Để trí thức trở về 'bền vững'

Khi nói đến 'phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao', chúng ta thường nói ngay đến chuyện làm sao để các trí thức được đào tạo bài bản ở nước ngoài có thể về nước, phát huy được năng lực, đóng góp cho tổ chức và quốc gia, đồng thời có được thu nhập, đãi ngộ tương xứng. Nói nôm na, đó là câu trả lời cho câu hỏi đã được lặp đi lặp lại nhiều năm qua: 'Làm sao ngăn được vấn đề chảy máu chất xám?'.

Đừng để lãng phí và "chảy máu chất xám"1

“Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu” là sáng kiến của Trung ương Đoàn, nhằm tạo ra một kênh kết nối giữa các trí thức trẻ, đang học tập, nghiên cứu, giảng dạy và công tác trong và ngoài nước. 2019 là năm thứ 2 diễn đàn được tổ chức, với chủ đề “"Trí thức trẻ Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước" được tổ chức tại Hà Nội trong 3 ngày, từ 26 đến 28 tháng 11 vừa qua. Tôi tham gia diễn đàn lần này với tư cách đại biểu trong nước và được Ban tổ chức giao nhiệm vụ trong ban thư ký của chủ đề 01 (trong 4 chủ đề) của diễn đàn, có tên gọi “Các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Khi nói đến “phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”, chúng ta thường nói ngay đến chuyện làm sao để các trí thức được đào tạo bài bản ở nước ngoài có thể về nước, phát huy được năng lực, đóng góp cho tổ chức và quốc gia, đồng thời có được thu nhập, đãi ngộ tương xứng. Nói nôm na, đó là câu trả lời cho câu hỏi đã được lặp đi lặp lại nhiều năm qua: “Làm sao ngăn được vấn đề chảy máu chất xám?”.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ hai 2019. Ảnh: Xuân Tùng.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ hai 2019. Ảnh: Xuân Tùng.

Tại diễn đàn, hẳn nhiên là chúng tôi cũng đã thảo luận rất nhiều về câu hỏi kể trên. Kết quả là, tôi, cũng như nhiều đại biểu tại diễn đàn đều đồng ý rằng việc “đi - ở” trong bối cảnh hiện nay, thực tế là không quá quan trọng nữa. Điều đó nghĩa là, “đi” không có nghĩa là không đóng góp được cho quê hương; “về” chưa hẳn đã tốt cho bản thân trí thức và cũng chưa chắc đã đóng góp được nhiều hơn khi “đi”.

Dù vậy, chúng tôi cũng thống nhất với nhau rằng, đối với một số trường hợp nhất định, việc “về” là cần thiết, thậm chí là bắt buộc, ví dụ:

- Những người không thể kiểm được việc làm ở nước ngoài. Với độc giả trong nước, điều này có thể hơi lạ lẫm, bởi chúng ta thường nghe kể rất nhiều về các trí thức Việt thành công ở nước ngoài. Nhưng thực tế, số lượng người, mặc dù vẫn học hành rất bài bản nhưng không thể tìm được việc làm phù hợp cũng rất nhiều, thậm chí là nhiều hơn số lượng người thành công nhiều lần.

- Những người về nước thì có khi lại dễ phát triển sự nghiệp hơn so với ở nước ngoài. Tương tự như ví dụ trên, hẳn là sẽ có nhiều độc giả cảm thấy khó hiểu với nhận định này. Nhưng một lần nữa, điều này lại rất thực tế. Những người làm việc trong lĩnh vực y tế công cộng hay biến đổi khí hậu, nếu về nước thì có khi cơ hội phát triển nghề nghiệp ít nhất là bằng hoặc có khi còn lớn hơn so với ở nước ngoài. Bởi ai cũng biết, Việt Nam luôn được xem là điểm nóng đối với 2 lĩnh vực kể trên.

- Những người vì hoàn cảnh gia đình (là con một trong gia đình, vợ hoặc chồng không thể/không muốn bỏ việc trong nước để ra nước ngoài định cư) buộc phải về nước.

Trước và sau khi diễn đàn diễn ra, tôi đã có dịp gặp và trò truyện với những người có ý định trở về, thuộc cả 3 nhóm kể trên. Một số người chủ động tìm gặp tôi cũng để nghe chia sẻ kinh nghiệm vì dù sao, tôi cũng đã về trước họ một thời gian.

Trong phần tiếp theo, tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm và trao đổi với những trí thức có ý định trở về kể trên. Những nội dung này, trước tiên xuất phát từ chính trải nghiệm trở về của bản thân; bên cạnh đó, một số cũng xuất phát từ quan sát đối với các trường hợp trở về khác mà tôi biết. Phần chia sẻ này chủ yếu dành cho những người cũng lĩnh vực với tôi (nghiên cứu/giảng dạy), mặc dù vậy, một số nội dung cũng có thể phù hợp với những người thuộc lĩnh vực khác.

Thứ nhất, hãy cởi bỏ danh xưng “trí thức”

Xã hội thường gán cho những người học hành bài bản, có bằng thạc sĩ, tiến sĩ trở về là “trí thức”, thậm chí có người còn gọi là “tài năng”. Điều này thực ra rất có hại, dễ làm ta chủ quan và không xác định đúng tâm thế khi về nước làm việc. Điều này bởi mấy nhẽ. Một là, công việc nào thì yêu cầu bằng cấp, chứng chỉ đó.

Có những việc chỉ cần bằng đại học (nhân viên hành chính, kỹ sư...), có những việc chỉ cần chứng chỉ hay giấy phép hành nghề; còn với nghề giảng dạy, nghiên cứu, bằng cấp tối thiểu là thạc sĩ, tiến sĩ. Như vậy, ở đây ta có sự tương thích, phù hợp giữa nghề nghiệp với bằng cấp/chứng chỉ tương ứng. Vì vậy, ta đang làm việc với bằng cấp phù hợp. Dùng những từ như “tài năng” hay “trí thức” rất có thể sẽ làm ta chủ quan và có tâm thế không đúng trong công việc. Cá nhân tôi thường tự gọi mình là “công nhân khoa học” thay vì gọi là “trí thức”.

Dùng những từ như “tài năng” hay “trí thức” rất có thể sẽ gây chủ quan và có tâm thế không đúng trong công việc. Ảnh: LG.

Thứ hai, hãy chấp nhận và tìm cách xử lý các vấn đề trong công việc thay vì than thở

Điều kiện nghiên cứu ở Việt Nam thiếu thốn, ngân sách cho khoa học hạn chế, giảng viên phải dạy quá nhiều, bên cạnh quá nhiều việc hành chính. Đây là những than thở mà nhiều thế hệ các thạc sĩ, tiến sĩ trở về từ nước ngoài lặp đi lặp lại trong những năm qua. Nói một cách sòng phẳng, rõ ràng điều kiện làm việc ở Việt Nam hiện nay là tốt hơn trước đây 10-15 năm rất nhiều nhưng hẳn nhiên là chưa thể so sánh được với thế giới. Trong bối cảnh đó, thay vì than thở, ta hãy chấp nhận và học cách xử lý từng vấn đề một.

Một đồng nghiệp của tôi (người rất thành công sau khi về nước) có lần nhận xét về vấn đề này, đại ý như sau: “Đôi khi trí thức trở về kêu quá nhiều về điều kiện trong nước, đồng thời ao ước có được điều kiện như hồi ở nước ngoài. Nhưng có lẽ, chúng ta cũng quên mất, có khi, để có được điều kiện làm việc tốt như vậy thì bản thân giáo sư cũ cũng đã phải lao tâm khổ tứ gây dựng chứ không phải là tự nhiên sẵn có”. Tôi rất đồng ý với quan điểm này.

Thứ ba, hãy cân nhắc làm việc cho khu vực tư nhân hoặc đơn vị mới

Phần lớn các thạc sĩ, tiến sĩ du học nước ngoài trở về đều có xu hướng về những khu vực công. Điều này dễ hiểu bởi lĩnh vực này ở Việt Nam vẫn do khu vực công lập chiếm đa số. Nhưng, xu hướng gần đây, nhiều trường đại học tư hoặc các trường đại học có tuổi đời non trẻ đang có những vận động rất mạnh mẽ, chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn và đề cao hiệu quả, thực tiễn hơn. Đây chính là cơ hội cho các nhà khoa học trẻ. Chỉ có điều, nhà khoa học trẻ có dám vứt bỏ sự an toàn của biên chế, của việc được làm công/viên chức hay không mà thôi.

Thứ tư, hãy sẵn sàng chuyển sang làm cái xã hội có nhu cầu

Tôi thường xuyên nghe những than vãn của các nhà khoa học trẻ khi về nước, đó là việc họ không được tiếp tục theo đuổi chủ đề nghiên cứu đã làm khi còn ở nước ngoài. Khi thì vì ở Việt Nam không có đủ điều kiện và nguồn lực, lúc thì bởi ở Việt Nam không có người cùng chuyên ngành. Tôi nghĩ nếu cứ trăn trở như vậy sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề gì cả.

Ngược lại, ở Việt Nam, hăầng ngày, hằng giờ, có quá nhiều vấn đề có thể nghiên cứu và được nhiều người quan tâm. Chúng ta cần bỏ bớt “cái tôi” của mình để góp tay, xử lý những vấn đề nóng trong nước. Tôi nói như vậy không có nghĩa là chúng ta sẽ phải bỏ hẳn chủ đề yêu thích của mình, thực tế, đây chỉ là việc tạm hoãn lại. Khi ta đã hòa nhập tốt hơn với cuộc sống và công việc trong nước, việc trở lại làm cái chúng ta muốn vẫn chưa muộn.

Cuối cùng, hãy trao đổi và hợp tác với nhau nhiều hơn nữa

“Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu” là một kênh kết nối tốt để chúng ta hợp tác. Bên cạnh đó, còn rất nhiều diễn đàn sân chơi khác. Hoặc chính bản thân chúng ta cũng có thể tạo ra các diễn đàn riêng của mình. Gọi là “diễn đàn” cho to nhưng có khi, đó chỉ là một nhóm trên các trang mạng xã hội, một hội định kỳ gặp nhau những ngày cuối tuần (hẳn nhiên gặp nhau là để trao đổi làm việc chứ không phải để ăn chơi).

Cũng không nên hạn chế việc gặp gỡ những người cùng chuyên ngành mà nên mở rộng gặp gỡ, trao đổi với nhiều người ở các ngành khác để nắm thêm kinh nghiệm, ý tưởng. Cá nhân tôi cho rằng việc chủ động gặp gỡ và hợp tác với nhau một cách chủ động là yếu tố quan trọng nhất trong 5 nội dung tôi trình bày ở trên. Bản thân tôi, khi mới về nước, rất may mắn đã được gặp gỡ, trao đổi với nhiều đồng nghiệp đi trước.

Bây giờ, đến lượt mình, tôi cũng rất sẵn sàng gặp những đồng nghiệp mới về nước hoặc đang có ý định về nước để chia sẻ những kinh nghiệm của mình, nhất là những kinh nghiệm thất bại của bản thân.

Phạm Hiệp

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/de-tri-thuc-tro-ve-ben-vung-574250/