Đề xuất ba phương án về sở hữu đất đai

TP - Ngày 17- 4, Ban chỉ đạo (BCĐ) tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 của Chính phủ đã họp báo về những nhiệm vụ của BCĐ trong năm 2012.

> Nên giao đất vĩnh viễn cho nông dân
> Trao quyền sở hữu cho người sử dụng ruộng đất

Nhiều vấn đề lớn như sở hữu đất đai, mô hình chính quyền địa phương, quyền công dân… đã được Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, người phát ngôn của BCĐ trả lời.

Theo ông Liên, đất đai là vấn đề quan trọng, do vậy, Bộ TN&MT được giao tổng kết chuyên đề về đất đai. Chế định sở hữu toàn dân đối với đất đai từ Hiến pháp (HP) năm 1980.

Trong quá trình thực hiện đã nảy sinh một số bất cập. Nhưng hiện nay chưa làm rõ hạn chế của HP ở đâu, hạn chế của hệ thống thực thi pháp luật ở đâu, do HP hay do quá trình thực thi chưa đáp ứng được tinh thần và yêu cầu của HP.

Trong giai đoạn tổng kết tới, cần đi sâu một số vấn đề, tiếp tục khảo sát thực tiễn, tổ chức hội thảo để lập luận sâu sắc và chính xác hơn.

Hiện nay, phần lớn vẫn đề nghị giữ nguyên chế định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” và chú trọng tốt hơn nữa quá trình thể chế hóa vào luật, nghị định. Nếu chưa tách được cái gì là lỗi của HP, lỗi của thể chế hóa luật thì cần cân nhắc.

Ngoài ra, cũng có ý kiến, để sở hữu toàn dân thì tính cụ thể chưa rõ về mặt chủ sở hữu. Do đó, cần quy định rõ đất đai thuộc sở hữu nhà nước. Một số ý kiến khác đề xuất, trong tình hình hiện nay nên đa dạng hóa sở hữu đối với đất đai.

Nói về sở hữu đất đai, ông Liên cho biết, có 3 quan điểm về vấn đề này. Một là giữ nguyên như hiện nay và xem lại việc thể chế hóa trong luật, nghị định.

Phần lớn các ý kiến đưa ra đề xuất này. Hai là thay sở hữu toàn dân bằng nhà nước. Ba là đa dạng hóa hình thức sở hữu. Nhưng hiện nay mới chỉ là đề xuất và nêu hiện tượng, chắc gì đã phải đất đai sở hữu toàn dân đẻ ra tham nhũng, tiêu cực.

Một số kiến nghị cần phải tiếp tục thảo luận, khảo sát và chứng minh rõ hơn, thuyết phục hơn. Tôi đã theo dõi việc ban hành Luật Đất đai năm 1987, 1993, nay nếu quay lại sở hữu tư nhân đất đai là vấn đề rất lớn để xử lý thực tiễn đặt ra.

Cả 3 phương án này đã được đề xuất, vấn đề là phương án nào thuyết thục hơn thì được chấp nhận.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/573871/de-xuat-ba-phuong-an-ve-so-huu-dat-dai-tpp.html