Đề xuất bán trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam: Vì sao trường chuyên lại được 'ưu ái'?

Đã có ý kiến đề xuất bán, chuyển đổi trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho tư nhân vì đã 'hết thời'.

Dư luận xã hội đang xôn xao khi một tiến sỹ, chuyên gia tài chính cho rằng, nên bán, chuyển đổi trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho tư nhân, do nhiệm vụ trường chuyên này đã "hết thời", không còn phù hợp với hiện nay. Đề xuất này đã tạo ra những luồng trái chiều.

Đã cũng có nhiều ý kiến đòi dẹp bỏ hệ thống trường chuyên, vì để vào các trường này khiến học sinh phải luyện thi căng thẳng, áp lực. Học sinh trường chuyên được "ưu ái" về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên…, song cũng có rất nhiều ý kiến phản bác, cho rằng trường chuyên vẫn đang làm tốt "sứ mệnh" của mình, đặc biệt là đã mang lại kết quả cao tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế những năm qua.

Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam luôn thu hút học sinh giỏi dự thi vào.

Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam luôn thu hút học sinh giỏi dự thi vào.

Về mô hình trường chuyên, theo Bộ GD&ĐT, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, trường chuyên được quy định tại Luật Giáo dục trong nhiều năm qua và trở thành một bộ phận của hệ thống giáo dục quốc dân. Luật Giáo dục 2019 tiếp tục thể hiện điều này.

Cụ thể: "Trường chuyên được thành lập ở cấp trung học phổ thông dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước".

Điều 62 của Luật giáo dục 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020) về trường chuyên, trường năng khiếu còn quy định: "Nhà nước ưu tiên bố trí giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị và ngân sách cho trường chuyên, trường năng khiếu do Nhà nước thành lập; có chính sách ưu đãi đối với trường năng khiếu do tổ chức, cá nhân thành lập. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định chương trình giáo dục nâng cao, quy chế tổ chức và hoạt động của trường chuyên, trường năng khiếu".

Trước đề xuất bán trường chuyên cho tư nhân, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, năm 2009, Bộ Chính trị có thông báo Kết luận số 242-TB/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII), phương hướng phát triển GD&ĐT đến năm 2020. Nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên đưa ra trong thông báo kết luận là "nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, mở rộng quy mô giáo dục hợp lý".

Trong đó có nội dung: Rà soát và bổ sung cơ chế, chính sách, tổ chức phát hiện, bồi dưỡng nhân tài ngay từ bậc học phổ thông, đặc biệt ở bậc đại học. Khuyến khích phát triển, nâng cao chất lượng trường THPT năng khiếu, lớp đào tạo cử nhân khoa học tài năng. Chính phủ đã có Đề án 959 về phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020. Bộ GD&ĐT tiến hành sơ kết 4 năm triển khai thực hiện đề án; trong đó có đánh giá sự phát triển của mạng lưới; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các trường chuyên; đội ngũ giáo viên; chất lượng giáo dục...

"Mô hình trường chuyên đã được quy định rõ trong các điều luật của nhà nước. Như vậy cũng không thể nào có chuyện xã hội hóa được. Hiện nay, có hai đối tượng được Nhà nước đầu tư gồm: những người yếu thế và người có tài năng cần được bồi dưỡng (trong đó có học sinh trường chuyên). Quốc gia nào cũng hỗ trợ cho các đối tượng này" - PGS.TS Nguyễn Xuân Thành giải thích thêm.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/de-xuat-ban-truong-thpt-chuyen-ha-noi-amsterdam-vi-sao-truong-chuyen-lai-duoc-uu-ai-20200702105327778.htm