Để văn hóa dân gian được bảo tồn và phát huy

Quảng Ninh có 30 người được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, 1 người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân. Hiện tỉnh đang đẩy nhanh lộ trình hoàn thiện, thông qua 17 hồ sơ nghệ nhân tiếp theo để đệ trình Chính phủ công nhận.

Từ vốn tri thức, kỹ năng văn hóa dân tộc quý báu, từ tình yêu và ý thức trách nhiệm cá nhân, các nghệ nhân đều đã và đang ngày ngày cống hiến vốn tri thức, hiểu biết, tài năng của mình cho cộng đồng, đồng thời truyền dạy cho thế hệ kế cận. Đây là một trong những điều kiện cần thiết để Quảng Ninh gìn giữ, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa dân gian trên địa bàn.

Bình Liêu là một trong những địa phương làm tốt công tác phát hiện, khuyến khích tài năng của các nghệ nhân, ngược lại cũng là mảnh đất mà cống hiến của đội ngũ nghệ nhân để lại nhiều dấu ấn. Toàn huyện có 5 nghệ nhân, hầu hết đều liên quan đến vốn văn hóa then của người Tày, đó là hát then, nghi lễ then, nhạc cụ phục vụ biểu diễn then… Theo rà soát của huyện Bình Liêu, hiện những người trẻ biết hát, hiểu và yêu then cổ đã được nhân rộng, con số gấp 5-7 lần đội ngũ nghệ nhân then hiện nay. Trong hầu hết các lễ hội diễn ra tại Bình Liêu luôn có sự hiện diện của then. Then Bình Liêu còn là “vốn liếng”, như một nét riêng để huyện này tham gia các sân chơi văn hóa, văn nghệ dân gian cấp tỉnh, cấp khu vực.

Nghệ nhân ưu tú Lê Đức Chắn, phường Phong Hải, TX Quảng Yên với mô hình thuyền buồm của mình.

Nghệ nhân ưu tú Lê Đức Chắn, phường Phong Hải, TX Quảng Yên với mô hình thuyền buồm của mình.

Tại TP Hạ Long, các nghệ nhân Dao Thanh Y là những người nắm giữ nét văn hóa Dao phong phú, từ nghi lễ, chữ viết, tiếng nói, văn hóa ẩm thực, văn nghệ dân gian đến nghề truyền thống... Trung tâm bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y xã Bằng Cả được TP Hạ Long duy trì trong cả chục năm qua, một trong những mục đích đầu tiên chính là nơi để các nghệ nhân Dao biểu diễn, trình diễn và truyền dạy vốn văn hóa, tri thức dân gian của mình. TP Hạ Long chi kinh phí để tổ chức các lớp học văn hóa dân gian, sưu tầm các vật dụng, trang phục truyền thống Dao, bảo tồn các ngôi nhà ở nguyên mẫu của người Dao...

Mặc dù đã đạt kết quả khá đáng mừng, tuy nhiên công tác chăm lo, phát huy giá trị của đội ngũ nghệ nhân tỉnh Quảng Ninh hiện nay đang gặp không ít khó khăn. Đầu tiên là việc thiếu và yếu các nguồn kinh phí hỗ trợ, khuyến khích các nghệ nhân chuyển tải, truyền dạy kỹ năng của mình cho thế hệ sau, cũng như thiếu kinh phí để tổ chức các lớp học, chương trình đào tạo một cách tổng thể, dài hơi về văn hóa dân gian thông qua phương thức truyền dạy trực tiếp từ các nghệ nhân. Tồn tại này đã và đang ảnh hưởng đến hiệu quả phát huy giá trị của các nghệ nhân trong cộng đồng.

Thực tế, hiện nay mặc dù các nghệ nhân Quảng Ninh vẫn đang miệt mài truyền dạy những kỹ năng của mình cho thế hệ sau, tuy nhiên đều trên tinh thần tự nguyện và trách nhiệm cá nhân là chính, chứ chưa có chính sách, chế độ đãi ngộ thỏa đáng. Ngay cả kinh phí hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa dân gian cũng là phụ thuộc vào kinh phí xã hội hóa, trong khi các câu lạc bộ vốn là môi trường để văn hóa dân gian phát triển, là địa điểm để nghệ nhân truyền dạy hay thế hệ kế cận học, tập luyện, biểu diễn và trình diễn.

Thiết nghĩ đã đến lúc cần phải có những chính sách phù hợp, kịp thời chăm lo, phát huy giá trị của các nghệ nhân, những người giữ hồn văn hóa dân gian trên địa bàn.

Việt Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202010/de-van-hoa-dan-gian-duoc-bao-ton-va-phat-huy-2503485/