Đề tuyển sinh lớp 10 theo hướng không học thêm

Trước thông tin Hà Nội sẽ thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 theo phương thức hoàn toàn mới, đó là thay vì thi 2 môn Ngữ văn và Toán như hiện nay, thí sinh sẽ phải thi 3 bài thi, với ít nhất 6 môn học liên quan.

Công bố này khiến nhiều phụ huynh và học sinh băn khoăn liệu việc thi nhiều môn như vậy có tạo ra áp lực lớn với thí sinh, đồng thời có thể dẫn tới dạy thêm, học thêm tràn lan.

Công bằng với mọi học sinh

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, cách tuyển sinh lớp 10 cũ đã phát sinh những việc cần thay đổi, đó là tạo nên hiện tượng học lệch các môn, chưa đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện ở bậc THCS. Với phương án thi mới, trong đó có 2 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn) và 1 bài thi tổ hợp (tổ hợp 1 gồm Ngoại ngữ, Vật lí, Lịch sử, Giáo dục công dân; tổ hợp 2 gồm Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học, Sinh học) sẽ tạo sự công bằng với mọi học sinh.

Học sinh Trường THPT Chu Văn An đón năm học mới (Ảnh minh họa).

Lý giải về vấn đề này, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Hiện nay không có trường THPT phân ban và học sinh THCS vẫn đang học theo yêu cầu toàn diện. Đó cũng là lý do học sinh không được lựa chọn tổ hợp thi như kỳ thi THPT quốc gia khi đã có định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Chính vì vậy cần có sự đan xen để khách quan, công bằng nhất với học sinh. Tránh như việc bốc thăm, nếu vào toàn môn tự nhiên, các học sinh có năng khiếu khoa học xã hội sẽ thiệt thòi và ngược lại.

Mặt khác, sẽ tạo ra sự mất cân bằng trong nhà trưởng bởi ví dụ như thi toàn môn tự nhiên, nghiễm nhiên các trường năm đó sẽ đầu tư nhiều vào những môn học này; năm sau thi vào môn khác, trường lại phải điều chỉnh giáo viên, như vậy không tạo nên độ ổn định.

Trước đây, nghĩ tới việc giảm tải cho học sinh nên các em chỉ thi môn Ngữ văn và Toán nhưng thực tế nhiều năm nay, việc chỉ thi 2 môn trong kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội được đánh giá căng thẳng hơn thi đại học. Không ít học sinh phải ra sức học thêm bởi chỉ 60% học sinh được vào trường công lập, tỷ lệ chọi của một số trường cao hơn đại học tốp đầu cả nước, ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội chia sẻ.

Do đó, với phương án thi mới, đề thi sẽ chỉ yêu cầu học sinh học từ chăm chỉ những bài học trong chương trình, sách giáo khoa THCS, chủ yếu là chương trình lớp 9 hiện hành là có thể làm bài tốt mà không cần phải đi học thêm, dạy thêm, giải quyết hài hòa bài toán mà xã hội lo lắng giữa thi cử và học thêm tràn lan.

Nói về việc thi tổ hợp nào sẽ được công bố vào cuối tháng 3 hằng năm, ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, sẽ không tạo áp lực cho thí sinh bởi ngay từ khi Bộ GD-ĐT triển khai phương án thi THPT quốc gia có bài thi tổ hợp, Sở GD-ĐT Hà Nội đã chủ động chỉ đạo triển khai ở các cấp THPT và THCS, đưa vào giảng dạy, định hướng cho học sinh làm quen với hình thức thi mới. Hiện nay, ở trường THCS, trong các bài kiểm tra định kỳ cũng đã cho học sinh làm quen với thi trắc nghiệm khách quan.

Chia sẻ thêm về đề thi tổ hợp, ông Lê Ngọc Quang cho biết, đề thi có phần riêng cho từng môn, nhưng cũng có thể có phần tích hợp liên môn. Liên môn hoàn toàn không mới, việc này đã được triển khai trong các nhà trường.

Dự kiến chúng tôi sẽ công bố đề thi minh họa vào tháng 9-2018, khi bắt đầu vào năm học mới, ông Lê Ngọc Quang cho biết thêm.

Buộc học sinh học toàn diện

TS Nguyễn Tùng Lâm, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, việc tổ chức phương thức thi mới là phù hợp với tình hình hiện nay, bởi hình thức thi này buộc học sinh học toàn diện, rèn khả năng tư duy và trình độ ngoại ngữ cho các em.

Đổi mới thi sẽ đổi mới cách dạy, cũng như đổi mới tư tưởng của học sinh là chỉ chăm chăm vào việc thi gì học đó, coi thường môn không thi. Các em học chỉ để thi chứ không phải để phát triển toàn diện, TS Nguyễn Tùng Lâm nhận xét và tin tưởng phương thức thi mới sẽ khiến học sinh phải học đều, không thể trông chờ vào học thêm.

Đổi mới phương thức thi vào 10 cũng là trăn trở của các trường trong nhiều năm nay, bởi khi trường tiếp nhận học sinh, điểm thi đầu vào rất cao, nhưng khi làm những bài kiểm tra của môn không thi, có những kiến thức rất cơ bản học sinh cũng không nắm được. Điều này tạo nhiều vất vả cho các giáo viên phổ thông, ông Nguyễn Thiết Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) chia sẻ.

Ông Nguyễn Thiết Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (Hà Nội)

Bày tỏ sự đồng tình với phương thức thi mới, ông Nguyễn Thiết Sơn khẳng định trường THPT hiện nay vẫn dạy theo chương trình đại trà với yêu cầu phát triển toàn diện, vì vậy yêu cầu học sinh học đều các môn là hợp lý. Việc công bố tổ hợp thi vào cuối tháng 3 không phải quá muộn bởi các trường đã có thời gian chuẩn bị. Mặt khác, kiến thức thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9, nên tổ hợp thi không bị ảnh hưởng nhiều.

Cùng chung ý kiến, bà Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, học sinh sẽ không còn quan niệm môn chính và môn phụ, phải tập trung học các môn. Đồng thời, vai trò của môn ngoại ngữ được nhấn mạnh bởi đều xuất hiện ở cả 2 tổ hợp thi. Học sinh cũng không thể né tránh được việc phải học tốt môn ngoại ngữ bởi môn này xuất hiện ở cả 2 tổ hợp thi.

Trên cương vị một lãnh đạo, bà Vương Hương Giang, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm cho biết, sắp tới sẽ yêu cầu các trường trong quận sắp xếp lại đội ngũ sao cho hiệu quả nhất, mang lại lợi ích nhất cho học sinh.

Cùng với đó, Phòng sẽ chỉ đạo biên soạn bộ đề theo định hướng của Sở; có giải pháp thiết thực, vừa động viên, vừa khích lệ vừa giao nhiệm vụ cho mỗi thầy cô giáo để phát huy được năng lực của học trò; bám sát định hướng của sở để triển khai hiệu quả nhất cho học sinh.

Việc thay đổi phương thức thi phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tránh việc học lệch, mất kiến thức căn bản của học sinh. Phương án thi mới đã tiệm cận dần với kỳ thi THPT quốc gia, do đó kế hoạch dạy học cũng không thay đổi nhiều, bà Vương Hương Giang nhận xét.

Bài, ảnh: THU HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/de-tuyen-sinh-lop-10-theo-huong-khong-hoc-them-535987