Đề xuất bắt tài xế say xỉn mặc đồng phục lao động công ích

Việc tài xế say xỉn đi lao động công ích và phải mặc đồng phục mang ý nghĩa tuyên truyền, răn đe không chỉ với cá nhân người vi phạm mà với cả những người tham gia giao thông khác.

Tài xế uống rượu bia gây tai nạn thảm khốc là một trong những chủ đề được quan tâm tại phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng Quốc hội nên ra một nghị quyết để xử nghiêm tình trạng này, trong khi luật chưa kịp điều chỉnh.

Theo ông Hiển, tài xế “ma men” lái xe gây tai nạn ngoài các hình thức xử lý hành chính hoặc hình sự, cần bắt lao động công ích như nạo vét sông Tô Lịch. Đề xuất này nhận được sự đồng tình của nhiều người.

Bắt ra đường phân luồng giao thông

Trao đổi với Zing.vn, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, cán bộ từng công tác tại tổ xử lý vi phạm Đội CSGT số 1 - Công an Hà Nội, đánh giá việc tài xế sử dụng rượu bia rồi lái xe là hiểm họa cho rất nhiều người tham gia giao thông khác.

Vì thế, việc sửa đổi các quy định để nâng cao mức xử phạt, tăng tính nghiêm khắc của hình phạt đối với những tài xế say xỉn là rất cần thiết.

Ảnh chụp hiện trường vụ tài xế Mercedes say rượu tông chết 2 người ở hầm Kim Liên. Ảnh: Otofun.

Ảnh chụp hiện trường vụ tài xế Mercedes say rượu tông chết 2 người ở hầm Kim Liên. Ảnh: Otofun.

Theo thượng tá Quỹ, đề xuất buộc lao động công ích với những tài xế “ma men” có thể áp dụng. Ngoài ra, người điều khiển xe lạng lách, đánh võng hoặc đua xe trái phép… cũng cần bắt đi lao động công ích.

Với nhiều năm công tác trong ngành công an, thượng tá CSGT Nguyễn Văn Quỹ đề xuất hình thức lao động công ích “đứng phân luồng giao thông” đối với tài xế sử dụng rượu bia.

Và để mang tính tuyên truyền, răn đe với cá nhân người vi phạm cũng như những người tham gia giao thông khác, ông Quỹ cho rằng có thể quy định người đi lao động công ích phải mặc đồng phục riêng để nhận biết.

“Ví dụ, khi người đó đứng phân luồng giao thông, những người tham gia giao thông khác sẽ nhìn vào đó để biết rằng người này vi phạm, phải chấp hành hình phạt bằng lao động công ích. Như vậy, chính người vi phạm thấy sợ và người khác nhìn vào cũng mang tính răn đe hơn”, thượng tá Quỹ phân tích.

Về hình thức, ông cho rằng tài xế say xỉn ở đâu thì bị CSGT ở khu vực đó xử lý. Việc bắt lao động công ích sẽ giao chỉ huy đơn vị CSGT này quản lý, kiểm soát.

Khi CSGT làm nhiệm vụ ở điểm nào trên địa bàn thì yêu cầu người vi phạm “mặc đồng phục” ra để cùng phân luồng giao thông, phát hiện người vi phạm khác.

“Đó sẽ là những tấm gương để chính họ và nhiều người khác nhìn vào, chấn chỉnh ý thức và trách nhiệm trong chấp hành luật giao thông, hạn chế vi phạm và tai nạn giao thông”, ông Quỹ nói.

Theo ông Quỹ, nhiều nước trong đó có Trung Quốc cũng đã áp dụng hình thức này. "Hàng ngày, người vi phạm phải lao động công ích sẽ được yêu cầu đứng ở ngã ba, ngã tư nào đó để tham gia phân luồng, hoặc phát hiện các trường hợp vi phạm. Điều này được họ thể hiện ngay trong Luật”, thượng tá Quỹ chia sẻ.

Không cho đóng tiền phạt thay lao động công ích

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện, cho rằng cần phải tăng nặng các hình phạt xử lý tài xế say rượu điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Tình trạng nhiều tài xế “ma men” lái xe tông chết người xuất phát từ ý thức tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện. Bên cạnh đó là những mặt trái từ việc quản lý, sử dụng rượu bia, cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục chưa thực sự có hiệu quả, xử phạt chưa mang tính răn đe.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Hàng Xanh, TP.HCM do một nữ tài xế say xỉn gây ra. Ảnh: An Huy.

Ông Nhưỡng kiến nghị phải tước bằng lái vĩnh viễn với tài xế sử dụng ma túy. Còn tài xế “ma men” nếu chưa gây hậu quả nghiêm trọng cũng phải tước bằng trong thời gian dài hơn quy định của luật hiện hành.

Các mức phạt, theo ông Nhưỡng phải làm cho người vi phạm thấy sợ mới có thể răn đe và nâng cao ý thức.

Còn vấn đề bồi thường dân sự, theo vị đại biểu Quốc hội, mức đền bù hiện nay đối với lái xe gây tai nạn chết người là quá thấp.

“Tính mạng con người là vô giá, vậy mà gây chết người lại bồi thường ở mức chưa đến 100 triệu đồng là quá thấp, quá phi lý. Tôi tin nếu tăng mức bồi thường lên nhiều lần, có thể lên cả tỷ đồng thì rất nhiều tài xế sẽ biết sợ hơn”, ông Nhưỡng góp ý.

Phó trưởng Ban Dân nguyện cũng đồng tình đề xuất bắt buộc lao động công ích đối với các tài xế say xỉn và không chấp nhận nộp tiền phạt thay vì lao động công ích. Vị đại biểu tỉnh Bến Tre nhất trí với quan điểm Quốc hội có thể ra ngay một nghị quyết để xử nghiêm các tài xế say xỉn khi luật chưa kịp điều chỉnh, bởi đây là vấn đề phát sinh, được dư luận đặc biệt quan tâm.

Hoài Thu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/de-xuat-bat-tai-xe-say-xin-mac-dong-phuc-lao-dong-cong-ich-post945121.html