Để việc học đi vào thực chất

Ngày 2/3/2021, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư.

Theo đó, dự thảo không đưa chứng chỉ ngoại ngữ, tin học vào tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, mà chỉ quy định về năng lực sử dụng. Như vậy, không chỉ có viên chức, mà các công chức cũng sắp "thoát" khỏi các yêu cầu chứng chỉ này.

Hãy để công chức, viên chức tự học khi công việc bắt buộc phải biết, chứ những người ngồi làm việc trong cơ quan hành chính là điển hình công chức cấp quận, huyện, phường, xã và kể cả ở một số vị trí ở các bộ, ngành có mấy khi dùng đến ngoại ngữ đâu mà cứ bắt phải có chứng chỉ?...

Rất nhiều ý kiến đồng tình bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ là phù hợp trong bối cảnh hiện nay, vì chi phí thi lấy chứng chỉ đã làm lãng phí tiền của, là nguyên nhân xảy ra nhiều tiêu cực trong việc mua, bán các loại "giấy thông hành" này.

Minh họa của ĐAN.

Minh họa của ĐAN.

Biết rằng cán bộ trong thời kỳ hội nhập quốc tế không thể thiếu kiến thức tin học và ngoại ngữ, nhưng một số tiêu chuẩn cứng nhắc, không thay đổi trong một thời gian dài đã làm cho công chức, viên chức khổ sở; trong khi xã hội cần kiến thức thực chất, giúp giải quyết công việc nhanh và hiệu quả hơn, chứ không phải là tờ giấy để làm đẹp hồ sơ và nhằm vượt qua các "cửa ải" tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức...

Giáo dục của Việt Nam liên tục đổi mới theo xu hướng ngày càng mở rộng tri thức, không ngừng tiếp cận với thế giới. Để nhằm thu hẹp khoảng cách về trình độ, tiếp cận khoa học tiên tiến, chúng ta rất cần có kiến thức về ngoại ngữ, tin học để nhanh chóng hội nhập và phát triển. Bởi vậy, chúng ta cần phải chuẩn hóa, hoàn thiện quá trình đào tạo cho học sinh, sinh viên ngay từ lúc ngồi trên ghế nhà trường.

Một câu hỏi lớn được đặt ra là con em chúng ta có 12 năm học phổ thông đều được học ngoại ngữ, tin học cộng với ít nhất là có thêm 3 đến 4 năm học cao đẳng, đại học. Vậy thì tại sao trình độ ngoại ngữ, tin học vẫn không đủ đáp ứng cho nhu cầu công việc?

Thật nực cười, học 15 đến 16 năm còn chẳng đọc thông, viết thạo ít nhất một ngoại ngữ và không thành thạo kỹ năng về tin học. Ấy vậy mà chỉ cần bỏ từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng để theo một khóa đào tạo ngắn hạn khoảng 6 tháng là có ngay một tờ chứng chỉ "đỏ", đủ để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng…

Chuẩn đầu ra trong đào tạo sẽ giúp chúng ta loại bỏ dần những loại "giấy phép con" kiểu này đang gây lãng phí cho cả cá nhân và xã hội, trong khi chúng ta rơi vào vòng luẩn quẩn suốt đời đi học bổ sung kiến thức để chuẩn hóa điều kiện.

Thế giới đã quản lý theo kết quả từ rất lâu rồi, vấn đề là công việc đạt được cái gì chứ không phải anh có bằng cấp, chứng chỉ gì. Việt Nam cũng đang tiến hành cải cách chế độ công vụ, công chức là tiến hành xác định vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Như vậy, tùy theo vị trí việc làm mà định ra tương ứng các yêu cầu, năng lực, trình độ cho người làm việc ở vị trí đó, loại bỏ những công chức, viên chức không đáp ứng yêu cầu công việc, góp phần thực hiện tinh giản biên chế và từ đó sẽ xuất phát nhu cầu tự thân, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì phải tự học hỏi để nâng cao trình độ.

Xóa bỏ qui định về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học là đúng, dù có muộn màng, cái nào thấy không phù hợp thì nên bỏ và quan trọng nhất là phải kiên quyết bỏ tư duy bằng cấp, để có tư duy thực tế, chọn được người thực tài, thực có trình độ, chứ đừng nhìn vào tờ giấy ghi trình độ này kia mà cho rằng người đó có trình độ đó.

Chỉ cần giao nhiệm vụ cho cán bộ công chức, bắt buộc họ phải làm được và làm tốt, nếu không cắt hợp đồng thì họ phải biết mình sẽ làm gì, phải biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo để đáp ứng tốt yêu cầu công việc được giao.

Thay cho việc nhiều cán bộ đôn đáo để có được tờ chứng chỉ và khi có rồi là yên tâm hoàn toàn vì chứng chỉ đã trở thành "tấm khiên" che chắn cho họ yên tâm công tác và thăng tiến, thì sắp tới không ít cán bộ phải nghĩ đến việc cất những tờ giấy "đỏ" ấy đi, để học thực chất, làm thực chất, chứng minh khả năng thực tế của mình. Như thế mới là công bằng, con đường đi giúp chúng ta thực sự hội nhập quốc tế và hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cù Tất Dũng

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/de-viec-hoc-di-vao-thuc-chat-633484/