Đề xuất bổ sung nhiều tuyến cao tốc ở phía Bắc và miền Trung

Tư vấn đề xuất Bộ GTVT xem xét trình Thủ tướng bổ sung nhiều tuyến cao tốc trải dài khắp mọi miền đất nước.

Bộ GTVT đang hoàn thiện dự thảo quy hoạch giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ở số báo ngày 22-4, chúng tôi đã giới thiệu hệ thống cao tốc được đề xuất nghiên cứu bổ sung cho khu vực miền Nam. Trong bài này, chúng tôi tiếp tục giới thiệu những tuyến cao tốc được đề nghị nghiên cứu bổ sung cho khu vực miền Bắc và miền Trung.

Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Ảnh: V.LONG

Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Ảnh: V.LONG

Cao tốc liên kết giữa các tỉnh phía Bắc

Theo dự thảo báo cáo cuối kỳ của liên danh tư vấn do Tổng công ty Tư vấn thiết kế công trình giao thông (TEDI) đứng đầu, quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc định hướng đến năm 2030, được Thủ tướng phê duyệt, khu vực phía Bắc có 14 đường bộ cao tốc hướng tâm kết nối thủ đô Hà Nội với tổng chiều dài 1.368 km.

Tuy nhiên, trên cơ sở kết quả dự báo lưu lượng giao thông, tư vấn đề xuất bổ sung tuyến cao tốc Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên. Theo đơn vị tư vấn, hiện nay quốc lộ 6 là tuyến đường bộ độc đạo nối Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên có yếu tố hình học khó mở rộng, tốc độ lưu thông chậm nên việc bổ sung quy hoạch tuyến cao tốc này là cần thiết. Việc đầu tư đoạn đường này sẽ được thực hiện sau năm 2030, khi có khả năng huy động được nguồn lực.

Tư vấn cũng đề xuất bổ sung cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng, vì hiện nay đoạn cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới đã hoàn thành đưa vào khai thác nhưng điểm cuối dự án này kết thúc tại khu vực Khu công nghiệp Thanh Bình, chưa kết nối được tới TP Bắc Kạn. Để nâng cao hiệu quả tuyến cao tốc này, việc kéo dài tuyến cao tốc lên TP Bắc Kạn là cần thiết, thời gian đầu tư tuyến này trước năm 2030.

Cạnh đó, tư vấn cũng đề xuất bổ sung cao tốc Hà Giang nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, dài khoảng 80 km. Việc xây dựng tuyến này sẽ phát huy hiệu quả đầu tư tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang khai thác.

Cũng theo tư vấn, hiện nay để kết nối cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang) theo hướng từ Tuyên Quang lên chỉ thông qua quốc lộ 2. Trong tương lai, cửa khẩu này sẽ là điểm trung chuyển xuất nhập khẩu hàng hóa lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc, dẫn đến nhu cầu vận tải tăng cao khiến quốc lộ 2 bị mãn tải. Mặt khác, hướng tuyến quốc lộ 2 người dân đang sinh sống hai bên với lượng lớn, khó mở rộng. Vì vậy cần thiết phải bổ sung tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, thời gian đầu tư sau năm 2030.

Ngoài ra, tư vấn cũng đề xuất bổ sung tuyến nối Tiên Yên - Lạng Sơn, Bắc Kạn - Cao Bằng và Bảo Hà (giao cao tốc Nội Bài - Lào Cai) - Lai Châu. Ba tuyến này dự kiến được đầu tư sau năm 2030.

Theo nhận định của tư vấn, sau khi bổ sung các tuyến quy hoạch, mạng lưới cao tốc khu vực phía Bắc đáp ứng được yêu cầu kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, công nghiệp, du lịch… Tuy nhiên, hành lang vận tải theo hướng đông tây chưa có tuyến cao tốc kết nối trực tiếp, chỉ có đường quốc lộ nhưng không đáp ứng được nhu cầu vận tải.

“Trong thời gian tới, ba tuyến vành đai gồm quốc lộ 37, quốc lộ 279 và quốc lộ 4 được đầu tư nâng cấp theo tiêu chuẩn quy hoạch sẽ cơ bản đáp ứng được yêu cầu kết nối theo hướng đông tây. Trong tương lai dài hạn, khi có nhu cầu sẽ nghiên cứu bổ sung một tuyến cao tốc kết nối độc lập…” - tư vấn cho hay.

Mở các tuyến cao tốc lên khu vực Tây Nguyên

Đối với miền Trung, tư vấn cho biết theo quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc định hướng đến năm 2030, được Thủ tướng phê duyệt, khu vực này có ba tuyến cao tốc. Tuy nhiên, để phù hợp nhu cầu thực tế cần bổ sung tuyến cao tốc từ TP Vinh đến cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An) kết nối vào đường cao tốc Bắc - Nam. Tuyến cao tốc trên sẽ thuận tiện để kết nối Lào với hệ thống cảng biển Bắc Trung bộ của Việt Nam. Dự án dự kiến có sáu làn xe và được đầu tư trước năm 2030…

Tư vấn cũng đề xuất bổ sung tuyến cao tốc Ngọc Hồi (Kon Tum) tới cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum). Bởi hiện nay theo quy hoạch đã có tuyến kết nối đến Ngọc Hồi, trong khi cửa khẩu Bờ Y là cửa khẩu quốc tế nằm tại khu vực ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia đang có lưu lượng giao thông tăng từ các nước Thái Lan, Myanmar và Lào về Việt Nam, lưu lượng đến năm 2030 dự báo khoảng 19.556 xe quy đổi/ngày đêm nên cần đầu tư tuyến cao tốc này sau năm 2030.

Khu vực Tây Nguyên cũng cần bổ sung tuyến cao tốc Pleiku - Lệ Thanh (kéo dài tuyến Quy Nhơn - Pleiku), vì hiện nay đã quy hoạch cao tốc Quy Nhơn - Pleiku nhưng chưa nối đến cửa khẩu Lệ Thanh. Do khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu từ Campuchia sang Việt Nam và ngược lại có tốc độ cao, vì vậy cần thiết bổ sung tuyến cao tốc kết nối từ Pleiku đến cửa khẩu này.

Ngoài ra, tư vấn cũng đề xuất bổ sung tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk); Liên Khương - Buôn Ma Thuột; Túy Loan - Ngọc Hồi - Bờ Y; Đà Lạt - Liên Khương. Vì hiện nay việc kết nối các tỉnh và cảng biển khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên chưa phát huy được tiềm năng.

“Nên cần bổ sung các tuyến này để thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch Tây Nguyên và tăng cường giao lưu văn hóa giữa Tây Nguyên với Nam Trung bộ, nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa, rút ngắn khoảng cách kết nối với cảng biển…” - tư vấn lý giải thêm.

10 năm tới, miền Trung - Tây Nguyên ưu tiên đầu tư cao tốc nào?

Theo đề xuất của tư vấn, giai đoạn 2021-2025, ưu tiên đầu tư dự án Dầu Giây - Liên Khương với chiều dài 128 km, tổng mức đầu tư dự kiến 6.186 tỉ đồng.

Giai đoạn 2026-2030, ưu tiên đầu tư tuyến cao tốc Vinh - Thanh Thủy, Quy Nhơn - Pleiku - Lệ Thanh và đường Hồ Chí Minh đi qua các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước với tổng số tiền đầu tư khoảng 96.179 tỉ đồng.

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/de-xuat-bo-sung-nhieu-tuyen-cao-toc-o-phia-bac-va-mien-trung-981169.html