Đề xuất 4 kỳ nghỉ/năm: Có được không?

Cho rằng đây là một ý kiến để tham khảo, GS.TS Phạm Tất Dong lưu ý, các nhà khoa học cần tính toán đầy đủ các yếu tố rồi mới quyết định.

Tại cuộc họp trực tuyến về tình hình dịch bệnh và công tác chủ động phòng, chống dịch Covid-19 hôm 14/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung gợi ý Sở GD-ĐT đề xuất Bộ GD-ĐT xem xét, phân kỳ lại (4 kỳ học thay vì 2 kỳ như hiện nay), rút ngắn ngày nhưng chia thành nhiều kỳ nghỉ… Nếu được có thể áp dụng ngay từ năm học tới.

“Cả thế giới cũng sắp xếp năm học như thế”, ông Chung nói và cho biết “qua nghiên cứu phân kỳ cho học sinh các nước cho thấy, hè nghỉ 35 ngày; nghỉ tết khoảng 1 tháng; còn 2 kỳ kia mỗi kỳ nghỉ 2 tuần”.

Trao đổi với Đất Việt về đề xuất này, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, đây là một ý kiến cần tham khảo, tuy nhiên sắp xếp thế nào cần có các nhà khoa học, nhà chuyên môn tính toán, từ yếu tố thời tiết, địa lý đến sinh hoạt xã hội, thói quen, tập tục, những ngày lễ hội khác nhau... rồi mới tính toán.

Ngoài việc đeo khẩu trang, học sinh còn được hướng dẫn vệ sinh cơ thể bằng dung dịch rửa tay khô để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Tuổi trẻ

Ngoài việc đeo khẩu trang, học sinh còn được hướng dẫn vệ sinh cơ thể bằng dung dịch rửa tay khô để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Tuổi trẻ

Cũng theo GS.TS Phạm Tất Dong, các kỳ học và kỳ nghỉ ở các nước không phải đều giống nhau mà tùy tình hình cụ thể của mỗi nước.

Thông thường, nếu những nước có nền kinh tế và sự phát triển tương đồng nhau thì sẽ tổ chức năm học, các kỳ thi, kỳ nghỉ... tương đối giống nhau.

Chẳng hạn, nếu chương trình tương đồng các nước tổ chức phổ thông phải 12 năm, nhưng có nước chỉ là 9 năm-10 năm, có nước lại 13 năm..., tuy nhiên hầu hết chọn 12 năm.

Trong 12 năm học ấy, người ta sẽ tính toán bao nhiêu buổi học và bao nhiêu tiết học tương ứng kèm theo, từ đó bố trí giữa học tập và nghỉ ngơi cho hợp lý để học sinh có đủ khả năng tiếp cận tri thức.

Một điểm khác được Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam lưu ý, chương trình học và kỳ nghỉ ở các nước còn chịu tác động của yếu tố thời tiết.

"Ví dụ, vào tháng 6, 7, 8 Việt Nam rất nóng, học sinh đi học vất vả nên từ xưa người Pháp đã nghiên cứu phải nghỉ hè vào 3 tháng ấy.

Chưa kể, ở Việt Nam, Tết cổ truyền diễn ra sau Tết Tây, thậm chí sát Tết Tây, nếu nghỉ Tết Tây dài rồi lại nghỉ tiếp Tết cổ truyền nữa thì không ổn. Ở Nga lại khác, họ có kỳ nghỉ đông do mùa đông nước Nga rất khắc nghiệt.

Sự khác nhau ở các nước không chỉ là thời gian nghỉ của học sinh mà còn ở thời gian làm việc của cán bộ, công chức.

Ở Nga, vào mùa đông, sinh hoạt khoa học và các cơ quan phần lớn 9-10h sáng mới bắt đầu và họ làm thông tầm luôn cho đến 3h chiều, chỉ dành khoảng 30 phút cho bữa trưa", GS.TS Phạm Tất Dong dẫn ví dụ và cho rằng, lịch học và lịch nghỉ của học sinh cần linh hoạt, phù hợp với sinh hoạt, đời sống của người dân và tốt nhất nếu có nghiên cứu cách phân kỳ mới thì cần phải nghiên cứu kỹ, trưng cầu dân ý.

Ngay đối với giờ học, GS Dong đề nghị cũng có thể xem xét điều chỉnh, không nhất thiết phải cứng nhắc 7h vào lớp. Lý do là trẻ con không dậy sớm được, trẻ phải đi học sớm do bố mẹ đưa đi rồi còn đi làm...

Nếu giao thông vận tải tốt hơn, có dịch vụ đón đưa học sinh tốt hơn, đảm bảo an toàn cho con em, giảm áp lực cho bố mẹ thì có thể bố trí giờ học khác.

"Tóm lại phải tùy vào xã hội mà tổ chức, lấy ý kiến của người dân, dân chấp thuận thì thực hiện", ông kết luận.

Đề xuất tổ chức 4 kỳ nghỉ trong một năm của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng nhận được sự quan tâm của dư luận. Một số ý kiến phản hồi trên báo chí ủng hộ đề xuất này bởi họ cho rằng kỳ nghỉ hè quá dài, trong khi thời gian nghỉ khác lại quá ngắn.

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, năm nay có dịch bệnh nên bất dĩ phải nghỉ kéo dài, còn nên giữ nguyên cách phân kỳ như bấy lâu nay.

"Mỗi năm học chỉ nên có 2 kỳ nghỉ, có thể tăng thời gian nghỉ tết và giảm nghỉ hè, còn nghỉ giữa của hai học kỳ thì không cần thiết vì sẽ làm ngắt đoạn quá trình học tập nhiều quá không tốt đối với học sinh", một độc giả phản hồi trên Đất Việt.

Không những thế, nhiều bậc cha mẹ băn khoăn về việc lấy ai trông con khi nhiều kỳ nghỉ như vậy, nhất là đối với trẻ ở độ tuổi mầm non.

"Nghỉ 4 kỳ, cha mẹ chúng bận đi làm, mang con tới ủy ban cho giữ hộ nhé? Chịu thì thông qua", một độc giả bình luận.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/de-xuat-4-ky-nghinam-co-duoc-khong-3396975/