ĐỀ XUẤT BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG VÀ KẾ HOẠCH BỒI DƯỠNG ĐBQH CHO CẢ NHIỆM KỲ

Tại buổi làm việc giữa Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Ban Công tác đại biểu, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử Nguyễn Thị Nga cho rằng, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý của hoạt động bồi dưỡng đại biểu dân cử chính là ban hành Quy chế hoạt động bồi dưỡng ĐBQH và kế hoạch bồi dưỡng ĐBQH cả cho nhiệm kỳ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa có buổi làm việc với Ban Công tác đại biểu. Buổi làm việc được thực hiện theo Kế hoạch số 4340/TTKQH-TH ngày 9/4/2021 của Tổng Thư ký Quốc hội về Kế hoạch làm việc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề xuất, kiến nghị đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và căn cứ công văn số 4344/TTKQH-TH ngày 15/4/2021 của Tổng Thư ký Quốc hội thông báo về thành phần, thời gian, địa điểm buổi làm việc giữa Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Ban Công tác đại biểu.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với Ban Công tác đại biểu.

Tại buổi làm việc, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử Nguyễn Thị Nga đưa ra quan điểm về bồi dưỡng đại biểu dân cử. Theo đó, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý của hoạt động bồi dưỡng đại biểu dân cử chính là ban hành Quy chế hoạt động bồi dưỡng đại biểu Quốc hội và kế hoạch bồi dưỡng đại biểu Quốc hội cả nhiệm kỳ.

Trước đây, Ban Công tác đại biểu đã tham mưu cho Đảng đoàn Quốc hội khóa XII chủ trì Đề án đổi mới công tác bồi dưỡng đại biểu Quốc hội, ban hành Kết luận 421 của Đảng đoàn Quốc hội khóa XII về xây dựng Khung chương trình bồi dưỡng đại biểu Quốc hội cả nhiệm kỳ. Đây chính là căn cứ để Ban xây dựng và thực hiện khung chương trình hoạt động cả nhiệm kỳ 5 năm dành cho đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử Nguyễn Thị Nga, trong nhiệm kỳ khóa XIV, việc không ban hành khung chương trình Quốc hội cả nhiệm kỳ nên gặp nhiều khó khăn cho việc xây dựng kế hoạch bồi dưỡng của từng năm và có sự trùng lắp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban trong bồi dưỡng kiến thức kỹ năng cho đại biểu nên đã gây nên sự chồng chéo, lãng phí. Chính vì vậy, việc đề xuất ban hành kế hoạch bồi dưỡng đại biểu Quốc hội cho cả nhiệm kỳ nhằm tạo căn cứ pháp lý và là cơ sở để Ban Công tác đại biểu xây dựng kế hoạch bồi dưỡng từng năm đáp ứng được yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu lực hiệu quả của Quốc hội.

Trong năm 2015, theo phân công của Đảng đoàn Quốc hội, Ban Công tác đại biểu đã hoàn thành Đề án ban hành Nghị quyết quy định chế độ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên cho đến nay, đề án này chưa được phê duyệt. Do đó, Ban kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm Ban hành Quốc hội về chế độ học tập bồi dưỡng của đại biểu Quốc hội.

Việc ban hành các Nghị quyết về 2 nội dung trên là căn cứ để các đại biểu Quốc hội tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng hoạt động cũng như tạo sự phối hợp tốt giữa Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban với Ban trong bồi dưỡng đại biểu Quốc hội. Sự phối hợp này với mục đích chung là nâng cao năng lực hoạt động cho đại biểu Quốc hội, qua đó tăng tính hiệu quả của hoạt động Quốc hội.

Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử Nguyễn Thị Nga đưa ra quan điểm về việc bồi dưỡng đại biểu Quốc hội dân cử.

Góp ý về kinh phí và các quy định chi tiêu, sử dụng kinh phí phục vụ cho hoạt động bồi dưỡng, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử Nguyễn Thị Nga cho rằng, việc giao kinh phí hàng năm cho hoạt động bồi dưỡng luôn được đảm bảo. Tuy nhiên, quy chế chi tiêu có nhiều ràng buộc và bất cập.

Theo Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử Nguyễn Thị Nga, để nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội giúp cho Quốc hội hoạt động hiệu quả, cần có các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực để hỗ trợ cho các đại biểu. Thế nhưng, với quy định chi tiêu vào hoạt động giảng dạy của Bộ Tài chính thì không thu hút được các chuyên gia giỏi. Vì vậy, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử Nguyễn Thị Nga kiến nghị cho phép vận dụng linh hoạt với cơ chế đặc thù của hoạt động bồi dưỡng đại biểu Quốc hội để chi trả xứng đáng cho các chuyên gia giỏi khi tham gia bồi dưỡng đại biểu Quốc hội.

Về đề xuất kiện toàn tổ chức Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử, hiện Trung tâm có 2 phòng chuyên môn nhưng mới chỉ có 1 trưởng phòng. Việc xem xét bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng của Trung tâm chỉ được tiến hành vào giữa tháng 7/2010. Từ đó đến nay, Trung tâm không được kiện toàn mặc dù đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được chấp thuận. Vì vậy, Trung tâm mong muốn sớm được kiện toàn nhân sự lãnh đạo cấp phòng để tạo động lực cho các cán bộ công chức nỗ lực tâm huyết hơn trong tham mưu, giúp việc, thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình góp phần nâng cao năng lực đại biểu và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=54815