân cư thưa thớt, sẽ không tránh khỏi tình trạng vắng khách.

Số liệu của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trước dịch Covid-19, 9/22 sân bay cả nước đón dưới một triệu hành khách. Cụ thể năm 2019, sân bay Rạch Giá (Kiên Giang) đón 32.800 khách; Cà Mau 36.800; Điện Biên 57.300, chỉ bằng 1/8-1/5 so với công suất thiết kế. Với các sân bay mới, đơn vị tư vấn quy hoạch đã nghiên cứu, đưa ra 6 tiêu chí chính để xem xét, như: Nhu cầu sản lượng hành khách; GDP của địa phương; mục đích tạo việc làm, thúc đẩy du lịch, an ninh quốc phòng; điều kiện tự nhiên như vùng trời, tĩnh không, thời tiết, đất đai và cự ly bố trí tới đô thị trung tâm, sân bay lân cận...

Lam Anh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/de-xuat-bo-sung-quy-hoach-san-bay-yen-bai-cong-suat-1-trieu-khachnam-74034.html