Đề xuất 5 mô hình giáo dục âm nhạc cho học sinh THCS

PGS.TS Hà Hoa và ThS. Lan Phương (Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương) đề xuất 6 mô hình dạy học Âm nhạc cho học sinh THCS thông qua hoạt động trải nghiệm, góp phần cải thiện chất lượng giáo dục nghệ thuật ở THCS.

Ảnh minh họa/internet

Hoạt động dàn dựng và biểu diễn chương trình âm nhạc tổng hợp

Dàn dựng chương trình âm nhạc tổng hợp là sự tập hợp các tiết mục nghệ thuật ở nhiều thể loại âm nhạc khác nhau theo chủ đề mà người giáo viên (biên đạo hay đạo diễn) cần phải sắp xếp, lên kế hoạch chi tiết cho từng nội dung: Chọn bài, chọn diễn viên ca, múa; chọn trang phục, đạo cụ; chuẩn bị âm thanh, ánh sáng, sân khấu,…để có một chương trình đạt chất lượng nghệ thuật cao nhất.

Chương trình âm nhạc tổng hợp là chương trình hoạt động có ý nghĩa lớn về mặt tư tưởng, mang tính giải trí và giáo dục cao, mục đích giáo dục để con người sống tốt đẹp hơn. Vai trò của hoạt động dàn chương trình âm nhạc tổng hợp trong trường THCS là rất quan trọng, đặc biệt hoạt động AN theo chủ đề nên nó luôn được phát huy và có tác dụng tổ hợp kiến thức nghệ thuật (ca, múa, diễn…) của học sinh (HS).

Mô hình này được thực hiện theo trình tự: Xây dựng ý tưởng; lên kịch bản; tổ chức dàn dựng; duyệt chương trình; biểu diễn chương trình; đánh giá rút kinh nghiệm chương trình.

Mô hình câu lạc bộ

Quy trình và nhiệm vụ kiến thức và phương pháp khi thực hiện tổ chức các hoạt động ở câu lạc bộ cần có như sau:

Xác định nhiệm vụ: HS đánh giá nhiệm vụ được giao, đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của bản thân.

Trải nghiệm cụ thể: Dựa trên vốn kinh nghiệm của bản thân, HS sẽ trải nghiệm, thực hiện nhiệm vụ của hoạt động.

Chia sẻ: Chia sẻ các kết quả, các chú ý và những điều quan sát, cảm nhận từ trong hoạt động đã thực hiện của mình. HS học cách diễn đạt và mô tả lại rõ ràng nhất các kết quả trải nghiệm và mối tương quan của chúng.

Phân tích, thảo luận: HS cùng thảo luận, nhìn lại cả quá trình trải nghiệm, phân tích và phản ánh lại. HS sẽ liên hệ trải nghiệm với chủ đề của hoạt động và các kĩ năng sống, kỹ năng kiến thực học được.

Khái quát hóa: Liên hệ những kết quả và điều học được từ trải nghiệm với các ví dụ trong cuộc sống thực tế. Bước này thúc đẩy HS suy nghĩ về việc có thể áp dụng những điều học được vào các tình huống khác như thế nào.

Tổ chức và duy trì CLB: Đây là mô hình tự nguyện, đòi hỏi cách thức tổ chức phải vừa chặt chẽ, vừa linh hoạt để HS được tham gia tích cực, được sáng tạo, được nói, làm và hưởng thụ những sản phẩm, thành quả cũng như ý tưởng của mình. Đồng thời những thành quả đó luôn được mọi người thấu hiểu, chia sẻ và ủng hộ không chỉ tinh thần mà còn cả thời gian và vật lực.

Để duy trì tốt CLB luôn sông động về nội dung và thường xuyên hoạt động lại là một nghệ thuật của các nhà quản lý, đặc biệt của giáo viên chuyên ngành trong cách xây dựng kế hoạch, quản lý, tổ chức triển khai và kiểm tra đánh giá rút kinh nghiệm...

Muốn như vậy, trước hết nội dung sinh hoạt của CLB vừa chuyên sâu, vừa đa dạng, đảm bảo được nguyện vọng mong muốn tìm tòi sáng tạo theo sở thích của HS. Thông qua đó HS sẽ thu lượm được kiến thức âm nhạc cho mình một cách sảng khoái và tự nguyện.

Giáo dục trải nghiệm theo hình thức trò chơi

Trò chơi luôn mang lại không khí vui, nhộn và năng động cả về thể lực, tinh thần cho HS. Trò chơi còn tạo cho HS năng lượng thể chất lẫn tính thần cao độ nếu biết cách tổ chức tốt. Việc hoạt động thể lực, trí não được khơi gợi để HS tiếp nhận kiến thức ngọt ngào, không khiên cưỡng, thì không khí và nội dung kiến thức của việc trải nghiệm trò chơi phải mang tính giải trí cao cho HS.

Trình tự các bước thực hiện mô hình trò chơi như sau: Khai thác ý tưởng; xây dựng luật chơi; nhân sự tham gia; tổ chức trò chơi; đánh giá, nhận xét, cho điểm, phần thưởng…trò chơi; kết luận và rút kinh nghiệm.

Giáo dục âm nhạc qua trải nghiệm thực tế ở địa phương

Các nguyên tắc về giáo dục âm nhạc thông qua trải nghiệm thực tế ở địa phương có ý nghĩa lớn trong giáo dục học sinh nhân cách, tình yêu cộng đồng, trân quý nơi mình sinh ra, lớn lên, nuôi dưỡng học tập và trưởng thành.

Mô hình này cũng tạo cho HS vừa khám phá về lịch sử cha ông, dòng tộc, bản sắc văn hóa quê hương vừa nâng cao ý thức tự tin, tự hào dân tộc mà biết trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, giáo dục, nhất là âm nhạc của quê hương mình.

Mô hình này có thể cho HS THCS thực hiện như sau: Xác định nhiệm vụ học; trải nghiệm cụ thể; chú ý quan sát, ghi chép, phỏng vấn; khái quát trừu tượng, từ thực tiễn; thực hành chủ động, cởi mở và tổng hợp ngay sau khi đi thực tế;

Chia sẻ ngay hoặc sau /không gian thực tế; phân tích, đánh giá (di sản, nhà thờ, nghệ nhân, nghệ sĩ, làn điệu, bài hát, nhạc cụ, kể khan…); vận dụng sáng tạo có chính kiến của bản thân (thực hành ở nhà, tại lớp, nhà hát: Hát, múa, biểu diễn, báo cáo, thuyết trình…);

Viết, tổng kết báo cáo thực địa và thể hiện ý thức trách nhiệm của thân về giá trị văn hóa cha ông để lại mà có chứng kiến, đề xuất của bản thân HS nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị đó.

Gặp gỡ giao lưu các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà khoa học

Âm nhạc thực sự đi vào cuộc sống của HS THCS khi chúng được giao lưu với con người cụ thể bằng xương, bằng thịt. Được trò chuyên, thậm chí được thỏa tính tò mò, hiếu kỳ vốn có của lứa tuổi tự nhiên; được khám phá, học hỏi, trao đổi trực tiếp với nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà khoa học… Những gì mà chúng thấy từ những con người đó là đặc biệt, mà yêu thích, ngưỡng mộ, trân quý… mà học tập, làm theo hoặc trao đổi, thậm chí có chính kiến, đặt câu hỏi hay phản biện.

Trình tự các bước thực hiện mô hình: Xây dựng kế hoạch; đối tượng, tham gia (nhân vật chính, phụ); địa điểm và nội dung giao lưu; tình huống giả định; tổ chức thực hiện; tổng kết đánh giá.

HB (lược ghi)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/de-xuat-5-mo-hinh-giao-duc-am-nhac-cho-hoc-sinh-thcs-4060932-v.html