Đề xuất áp thêm thuế tiêu thụ đặc biệt 2.000 – 5.000/bao thuốc lá

Ngoài tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá từ 70% lên 75% vào năm 2019, các chuyên gia còn đề nghị áp mức thuế tuyệt đối thêm 2.000 đến 5.000 đồng/bao.

Trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất ngoài tăng thuế TTĐB với thuốc lá từ 70% lên 75% từ năm 2019, mỗi bao thuốc lá sẽ chịu thêm thuế tuyệt đối là 1.000 đồng nữa. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mức tăng này vẫn còn thấp và đề nghị mức thuế tuyệt đối cần tăng thêm 2.000 đến 5.000 đồng/bao.

Thuế thuốc lá tăng chậm hơn thu nhập

Dẫn số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới WHO, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia WHO cho biết, thuốc lá gây ra 6 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới. Trong đó, 600.000 ca là do hút thuốc lá thụ động, 64% số này là phụ nữ. Tổn thất do sử dụng thuốc lá của Việt Nam trung bình hàng năm lên tới hơn 1,1 tỷ USD (24.679 tỷ đồng), trong đó bao gồm các chi phí y tế cho một loạt các bệnh như ung thư phổi, ung thư đường hô hấp, tiêu hóa, đột quỵ…

Vị chuyên gia này cũng chỉ ra những con số thông kê của WHO và Ngân hàng Thế giới, cho thấy tăng thuế thuốc lá có tác động đến hành vi tiêu thụ thuốc lá. Cụ thể, nếu tăng thuế để giá thuốc lá tăng 10% thì sẽ giảm tiêu dùng ở các nước phát triển khoảng 4% và ở các nước đang phát triển khoảng 5%. Ở người nghèo và lớp trẻ thì mức tăng giá này giúp giảm tiêu thụ thuốc lá tới 10% và có tác dụng ngăn ngừa người trẻ hút thuốc.

Theo vị chuyên gia này, tỷ lệ thuế và giá bán thấp là nguyên nhân chính khiến lượng người sử dụng thuốc lá ở Việt Nam lớn. Thống kê của WHO năm 2017 cho thấy, tỷ lệ thuế của Việt Nam trong giá bán lẻ thuốc lá đang ở mức chỉ 35%, trong khi trung bình thế giới là 58,6%. So với các nước ASEAN, tỷ lệ trên của nước ta hiện chỉ cao hơn Campuchia, Lào, Myanmar. Điều này khiến cho giá thuốc lá trung bình của Việt Nam đứng gần cuối bảng trong so sánh với các nước khu vực Tây Thái Bình Dương.

Đồng quan điểm, ThS Đào Thế Sơn đến từ Đại học Thương mại cho rằng lộ trình tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá ở Việt Nam rất chậm. Cụ thể, năm 2008 mức thuế là 65%, năm 2016 là 70% và năm 2019 dự kiến là 75%.

Tỷ lệ thuế thuốc lá ở Việt Nam thấp hơn nhiều nước (ảnh minh họa)

“Khoảng cách giữa những lần tăng thuế là quá giãn, trong khi mức điều chỉnh thấp, chỉ 5% mỗi đợt. Đáng nói, thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá lại tính trên giá xuất xưởng, nên mỗi lần tăng thuế, giá một bao thuốc lá chỉ tăng khoảng 2,6-2,7%. Mức tăng này thấp hơn nhiều so với mức tăng thu nhập bình quân đầu người của người dân” – ThS Đào Thế Sơn phân tích.

Đề xuất tăng thuế 2.000 – 5.000 đồng/bao

Với những phân tích trên, các chuyên gia cho rằng cần thiết tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá để hạn chế tiêu thụ. “Cần tăng thuế thường xuyên trong những năm tới với mức tăng cao hơn lạm phát và tăng trưởng GDP. Tăng thuế thuốc lá nhằm đạt mục tiêu quốc gia về tỷ lệ hút thuốc và giảm thâm hụt ngân sách quốc gia” – BS Nguyễn Tuấn Lâm khuyến cáo.

Vị chuyên gia này cũng đề xuất cân nhắc mô hình thuế hỗn hợp, tức là kết hợp thuế theo tỷ lệ và thuế tuyệt đối.

Cùng quan điểm, ThS Đào Thế Sơn cho biết hiện theo đề xuất tăng TTĐB vừa được Bộ Tài chính công bố thì có 2 phương án. Phương án một là áp thuế TTĐB theo phương pháp hỗn hợp (cả thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối). Theo đó, dự kiến đến năm 2019 thuế tỷ lệ là 75%.

Cùng với đó, sẽ bổ sung thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu từ năm 2020. Phương án hai là tăng thuế suất theo lộ trình, từ năm 2020, mức thuế sẽ tăng từ 75% lên 80%. Từ năm 2021, mức thuế sẽ tăng lên 85%.

Chuyên gia này bày tỏ ủng hộ cách đánh thuế hỗn hợp, vì nếu chỉ đánh thuế theo tỷ lệ thì mức tăng không đáng kể, nhất là với những dòng thuốc lá rẻ tiền. Điều này không giúp giảm đáng kể tiêu thụ thuốc lá mà người hút sẽ có xu hướng chuyển từ dòng sản phẩm giá cao sang giá thấp. Hơn nữa còn dẫn đến nguy cơ chuyển giá giữa nhà sản xuất và đơn vị phân phối, vì thuế tỷ lệ này đánh trên giá xuất xưởng, nhà sản xuất có thể công bố giá xuất xưởng thấp để giảm thuế.

“Tôi ưu tiên phương án một, tức là áp dụng cả thuế tuyệt đối, tức là một bao thuốc không kể đắt hay rẻ thì đều bị áp một mức thuế tuyệt đối như nhau” – ông Đào Thế Sơn nói. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, mức thuế theo đề xuất của Bộ Tài chính 1.000 đồng là quá thấp.

“Theo mục tiêu của Việt Nam, tới năm 2020 tỷ lệ hút thuốc của nam giới phải xuống 39% thay vì 45,3% năm 2017. Nếu mức thuế tuyệt đối chỉ 1.000 đồng/bao thì mục tiêu trên khó thành hiện thực vì nếu tăng 1.000 đồng thuế sẽ chỉ giảm tiêu thụ 3%. Vì vậy tôi đề xuất tăng tối thiểu lên 2.000 đồng/bao và tối ưu là 5.000 đồng/bao” – ông Đào Thế Sơn đề xuất.

Với mức tăng 5.000 đồng/bao, theo tính toán của chuyên gia này sẽ có thể giúp tăng thu cho ngân sách khoảng 10.700 tỷ đồng mỗi năm.

Hà Loan

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/de-xuat-ap-them-thue-tieu-thu-dac-biet-2000-5000-bao-thuoc-la/767011.antd