Để 'xe quá tải nhờn luật': Bắc Giang sẽ báo cáo gì trước Chính phủ?

Trước thực trạng xe quá tải, quá khổ, xe cơi nới thành thùng vẫn ung dung chạy như chỗ không người trên nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, không biết rồi đây Bắc Giang sẽ báo cáo như thế nào với Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia về trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh?

Xe quá tải, quá khổ, xe cơi nới thành thùng vẫn ung dung chạy như chỗ không người trên quốc lộ 1 qua địa phận tỉnh Bắc Giang

Xe quá tải, quá khổ, xe cơi nới thành thùng vẫn ung dung chạy như chỗ không người trên quốc lộ 1 qua địa phận tỉnh Bắc Giang

Cam kết một đằng, thực hiện một nẻo

Bắc Giang, là một trong các địa phương có số lượng lớn loại xe Howo (hay còn gọi là Hổ vồ) hoạt động để phục vụ cho quá trình xây dựng trong dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, cũng như các dự án bất động sản quy mô lớn.

Địa điểm “ăn hàng” của dàn xe siêu tải này là các mỏ đá thuộc huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Theo một quy luật, các xe này thường tổ chức đi thành từng đoàn, mỗi đoàn từ 5 - 7 xe.

Cụ thể, sau khi “ăn hàng” từ mỏ đá Hữu Lũng, các xe này hướng theo quốc lộ 1 xuôi về Bắc Giang.

Theo bản báo cáo đếm xe của Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn thì trung bình trong vòng một tháng số lượng xe tải hạng nặng trên 30 tấn trở lên lưu thông từ theo hướng Lạng Sơn - Bắc Giang lên đến gần 1.500 đầu xe chưa tính các loại phương tiện khác.

Mặc dù, trước đó, Phòng CSGT Bắc Giang tổ chức tuyên truyền và ký cam kết không chở hàng quá tải với các doanh nghiệp, chủ xe. (ảnh: Báo Bắc Giang)

Với số lượng phương tiện lớn kéo theo tần suất hoạt động dày đặc khiến nhiều tuyến đường thuộc hai tỉnh luôn là điểm “nóng” về an toàn giao thông, đặc biệt là tình trạng xe chở quá tải.

Vào ngày 31/7/2018, trước sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo các ban ngành tỉnh Bắc Giang, đại diện cho 19 doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh đã ký cam kết sẽ chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về khai thác mỏ, không chở hàng quá tải trọng, kích thước giới hạn cho phép của xe; không tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe trái quy định đối với phương tiện vận tải tham gia giao thông.

Ngoài ra, Phòng CSGT (Công an tỉnh Bắc Giang) còn tổ chức chuyên đề cấp phát tài liệu, tuyên truyền về quy định tải trọng, kích thước của xe và hình thức xử phạt, nhằm nâng cao hơn nữa ý thức tự giác chấp hành các quy định pháp luật về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của các doanh nghiệp.

Thậm chí một số doanh nghiệp còn lên kế hoạch tổ chức tập huấn cho lái xe, công nhân bốc xếp để quản lý tải trọng ngay từ khâu bốc xếp.

Xe siêu tải trọng, chở đất đá hoạt động rầm rập trên tuyến quốc lộ 1 cũ đoạn qua huyện Việt Yên, Bắc Giang (ảnh được chụp vào chiều ngày 29/3/2019)

Câu hỏi về trách nhiệm của các lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang

Thế nhưng, đó chỉ là lời hứa trên giấy còn thực trạng thì nhiều xe tải chở đất, đá, cát xây dựng mang biển soát 98 (Bắc Giang) vẫn chở quá tải, không phủ bạt khi chở vật liệu… vẫn ung dung hoạt động.

Theo quan sát của PV Tạp chí Giao thông vận tải, tại nhiều tuyến quốc lộ và tỉnh lộ qua địa bàn Bắc Giang đang xuống cấp từng ngày, lòng đường hình thành những đường "ổ gà, ổ voi", tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Nhiều xe cơi nới thành thùng, chất đầy đá hộc, đi với tốc độ cao và trở thành nỗi khiếp sợ của người đi đường.

Thực tế, bằng mắt thường người dân dễ dàng nhận thấy, những chiếc xe "hổ vồ" loại 3 chân, thiết kế trọng tải cho phép khoảng hơn chục tấn, thùng cao 1,5m. Tuy nhiên gần như 100% xe chở đất, đá, đều tăng thùng lên hơn 2m, trọng tải chở 30 - 50 tấn. Tăng gấp 4-5 lần so với thiết kế cũng như đăng kiểm.

Không chỉ cơi nới thành thùng hết mức có thể, chiếc xe BKS: 98C-064.53 chất hàng có ngọn lưu thông trên Ql1 mà chẳng hề vấp phải sự kiểm tra nào từ lực lượng chức năng

Nhờn lệnh cấp trên?

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình trật tự ATGT 6 tháng đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (thời điểm đó là Phó Thủ tướng - Trưởng ban ATGT quốc gia - Pv) nhấn mạnh, UBND các tỉnh, thành phố cần tiếp tục thực hiện kiểm soát, duy trì hoạt động của trạm kiểm soát tải trọng xe 24/24h, kiên quyết xử lý nghiêm xe chở hàng quá tải.

Địa phương nào để “lọt” xe quá tải, Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm.

Đặc biệt, tại Chỉ thị 32/CT-TTg ngày 25-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, Thủ tướng đã giao cụ thể trách nhiệm kiểm soát tải trọng xe là của chính quyền địa phương. Lãnh đạo chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về tình trạng xe quá tải trên địa bàn mình quản lý.

Có thể thấy, vấn đề xe quá tải nóng tới mức, cả Thủ tướng chính phủ cho đến Phó thủ tướng thường trực chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng ban ATGT quốc gia thường xuyên yêu cầu các tỉnh xử lý triệt để. Về phía Bộ Giao thông vận tải, nhiều lần đích thân Tổng cục Trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện ra đường chỉ đạo vây bắt xe quá tải.

Và mới đây nhất, tại kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XVIII, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Bùi Văn Hải đã ra "tối hậu thư", đồng thời trực tiếp yêu cầu chính quyền và các sở ngành liên quan phải hứa trước dân dẹp tan nạn xe quá tải trong năm 2018.

Tại kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XVIII, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Bùi Văn Hải đã ra "tối hậu thư", đồng thời trực tiếp yêu cầu chính quyền và các sở ngành liên quan phải hứa trước dân dẹp tan nạn xe quá tải trong năm 2018. Đến nay, dù đã quý 1/2019, tình trạng xe quá tải hoạt động trên địa bàn Bắc Giang vẫn không hề thuyên giảm, thậm chí chưa thấy cá nhân, tổ chức nào bị truy trách nhiệm theo lời ‘hứa’ của Bí thư Tỉnh ủy.

“Chúng ta là những người lãnh đạo thì chỉ cần nghe phản ánh tình hình đó có hay không, chúng ta đã phải lo trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo vấn đề đó như thế nào. Vấn đề này, năm 2018 chúng ta phải chấm dứt. Tôi xin đề nghị là chấm dứt. Trách nhiệm thuộc về ai, thuộc về cấp ủy, thuộc về chính quyền, thuộc về các ngành, thuộc về cán bộ đảng viên của chúng ta, thuộc về mỗi đại biểu chúng ta ngồi đây. Chúng ta có làm được điều đó không, nó phụ thuộc vào thái độ và quyết tâm của chúng ta hay không chứ không phải là đổ vào trách nhiệm cho ai. Nếu vấn đề này không làm được thì cấp ủy, hội đồng, ủy ban, các ngành đều phải tự kiểm điểm trước dân hết, phải chịu trách nhiệm”, ông Hải nhấn mạnh tại kỳ họp.

Dù cả hệ thống chính trị tỉnh Bắc Giang đã có một số biện pháp để giảm thiểu vấn nạn này, tuy nhiên đến nay việc xử lý vẫn như kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, thiếu kiên quyết và kém hiệu quả. Điều này đã khiến những tuyến quốc lộ, tỉnh lộ tiếp tục chịu sự tra tấn “quần thảo” từ những đoàn xe quá tải.

Sau nhiều đợt CSGT Bắc Giang ra quân rầm rộ xử lý xe quá tải, thì nay vi phạm vẫn chứng nào tật đấy, có dấu hiệu nhờn luật?

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Bắc Giang cũng thừa nhận, từ khoảng thời gian sau Tết Kỷ Hợi 2019, tình hình xe ô tô chở hàng quá tải, quá khổ có dấu hiệu hoạt động trở lại trên một số khu vực thi công san lấp mặt bằng, mỏ đất.

Từ ngày 15/3 đến 28/3, toàn lực lượng Cảnh sát giao thông Bắc Giang đã xử lý 1.775 trường hợp vi phạm TTATGT, tạm giữ 49 lượt xe, trong đó xử lý 48 t/h quá tải, 39 trường hợp quá khổ, 91 t/h tự ý cơi nới hùng xe, 23 t/h vi phạm về bạt che đậy.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chánh Thanh tra Sở GTVT Bắc Giang cho biết: hiện nay, chức năng kiểm soát xe quá tải trên QL1 qua địa phận tỉnh Bắc Giang thuộc lực lượng CSGT địa phương và lực lượng Thanh tra giao thông Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Trong khi đó, lực lượng Thanh tra giao thông Bắc Giang tập trung kiểm soát tải trọng xe tại các bến bãi, mỏ vật liêu xây dựng và các tuyến đường tỉnh lộ theo phân cấp”.

Trước thực trạng xe quá tải, quá khổ, xe cơi nới thành thùng vẫn ung dung chạy như chỗ không người như vậy, không biết rồi đây Bắc Giang sẽ báo cáo như thế nào với Chính phủ, Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia về trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh?

Tạp chí Giao thông vận tải tiếp tục thông tin./.

Lê Minh - Vũ Thành

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/de-xe-qua-tai-nhon-luat-bac-giang-se-bao-cao-gi-truoc-chinh-phu-d74175.html