Để vượt qua bài kiểm tra kỹ năng nghe

Năm học này, học sinh THCS tại TP.HCM phải thể hiện khả năng nghe trong các bài kiểm tra học kỳ môn tiếng Anh.

Về thực tế học tiếng Anh hiện nay, bà Phạm Thị Xuân Oanh, Tổ trưởng Tổ tiếng Anh Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết hầu như vẫn còn tập trung vào viết, ngữ pháp là chính.

Do vậy kỹ năng nghe và nói của học sinh (HS) còn khá yếu khiến các em gặp lúng túng trong các bài kiểm tra. Để làm tốt phần nghe, theo bà Xuân Oanh, trước hết HS dựa vào câu hỏi để nắm yêu cầu của bài nghe, biết điểm “chốt” chứ không cần phải nghe hiểu hết từng chữ.

Như vậy, nếu đề bài yêu cầu nêu ý tổng quát, HS nên chú ý giọng đọc, nhịp điệu, thái độ của người nói và thời gian, văn cảnh nêu trong đoạn văn để rút ra ý người nói cần truyền đạt.

Theo chia sẻ của một chuyên viên tiếng Anh, đề kiểm tra bậc THCS thường tập trung vào các câu hỏi dạng: who, what, where, when, how... Do vậy, HS khi làm bài cần định hướng cho mình một chỉnh thể nội dung liên quan. Thông thường người ra đề sẽ bám sát nội dung đã học trong SGK, sau đó thiết kế nội dung câu hỏi khác.

Chẳng hạn, cùng nội dung bài nghe nói về Tết Nguyên đán, nếu SGK yêu cầu HS làm bài về dạng câu hỏi True - False thì đề kiểm tra có thể biến tấu với câu hỏi về thời gian...

Muốn nghe tốt thì cần chuẩn bị vốn từ tốt, là khẳng định của mọi giáo viên tiếng Anh. Một giáo viên của Trường THCS Võ Trường Toản (Q.1) chỉ rằng, ngoài việc mỗi ngày nên biết 5 - 10 từ vựng thì HS nên đọc những đoạn văn, lưu ý lại những cụm từ. Ở lớp 6, lớp 7, bài nghe khá đơn giản nhưng lên đến lớp 8 và 9 thì bài nghe sẽ mở rộng vốn từ khá nhiều.

Bà Xuân Oanh hướng dẫn HS nên dành thời gian luyện nghe hằng ngày. Có như vậy sẽ luyện cho HS khả năng hiểu ngữ cảnh, phán đoán nội dung qua giọng đọc...

Về phía gia đình, các giáo viên cũng cho biết phụ huynh có thể tra cứu trên mạng để tìm ra những bài nghe phù hợp cho từng khối lớp, hướng dẫn và khuyến khích HS phát triển câu hỏi mở rộng, đặt tình huống giả định...

Cấu trúc đề kiểm tra môn tiếng Anh

Sở GD-ĐT TP.HCM quy định cấu trúc đề như sau: HS làm bài trong vòng 60 phút với 70% câu hỏi trắc nghiệm và 30% câu hỏi tự luận. Đề thi bao gồm các phần: nghe (băng hoặc đĩa hoặc giáo viên đọc trong vòng 6 - 9 phút); từ vựng (trắc nghiệm); ngữ pháp (trắc nghiệm); đọc hiểu (trắc nghiệm); viết (tự luận đổi câu hoặc viết có gợi ý).

Bích Thanh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/de-vuot-qua-bai-kiem-tra-ky-nang-nghe-637409.html