Để trục lợi chính sách, người nghèo không muốn thoát nghèo

Tại Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã thảo luận, cho ý kiến Báo cáo của Chính phủ về kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 (NQ76) 'Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020'. Qua đánh giá của các đại biểu, việc thực hiện NQ76 tuy đã đạt một số kết quả nhất định, nhưng kết quả giảm nghèo vẫn chưa bền vững, còn nhiều bất cập trong thực hiện, có còn hiện tượng một số đối tượng cố tình trục lợi chính sách không muốn thoát nghèo, ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu giảm nghèo bền vững đã được QH thông qua.

Do chính sách hỗ trợ bằng hình thức bao cấp, khiến nhiều người nghèo ỷ lại, không muốn thoát nghèo. Ảnh: Danh Anh

Do chính sách hỗ trợ bằng hình thức bao cấp, khiến nhiều người nghèo ỷ lại, không muốn thoát nghèo. Ảnh: Danh Anh

Giảm nghèo chưa bền vững

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đến nay, nhiều mục tiêu đã đạt, vượt tiến độ. Giai đoạn 2015-2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59%/năm, vượt so với mục tiêu đề ra từ 1-1,5%/năm.

Dự tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ nghèo cả nước còn dưới 6%, đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 4%. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, việc chuyển đổi phương thức từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có điều kiện triển khai còn chậm. Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh lớn, bằng 22,98% so với tổng số hộ thoát nghèo, vì nhiều nguyên nhân như tách hộ hay hậu quả do thiên tai, lũ lụt gây ra.

Đưa ra dẫn chứng về giảm nghèo chưa thực sự bền vững, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thúy Anh phân tích: Đến tháng 3-2018, có 8/64 huyện 30a thoát nghèo; 14/30 huyện hưởng cơ chế theo Nghị quyết số 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn, nhưng lại bổ sung 29 huyện vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018-2020.

Đặc biệt, 12 tỉnh có tỷ lệ tái nghèo tăng từ 0,03% trở lên, trong đó có cả một số tỉnh điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi. Nhiều huyện ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỷ lệ hộ nghèo vẫn trên 50%, thậm chí trên 60%; khoảng cách giàu - nghèo gia tăng, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 2/5 mức thu nhập bình quân của cả nước, nhất là vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. Đặc biệt, số gia đình có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo chiếm tới 1,8% hộ nghèo cả nước (30.012 hộ).

“Phấn đấu” để được nghèo

Thảo luận Báo cáo của Chính phủ, các đại biểu đề nghị, cần đánh giá thêm một số nguyên nhân chủ quan như tình trạng không muốn thoát nghèo để được hưởng các chính sách có tính chất bao cấp; chưa kịp thời chuyển đổi chính sách để khắc phục sự ỷ lại của một bộ phận hộ nghèo; hiệu quả của việc nhân rộng các mô hình sinh kế còn hạn chế... Ngoài ra, mức vay, lãi suất, thời hạn cho vay chưa phù hợp đối với một số ngành nghề sản xuất và một số vùng trồng cây công nghiệp; chưa kết nối sản xuất với thị trường hàng hóa, một bộ phận người nghèo sử dụng vốn vay chưa đúng mục đích, chưa hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho rằng: “Chúng ta đã đưa ra khỏi danh sách 8 huyện thoát nghèo, 14 huyện khó khăn, nhưng lại bổ sung 29 huyện nghèo mới. Số huyện nghèo phát sinh cao hơn số huyện thoát nghèo, dẫn đến tình trạng người nghèo, không muốn thoát nghèo. Nếu để tình trạng này kéo dài, dù Nhà nước có nỗ lực đến mấy thì cũng khó thực hiện mục tiêu thoát nghèo bền vững”.

Nhiều đại biểu cho rằng, tình trạng “phấn đấu” để trở thành xã nghèo, huyện nghèo vẫn còn, trong khi cả hệ thống chính trị đều vào cuộc quyết liệt, tập trung chăm lo giảm nghèo nhưng số huyện nghèo cơ bản không giảm. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga đề nghị làm rõ những nguyên nhân để từ đó mới có giải pháp phù hợp.

“Việc phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương, địa phương chưa tốt, chưa đánh giá đúng thực trạng và đưa ra nguyên nhân cụ thể, không có ai đứng ra chịu trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của chương trình giảm nghèo. Trong thời gian qua, đã có tình trạng trục lợi trong chính sách giảm nghèo, nhưng việc kiểm tra, phát hiện và xử lý còn rất hạn chế” - Đại biểu Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Theo Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc, một nghịch lý đang tồn tại ở nước ta, người dân vinh dự khi gia đình mình thuộc diện hộ nghèo, không muốn thoát nghèo. Nguyên nhân của tình trạng này do chưa kịp thời chuyển đổi chính sách, việc bình chọn hộ nghèo đang mang tính hình thức, các chính sách mang tính bao cấp khiến một bộ phận người nghèo ỷ lại, trông chờ, không có sự phấn đấu vươn lên.

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tỷ lệ hộ nghèo tăng nhanh do nhiều vùng bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão lũ. Tình trạng tách hộ dẫn đến nhiều người già sống độc lập, không có thu nhập và lại trở thành hộ nghèo. Thậm chí có địa phương đã thoát nghèo, nhưng cán bộ chủ trì tìm cách “xin được nghèo” trở lại để hưởng chính sách.

Tỷ lệ hộ nghèo nhiều vùng dân tộc thiểu số vẫn còn trên 50%. Ảnh: Danh Anh

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn, đất nước đã độc lập, thống nhất được 43 năm, nhưng vẫn còn 1,8% hộ nghèo thuộc đối tượng người có công, gia đình chính sách trong cả nước. Phải ưu tiên, có trách nhiệm chăm lo, hỗ trợ 30.012 hộ người có công với cách mạng thoát nghèo, đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cần tập trung thực hiện. Dẫn chứng số hộ nghèo phát sinh trong năm 2017 của tỉnh Thái Bình là 2.506 hộ, trong khi cả tỉnh Lai Châu chỉ có 1.581, Nam Định có tới 3.738 hộ, trong khi tỉnh Hà Giang chỉ có 2.900 hộ, theo Chủ tịch QH đây là những con số bất hợp lý.

“Cần phân tích để thấy rõ là do chính sách hay sự quan tâm của các địa phương chưa tới mức? Trong 2 năm tới, các bộ, ngành Trung ương và địa phương phải có giải pháp tập trung giải quyết các chính sách, làm rõ những hạn chế trong phân bổ nguồn lực, hỗ trợ có điều kiện, tín dụng ưu đãi... nhằm thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững” - Chủ tịch QH yêu cầu.

Danh Anh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/de-truc-loi-chinh-sach-nguoi-ngheo-khong-muon-thoat-ngheo