Để trạm y tế làm tốt vai trò 'người gác cổng'

Trong khi bài toán quá tải bệnh viện vẫn khó tìm lời giải thì tuyến y tế cơ sở hiện vẫn chưa thể làm tốt vai trò trong khám, chữa các bệnh cơ bản; cấp phát thuốc với các bệnh mãn tính, theo dõi sức khỏe định kỳ... để kéo bệnh nhân về tuyến dưới.

Bài 1: Tuyến dưới "ngồi không", tuyến trên quá tải

Bà Trương Thị Dịu đến trạm y tế phường Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) để khám, đo huyết áp. Ảnh: Tạ Nguyên

Chỉ khám 2-4 bệnh nhân mỗi ngày

Được đặt kỳ vọng là nơi “đi trước, đón đầu” trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và quản lý các bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng, song tình trạng khám, kê đơn cấp thuốc tại các trạm y tế xã, phường hiện vẫn còn nhiều bất cập, chưa thể thu hút người người dân đến khám, chữa bệnh.

Đến trạm y tế phường Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), ngồi cả buổi chiều chúng tôi mới gặp 2 bệnh nhân ra khám, nhờ bác sĩ tư vấn cách sử dụng thuốc. Tự thấy huyết áp có dấu hiệu tăng, bà Trương Thị Dịu (65 tuổi ở phường Quỳnh Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) ra trạm y tế phường Quỳnh Mai để nhờ bác sĩ đo huyết áp, khám cơ bản và nghe hướng dẫn uống thuốc xong, bà lại tự đi về, chỉ mất chưa đầy 5 phút.

Bà Dịu cho biết, bà bị huyết áp cao nên thường phải kiểm tra, nhà ở gần trạm y tế phường nên ra nhờ bác sĩ khám cho tiện vì không mất tiền, thưa vắng, không phải chờ đợi. Bác sĩ ở trạm thì đã quá quen với các bệnh nhân thường đến khám, nắm rõ tình trạng bệnh từng người nên bà cũng khá yên tâm.

“Hàng tháng tôi vẫn phải ra bệnh viện Thanh Nhàn để khám và lấy thuốc định kỳ bằng bảo hiểm y tế, hầu như thuốc tháng nào cũng giống tháng nào nhưng vẫn phải đến bệnh viện xếp hàng, chờ khám mới được cấp thuốc. Với những bệnh nhân huyết áp mà được cấp thuốc hàng tháng luôn tại trạm y tế thì thuận lợi cho người già”, bà Dịu chia sẻ.

BS. Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Trạm trưởng trạm y tế phường Quỳnh Mai (phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Trạm y tế đang quản lý 325 người bệnh huyết áp, 112 người bệnh đái tháo đường… trên địa bàn phường. Tuy nhiên, hàng tháng chỉ có khoảng hơn chục bệnh nhân đến khám thường xuyên, cụ thể tháng 6 vừa qua chỉ khoảng 16 bệnh nhân đến khám. Mặc dù trạm đã có 2 bác sĩ thường xuyên, được trang bị những máy móc cơ bản như: Máy đo huyết áp, test nhanh tiểu đường, các thiết bị khám cơ bản… Bên cạnh công tác y tế dự phòng là chính, trạm y tế phường mới chỉ chủ yếu làm nhiệm vụ tiếp cận, điều tra, tổng hợp, quản lý các ca bệnh trên giấy tờ chứ việc khám, chữa bệnh chưa thể đẩy mạnh”.

Còn tại trạm y tế phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng Hà Nội) cũng trong tình trạng tương tự, hầu như mỗi ngày chỉ đón tiếp từ 2- 4 bệnh nhân. Trong khi đó, cơ sở vật chất ở đây cũng được trang bị những thiết bị khám cơ bản tương đối đầy đủ như: Máy đo huyết áp, máy siêu âm, test tiểu đường, máy xông họng, thiết bị khám tai mũi họng, khám răng...

“Hiện các thiết bị được trang bị tại trạm chỉ sử dụng chủ yếu vào các đợt khám trọng điểm như nhân ngày 27/7 hoặc 1/10 hàng năm. Số bệnh nhân đến với trạm y tế còn rất thấp vì các dịch vụ được triển khai chưa nhiều. Trạm chưa được kết nối với BHYT nên nhiều dịch vụ chưa được chi trả. Một số máy móc tuy được sử dụng miễn phí tại trạm nhưng thuốc, vật tư đi kèm người bệnh vẫn phải tự mua khiến họ chưa mấy mặn mà”, BS. Dương Thu Hương, Trạm trưởng trạm y tế phường Thanh Nhàn cho biết.

Với vai trò như người gác cổng, là tuyến đầu gần dân nhất nhưng phần lớn các trạm y tế hiện nay vẫn chưa thể làm tròn chức năng của tuyến cơ sở, hầu hết mới chỉ làm được công tác y tế dự phòng. Các hoạt động đúng ra là của trạm y tế như: Khám, theo dõi, cấp phát thuốc định kỳ với các bệnh mãn tính, theo dõi sức khỏe định kỳ... phần lớn các trạm y tế chưa làm được, số người đến khám cũng rất ít.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng từng thẳng thắn thừa nhận, khi bà đi kiểm tra các bệnh viện tuyến Trung ương, hỏi nhiều bệnh nhân mới biết họ phải đi khám bệnh từ 3-4 giờ sáng, nhưng cũng chỉ là các bệnh đơn giản như: Đau đầu, đau chân tay, huyết áp… Mà những bệnh này, tuyến y tế cơ sở hoàn toàn có thể làm được.

Còn nhiều hạn chế

Bộ Y tế cũng nhận định, hiện nay tuy là tuyến đầu trong khám chữa bệnh nhưng lý do các trạm y tế chưa phát huy được hết vai trò là vì còn đang gặp phải nhiều khó khăn, trong đó có hạn mức chi của quỹ BHYT cho tuyến cơ sở còn thấp, nhân lực, trình độ của nhân viên trạm y tế còn hạn chế, danh mục thuốc, kỹ thuật ít... khiến người dân chưa mấy tin tưởng và đến nhiều.

Ông Lương Ngọc Khuê Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: Cả nước hiện có hơn 12.000 trạm y tế, nhưng trung bình mỗi trạm một ngày chỉ khám 10 - 15 bệnh nhân, có nơi chỉ một vài người. Nguyên nhân vì rất nhiều trạm y tế thiếu trang thiết bị, kể cả các thiết bị tối thiểu như dụng cụ khám bệnh, máy đo huyết áp, máy khí dung, xét nghiệm đường huyết máu mao mạch... Có trạm trang bị máy siêu âm xách tay, máy điện tim nhưng rất hạn chế sử dụng. Hầu hết trạm y tế thiếu thuốc trong danh mục, kể cả các thuốc cho điều trị bệnh mạn tính, thông thường.

Năm 2017, Bộ Y tế ban hành thông tư quy định gói dịch vụ y tế cơ bản, gồm 78 dịch vụ kỹ thuật, 244 thuốc. Đây là những dịch vụ tối thiểu trạm y tế xã phải cung cấp được. Tuy nhiên, qua khảo sát các trạm y tế vẫn chưa cung ứng được ở mức tối thiểu này. Tuyến xã mới chỉ quản lý số lượng người bệnh tăng huyết áp hoặc chỉ khám, kê đơn theo các đơn thuốc đã được kê tại tuyến trên…

Những hạn chế trên đã làm cho chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu và làm cho người dân chưa tin tưởng và vượt lên các tuyến trên khám chữa bệnh gây nên tình trạng quá tải khó giải quyết ở tuyến trên.

Theo ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, hiện nay, theo quy định, quỹ khám chữa bệnh BHYT được sử dụng tại trạm y tế tuyến xã tối đa không quá 20% quỹ khám chữa bệnh BHYT ngoại trú, tỷ lệ thấp này không đủ để chi cho khám chữa bệnh BHYT dẫn đến một số loại bệnh trạm y tế xã, phường có khả năng điều trị, cấp thuốc, nhưng vẫn phải chuyển lên tuyến trên.

Một nguyên nhân nữa khiến người dân vẫn còn thiếu tin tưởng ở tuyến y tế cơ sở là nhân lực, trình độ vẫn còn hạn chế. Kể cả ở các quận nội thành Hà Nội, không phải trạm y tế nào cũng có bác sĩ.

“Với trạm y tế chỉ có 1 bác sĩ là trạm trưởng lại phải kiêm rất nhiều việc thì để bao quát cả việc khám bệnh đôi khi còn gặp khó. Đơn cử như những ngày trạm trưởng phải đi họp, người dân cần ra khám sẽ không gặp được bác sĩ, không thể khám và kê đơn ngay, thậm chí phải hẹn lịch trước”, BS. Hương cho biết.

Cũng theo BS. Hương, nếu BHYT cho triển khai việc khám cơ bản, cấp phát thuốc cho các bệnh mãn tính tại trạm thì khá phù hợp và sẽ giảm tải cho tuyến trên tốt hơn, và cơ sở vẫn đáp ứng được. Đơn cử như trong giai đoạn từ năm 2010- 2015, tại trạm y tế phường Thanh Nhàn đã thực hiện việc cấp thuốc miễn phí hàng tháng cho đối tượng mắc bệnh huyết áp theo chương trình của Sở Y tế đã cho thấy hiệu quả rõ rệt khi thu có tới ¼ số bệnh nhân huyết áp thường xuyên ra lấy thuốc, khám định kỳ hàng tháng. Đến nay khi chương trình đã hết thì bệnh nhân cũng “rút”. Qua việc theo dõi bệnh nhân trên địa bàn, chúng tôi nhận thấy người dân cũng có nguyện vọng tăng cường các dịch vụ được chi trả BHYT ở tuyến trạm y tế để họ được hưởng một cách thuận lợi, dễ dàng hơn.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/suc-khoe/de-tram-y-te-lam-tot-vai-tro-nguoi-gac-cong-20180725103811504.htm