Để xóa bỏ 'văn hóa bôi trơn'

'Thúc đẩy kinh doanh liêm chính cần có sự nỗ lực đồng bộ, xóa bỏ văn hóa lệ làng và 'văn hóa bôi trơn'.

Phát biểu của TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại cuộc thảo luận “Thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh” trong khuôn khổ “Chương trình Hội nghị khu vực lần thứ 10 của Sáng kiến Chống tham nhũng khu vực châu Á – Thái Bình Dương” do Thanh tra Chính phủ Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đồng tổ chức tại Hà Nội vừa qua thêm một lần nữa đặt ra vấn đề: Làm thế nào để xóa bỏ được "văn hóa bôi trơn"?

Hiện chúng ta có khoảng 5 triệu hộ kinh tế gia đình, hơn 750 nghìn doanh nghiệp tư nhân đang ngày đêm đối diện với những bản quy hoạch sai, cũng như bị cản trở, bị hành bởi những “giấy phép con”. Cho tới nay, mặc dù các loại giấy phép này đã cắt giảm được 50%, nhưng vẫn còn đó những chồng giấy phép dầy cộp, mà để có đất sống, doanh nghiệp phải dùng tới “phong bao”.

Những “giấy phép con này” đang đi ngược với yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh mà Chính phủ, Đảng, Nhà nước đang cố gắng tháo gỡ. Vậy đâu là lý do khiến các “giấy phép con” trái thẩm quyền vẫn ra đời? Câu trả lời chỉ có thể hoặc trình độ cán bộ ở các bộ/ ngành đó quá kém, hoặc là cố tình tạo những rào cản để có “phí bôi trơn”. Tất cả, đều không thể chấp nhận được.

Không khó khăn gì để hiểu lý do ngâm hồ sơ tạo các thủ tục rườm rà cho người dân, doanh nghiệp. Ngâm là để cho dân phải chạy, thủ tục rườm ra để doanh nghiệp phải nhờ, phải cậy. Mà muốn cậy nhờ thì phải trả ơn. Lối tham nhũng vặt này chẳng lạ lùng gì. Bao nhiêu năm nay, người dân kêu trời về cụm từ “tham nhũng vặt”. Lãnh đạo thì chỉ nghe “phong thanh” về chuyện bôi trơn, nhưng không có chứng cứ để khẳng định cán bộ ăn tiền của dân.

Tham nhũng vặt, nhưng nhiều cái vặt cộng lại thành cái to. Chính vì vậy nên hồ sơ cứ thế mà ngâm, cứ thế mà tồn đọng. Phải gây khó, phải tồn đọng thì mới có cái để tham nhũng. Biết bao nhiêu bộ hồ sơ muốn về tay người dân, doanh nghiệp thì phải trả giá bằng phong bì, nhưng chẳng bắt được tay, day được trán ai ăn hối lộ.

Song song, cũng phải trách nhiều cá nhân, doanh nghiệp nhằm đạt được mục đích lợi nhuận, giành được các hợp đồng béo bở đã bóp méo những định nghĩa về phí, chi phí và hoa hồng, biến chúng thành những khoản tiền hối lộ khổng lồ nhằm cạnh tranh, mua chuộc đối tượng hoặc tổ chức nào đó. Cạnh tranh không lành mạnh dẫn tới sự thiếu công bằng và bất hợp lý.

Có thể nói, “văn hóa phong bì” gặp cơ chế quan liêu mệnh lệnh giấy tờ, cơ chế xin cho đã nhanh chóng sinh sôi nảy nở, nhanh chóng trở thành một tệ nạn. Lâu ngày nó trở thành nếp nghĩ, nếp sống của người Việt. Ngày nay nó như một lẽ đương nhiên, đến nỗi không ai buồn nói đến nó nữa.

Vì thế, nói thẳng ra thì “văn hóa phong bì” nếu xét về bản chất thì chính là “nền văn hóa bôi trơn”. Mà cái gì muốn vận hành ngon lành lại không cần đến bôi trơn? Nhưng cũng may là nhiều đường dây đưa hối lộ và nhận hối lộ đã bị đưa ra ánh sáng và nhận sự trừng trị thích đáng của pháp luật. Đây là tấm gương cho những ai muốn đi ngang về tắt, đạt được mục đích bằng những hành vi sai trái.

Có điều, vấn đề đặt ra ở đây là: Ai phải chịu trách nhiệm, là người đứng đầu các bộ/ngành hay các vụ chức năng, hay người đứng đầu các cơ quan đơn vị? Nói như vậy, bởi từ trước đến nay, chẳng ai chịu trách nhiệm cả. Cùng lắm, khi bị phát hiện, hủy các văn bản trái luật, còn cá nhân ai đó bị khiển trách là xong.

Kỳ thực, không ai ăn hối lộ mà dễ dàng để cho người khác phát hiện, người đưa hối lộ cũng muốn cho xong việc, nên im lặng là vàng, cũng là để yên thân.

Thế mới nói, chừng nào các quan chức tổ chức thực sự “lạ lẫm, ngỡ ngàng” khi nghe tin chạy công chức mất tiền trăm triệu; Các nhà quản lý thấy “ngỡ ngàng” chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy trường, chạy lớp hộ khẩu, sổ đỏ, dự án.

Rồi, người đứng đầu ngành công an cảm thấy “ngỡ ngàng” khi nghe tin cảnh sát giao thông nhận tiền mãi lộ; Người đứng đầu ngành y tế cũng “ngỡ ngàng” khi nghe tin thầy thuốc nhận phong bì. Đến lúc đó chiếc phong bì, phí bôi trơn mới thực sự không còn là vấn nạn của xã hội nữa.

Muốn vậy, cần phải cải cách nền hành chính một cách mạnh mẽ, ở đó quy định rõ trách nhiệm của những người đứng đầu và kỷ luật một cách nghiêm khắc nhất để tạo tính răn đe, không có tiền lệ cho bất kỳ một cán bộ nào. Có như vậy mới dẹp được nạn bôi trơn, có như vậy nền hành chính mới tiến bộ và quy trình thủ tục giấy tờ phục vụ nhân dân mới thông suốt.

Sông Hàn

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/de-xoa-bo-van-hoa-boi-tron-162944.html