Để xảy ra cháy nổ: Ai phải chịu trách nhiệm?

Các vụ cháy chung cư, cháy chợ liên tiếp xảy ra trong thời gian qua, đặc biệt là vụ cháy chợ Quang (ở Hà Nội), cháy tòa nhà Carina Plaza tại TPHCM gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản khiến không ít người đặt ra câu hỏi: Trong các vụ việc này, ai là người chịu trách nhiệm?

Vụ cháy chung cư Carina, TPHCM làm 13 người chết. Ảnh: A.C

Chính quyền không thể vô can

Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát PCCC, trong quý I/2018, cả nước xảy ra 1.040 vụ cháy (trong đó, xảy ra 1.019 vụ cháy cơ sở, nhà dân và phương tiện giao thông cơ giới; 21 vụ cháy rừng) làm chết 31 người, bị thương 42 người; thiệt hại về tài sản khoảng 271,4 tỉ đồng và 22ha rừng. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ cháy giảm 241 vụ (giảm 18,8%), thiệt hại về tài sản giảm 412,47 tỉ đồng (giảm 60,3%).

Việc xác định cá nhân, tổ chức nào có trách nhiệm trực tiếp sẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra cụ thể của cơ quan chức năng. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng trách nhiệm luôn thuộc về người đứng đầu. Ý kiến này cũng đang có nhiều tranh cãi.

Về vấn đề này, trao đổi với Lao Động, TS Phạm Sỹ Liêm (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng) cho hay, thực tế cho thấy, rất nhiều chung cư không đảm bảo an toàn về PCCC mà vẫn đưa dân vào ở một cách tùy tiện. Chỉ đến khi xảy ra vụ cháy chung cư Carina làm 13 người chết, thực tế này mới được đoái hoài tới. Trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành tòa nhà, bởi họ thừa biết không đủ điều kiện an toàn vẫn đưa dân vào ở.

Trong vụ việc trên, theo ông Liêm, đó là trách nhiệm của đơn vị kiểm tra, giám sát, kiểm duyệt các yêu cầu về PCCC. Nếu công tác này được thực hiện nghiêm túc, khó có chuyện chỉ cháy tầng hầm mà thiệt hại nặng nề đến thế.

Ông Liêm nói, để việc này xảy ra, chính quyền địa phương không thể vô can trước tính mạng của người dân. Luật đã quy định UBND các địa phương phải có trách nhiệm cùng phối hợp với lực lượng cảnh sát PCCC thường xuyên kiểm tra, giám sát các điều kiện an toàn PCCC tại các công trình trên địa bàn, kiểm tra cả việc các thiết bị chữa cháy có được thay thế, bảo trì đúng thời gian hay không?...

Trách nhiệm của người đứng đầu

Thiếu tướng Hoàng Quốc Định - Giám đốc Sở PCCC Hà Nội - cho biết, trong thời gian vừa qua, đơn vị cũng đã có những kỷ luật, nhắc nhở liên quan đến những cá nhân tập thể để xảy ra cháy nổ. Tuy nhiên, lãnh đạo này không nói rõ từng trường hợp. “Mỗi lần xảy ra sự cố cháy nổ cũng là một lần nhắc nhở, cảnh báo chung cho các cơ quan quản lý, chủ đầu tư công trình, ban quản lý tòa nhà và cả người dân cần chủ động hơn nữa, nâng cao ý thức hơn nữa trong công tác PCCC” - thiếu tướng Định nói thêm.

Còn ông Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, thông qua các vụ cháy, nếu công tác phòng cháy chữa cháy tại chỗ được thực hiện một cách nghiêm túc thì không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng như vậy. Tiếp đến một nguyên nhân nữa có thể là do sự chủ quan trong thiết kế hệ thống phòng cháy chữa cháy tại các chung cư không an toàn.

Ngoài ra, theo ông Hòa, qua các vụ cháy có thể thấy công tác kiểm tra phòng cháy chữa cháy của lực lượng chức năng còn lơ là hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong kiểm tra phòng cháy chữa cháy. “Theo tôi, cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương cũng như người đứng đầu trong công tác quản lý phòng cháy chữa cháy của địa phương phải chịu trách nhiệm khi trên địa bàn mình xảy ra cháy để xử lý nhằm răn đe, phòng ngừa, cảnh báo các trường hợp khác” - ông Hòa nhấn mạnh.

Trong khi đó, luật sư Triệu Trung Dũng - Văn phòng Luật sư Triệu Dũng và Cộng sự cho biết, tùy vào tính chất mức độ và nguyên nhân gây ra hỏa hoạn, tùy vào chủ thể sẽ có những biện pháp xử lý khác nhau chứ không thể quy hết trách nhiệm vào người đứng đầu.

Đừng để xảy ra hậu quả mới truy trách nhiệm

Còn theo PGS-TS Trần Chủng (nguyên cục trưởng Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng), công tác đảm bảo PCCC tại nhà chung cư cao tầng được pháp luật quy định rất rõ. Thứ nhất, chủ đầu tư có trách nhiệm tuân thủ những quy định về công tác an toàn PCCC và thực hiện đúng các danh mục an toàn PCCC.

Để xem xét các quy định về PCCC đã có cơ quan chuyên ngành từ Sở Cảnh sát PCCC các tỉnh, thành phố phân cấp xuống quận, huyện, cơ sở, chịu trách nhiệm cũng như xem xét toàn diện những vấn đề liên quan đến an toàn PCCC.

Nếu xây dựng một chung cư cao tầng thì từ khi lập dự án cũng đã phải xin phép cơ quan PCCC thẩm định và phê duyệt. Sau khi có dự án đến thiết kế kỹ thuật, cơ quan công an phải thẩm tra, phê duyệt biện pháp cũng như phương pháp thiết kế về an toàn PCCC, lắp đặt ra sao, cửa thoát hiểm thế nào... Khi xây dựng xong chung cư, cơ quan công an có trách nhiệm và nghĩa vụ đến kiểm tra, xem xét những hạng mục công trình liên quan có đúng thiết kế thẩm duyệt ban đầu không… Khi đưa vào khai thác sử dụng, việc vận hành hệ thống PCCC phải đảm bảo tiêu chuẩn, chủ đầu tư, đơn vị khai thác vận hành tòa nhà phải có chuyên môn và được tập huấn về công tác PCCC…

Luật cũng quy định rõ việc thành lập các lực lượng chữa cháy tại chỗ, đội PCCC cơ sở. Tuy nhiên, trong thực tế, ít ai biết đến sự tồn tại của lực lượng này. Hầu như vào các tòa chung cư, chúng ta chỉ thấy có lực lượng bảo vệ. Rõ ràng, các quy định đều đã rất đầy đủ, chỉ có điều chủ đầu tư cố tình không thực hiện, cơ quan quản lý tắc trách và chính quyền thiếu kiểm tra, giám sát, không coi trọng an toàn phòng chống cháy nổ và dường như làm theo phong trào là chính. Để đến khi hậu quả xảy ra mới lại đi truy trách nhiệm liên quan.

CAO NGUYÊN - XUÂN HẢI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/de-xay-ra-chay-no-ai-phai-chiu-trach-nhiem-599352.ldo