Đề văn đầu năm khiến trò bật khóc, phụ huynh sụt sùi

44 lá thư là những lời tâm sự mộc mạc, những cảm xúc buồn vui, những mất mát, suy nghĩ của các học sinh lớp 10 đã được cô giáo gửi cho bố mẹ các em trong buổi họp phụ huynh đầu năm.

“Con tưởng tượng mình sẽ viết một lá thư gửi đến cho Ba, Mẹ của mình để nói những điều mình muốn nói. Thang điểm cho đề bài này là cảm xúc thật nhất của các con”.

Đây là đề bài do cô Trần Thị Quỳnh Anh, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A13, Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP.HCM) ra cho học sinh trong một tiết học văn mà cô bật nhạc không lời cho các em nghe.

Những lá thư có kèm dòng chia sẻ của ba mẹ được gửi lại cho các em học sinh vào ngày thứ Hai đầu tuần. Ảnh: QA

Nếu không nói ra, làm sao biết...

Nói về lý do ra đề văn này, cô Quỳnh Anh cho hay: “Lúc cầm hồ sơ của các em, tôi thấy có nhiều trường hợp để khuyết tên ba, mẹ nên muốn tìm hiểu tâm tư các em như thế nào. Tôi phát hiện có nhiều em bố mẹ không cùng sống với nhau khiến các em bị tổn thương nên muốn lắng nghe câu chuyện của các em”.

“Hơn nữa, ngày xưa đi học tôi cũng thèm được gần gũi, tâm sự với cô giáo mình nhưng không được. Đây cũng là cách để tôi biết được tâm tư của học trò mình sau những giờ lên lớp. Tôi nghĩ tụi nhỏ chắc cũng cần một người để tâm sự nên muốn các em xem cô giáo như người bạn của mình. Nếu không nói ra, làm sao biết...” - cô Quỳnh Anh tâm sự về lý do bản thân muốn ra đề văn này.

Cô kể, lúc đầu các em la ó bảo không thể viết được. “Sến lắm cô ơi, các em nháo nhào lên còn tôi chỉ im lặng, để mặc các em cùng lời nhạc. Lúc đó tôi nghĩ chắc là các em sẽ viết bằng sự gượng ép, sáo rỗng nữa rồi” - cô Quỳnh Anh nhớ lại.

“Nhưng được phân nửa thời gian, bên dưới lớp có tiếng sụt sùi đâu đó. Đến khi chấm bài, tôi cũng sụt sùi trước những dòng tâm sự của các em. Tôi cảm thấy may mắn vì đang được đọc những “bài tập làm văn” chân thành và đầy cảm xúc” - cô nói.

Trong những trang viết, lũ học trò mà cô vẫn hay gọi là “dê hồng” luôn tinh nghịch quậy phá, chọc ghẹo rồi cười đùa với nhau bỗng trở nên sâu sắc, trưởng thành hơn bao giờ hết.

Một học sinh viết gửi cho người mẹ ở nơi xa: “Chắc ở nơi đó mẹ cũng vui vì nhìn thấy con hạnh phúc và con trưởng thành hơn. Cũng lâu rồi con không lên thắp hương cho mẹ, con thật có lỗi. Sống ở đây con được ba lo cho đầy đủ nhưng đôi khi con lại muốn cảm giác được mẹ chăm sóc... Con vẫn chưa nói CON YÊU MẸ. Đây là điều hối tiếc trong cuộc đời con nhưng con biết mẹ sẽ hiểu được tấm lòng của con...”.

Một bạn khác thì gửi gắm đến bố mẹ: “Con rất thương gia đình. Nhưng con lại không giỏi diễn đạt tình thương bằng giọng nói nên đừng nói con vô tâm nha”...

Hình ảnh những cô cậu học trò lớp 10A13 háo hức mở phong thư để xem chia sẻ của ba mẹ mình. Ảnh: QA

Tấm lòng của những người làm cha, làm mẹ gửi con của mình được dán ngay ngắn ở một góc lớp học để làm động lực cho các em. Ảnh: QA

Chọn thất hứa với học trò

Dù đã hứa với học trò sẽ không đưa cho ba mẹ xem những lá thư mà các em đã viết nhưng khi đọc thư, cô Quỳnh Anh lại muốn phụ huynh đọc được những dòng này. Cô không muốn buổi họp phụ huynh đầu năm chỉ xoay quanh chuyện tiền bạc nên đã thất hứa với học trò, đưa cho bố mẹ đọc lá thư của các em.

Trong từng lá thư gửi cho bố mẹ, cô lấy băng keo che đi những phần tâm tư mà các em muốn giữ riêng cho mình, kẹp vào đó tấm hình của các em trong bộ đồng phục mới, kèm tờ giấy nhỏ để họ viết vào đó những tình cảm, lời nhắn nhủ dành cho các con. “Tôi thấy những người bố trầm ngâm đọc rất lâu nhưng họ không khóc như người mẹ. Có người thì không khóc nhưng đến cuối giờ đến tâm sự với tôi” - cô Quỳnh Anh nhớ lại không khí buổi họp phụ huynh vào cuối tuần qua.

Đến sáng thứ Hai, các học sinh lớp 10A13 nhận được những lời chúc, lời nhắn nhủ của bố mẹ từ cô giáo. Những lá thư này được cô đính ở tấm bảng cuối lớp với mong muốn các em hiểu được rằng ba mẹ sẽ luôn ở sau các em, cùng các em cố gắng. “Tôi biết mình thất hứa với các em, chắc sẽ phải nói lời xin lỗi vì đã không làm đúng như ban đầu. Chắc tụi nhỏ sẽ tha thứ cho tôi chứ nhỉ?” - cô Quỳnh Anh nói.

Nhưng cô không biết, lũ học trò của cô lại thầm cảm ơn cô giáo của mình vì đề văn này. Cô học trò với lá thư khiến cô giáo khóc nhiều nhất nói: “Con chưa bao giờ có cơ hội để nói với ba mẹ những điều con nghĩ cả, vì ba mẹ không còn sống với nhau nữa. Chính cô là người cho con cơ hội được nói ra trên trang giấy và con cảm thấy rất nhẹ lòng. Con vừa trách vừa thương ba mẹ nhưng chưa bao giờ thổ lộ ra bên ngoài, giờ thì con nói được rồi”. Mi còn nói, lá thư của em không đến được tay ba mẹ vì hôm đó họ không đi họp phụ huynh nhưng chính cô giáo là người thay ba mẹ em viết phần phản hồi khiến em rất xúc động.

Còn cô bé lớp phó học tập Nhật Minh thì cười: “Ban đầu cô bảo không đưa cho ba mẹ xem nên con viết hết vào đó những bức xúc, suy nghĩ của con về việc chọn trường học sau này.

Ba muốn con đi theo ngôi trường ba chọn nhưng con không thích, nhiều lần con cũng nói nhưng cảm giác là con và ba mẹ không thể hiểu nhau. Đề văn của cô cho con cơ hội viết ra hết tất cả suy nghĩ của mình, con thấy thật thoải mái. Khi lá thư đến tay bố mẹ, bố nói rằng sau này có chuyện gì hãy chia sẻ với bố nhiều hơn. Con thấy vui vì điều đó”.

Cô giáo của " Hũ kẹo yêu thương "

Cô Trần Thị Quỳnh Anh chính là tác giả của ý tưởng Hũ kẹo yêu thương đặt giữa lớp học để học sinh tự bỏ kẹo vào hay lấy kẹo ra trong những tình huống san sẻ niềm vui, nỗi buồn hay là một lời cảm ơn, xin lỗi.

Năm 2017, cô là một trong những giáo viên Việt Nam tham dự Diễn đàn Giáo dục toàn cầu Microsoft tổ chức tại Canada. Tại diễn đàn, cô Quỳnh Anh đạt được những giải thưởng đặc biệt về ứng dụng công nghệ trong dạy học.

Năm 2016, dự án học văn “Tôi yêu tiếng nước tôi” của cô Quỳnh Anh là dự án đoạt giải Nhất tại Chung kết hội thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin cấp quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức.

THANH TUYỀN

Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/de-van-dau-nam-khien-tro-bat-khoc-phu-huynh-sut-sui-794806.html