Để TP Hồ Chí Minh giữ vững đà tăng trưởng trong năm 2020

TP Hồ Chí Minh bước vào năm 2020 với những chỉ số ấn tượng về kinh tế - xã hội đạt được trong năm 2019. Đặc biệt nhất trong đó là số thu ngân sách đạt 412 ngàn tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Con số này đã xóa tan lo lắng rằng dư địa để thành phố phát triển đang dần thu hẹp và mức tăng trưởng kinh tế của thành phố sẽ giảm dần…

Phân tích về số thu ngân sách vào những ngày cuối cùng của năm cũ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, năm trước lãnh đạo thành phố rất hồi hộp về khả năng hoàn thành chỉ tiêu của cả năm.

Nhưng năm 2019, thành phố đã chủ động triển khai các giải pháp để tạo nguồn thu và tăng thu ngay từ đầu năm, giúp số thu ngân sách vượt khoảng 3,3% so mục tiêu đặt ra. Thu ngân sách tăng cũng đồng nghĩa với tăng trưởng của thành phố cao hơn năm trước.

Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, nếu TP Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này, đến cuối năm 2020 thành phố sẽ đóng góp 24% thu ngân sách của cả nước. Cùng lúc, năng suất lao động bình quân của thành phố được duy trì ở mức cao gấp gần 3 lần của cả nước.

Thời điểm này, dù giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp của thành phố đã chiếm khoảng 32% sản lượng công nghiệp cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đóng góp khoảng 16% quy mô sản xuất công nghiệp của cả nước. Song, TP Hồ Chí Minh vẫn nhận định dư địa trong phát triển công nghiệp để góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố giữ vững đà tăng trưởng còn rất lớn.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phân tích, cơ cấu sử dụng đất tại TP Hồ Chí Minh chưa tương ứng với cơ cấu kinh tế. Cụ thể, ngành công nghiệp và dịch vụ tuy chiếm hơn 99% GDP của thành phố, nhưng diện tích đất dành cho hai lĩnh vực này chỉ chiếm 5% diện tích tự nhiên của thành phố. Trong khi đó, đất nông nghiệp của thành phố còn chiếm khoảng 50% diện tích nhưng chỉ đóng góp chưa được 1% cho GDP.

Đã vậy, hiện chỉ có một nửa số người dân sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp, số còn lại sử dụng không đúng mục đích hoặc bỏ không. Nhằm giải quyết thực trạng này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, sắp tới thành phố sẽ rà soát, tính toán lại diện tích đất nông nghiệp thực tế, lao động làm nông nghiệp thực tế để có sự điều chỉnh đất đai đối với lịnh vực này.

Nhất là khi năng suất lao động ở khu vực nông thôn của thành phố hiện chỉ đạt90 triệu đồng/người, bằng 1/3 so với năng suất lao động bình quân của thành phố khiến thu nhập của người dân nông thôn mới chỉ ở mức thoát nghèo.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong chia sẻ, để tạo nguồn lực từ đất đai cho nhu cầu phát triển kinh tế của thành phố, Chính phủ đã đồng ý cho thành phố được chuyển hơn 30.000ha đất nông nghiệp sang đất khác theo lộ trình đến năm 2021. Trong đó, thành phố sẽ dành khoảng 2.000 ha cho phát triển công nghiệp và việc này sẽ được triển khai ngay trong năm 2020.

Bước vào năm 2020, dự kiến vốn đầu tư Nhà nước để phục vụ nhu cầu phát triển của TP Hồ Chí Minh giảm chỉ còn 16%, phần còn lại phụ thuộc vào nguồn vốn đến từ DNTN và nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, TP Hồ Chí Minh xác định động lực tăng trưởng kinh tế cho thành phố 2020 chính là DNTN và nhà đầu tư nước ngoài. Từ đó chính sách của Nhà nước càng đóng vai trò quan trọng để thu hút vốn từ 2 loại hình đầu tư này.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, để tăng cường thu hút vốn đầu tư, đòi hỏi môi trường đầu tư của thành phố phải có sự thay đổi; cơ quan có trách nhiệm phải tăng cường đối thoại với DN và nắm bắt kịp nhu cầu của xã hội. Vai trò của Nhà nước là quy hoạch, đầu tư hạ tầng và chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của DN. Đồng thời với việc tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, chính quyền cũng cần có các chính sách hỗ trợ về đất đai.

Một lĩnh vực khác còn nhiều dư địa để tạo đà phát triển cho TP Hồ Chí Minh là công nghệ thông tin (CNTT). Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, thành phố là địa phương đi đầu cả nước về phát triển CNTT khi 20 năm trước đã mạnh dạn đề xuất TƯ xem CNTT là một lĩnh vực cần ưu tiên phát triển đột phá; lựa chọn theo hướng tập trung phát triển phần mềm trước.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa luôn nhộn nhịp tại cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa luôn nhộn nhịp tại cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh.

Sự ra đời của Công viên phần mềm Quang Trung –KCN tập trungphần mềm lớn nhất cả nước, với 165 DN đang hoạt động,27 nhà đầu tư hơn 11.000 kỹ sư và nhân viên CNTT và có khoảng 11.000 sinh viên đang theo học tại đây… là kết quả của chủ trương này. Với diện tích chỉ có 43ha, Công viên phần mềm Quang Trung là nơi có số người làm việc, học tập về lĩnh vực CNTT với mật độ cao nhất cả nước và tạo ra doanh số khoảng 511 triệu USD, trong đó xuất khẩu hơn 400 triệu USD.

Đánh giá về vai trò của ngành CNTT, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, với chừng 100 ngàn lao động, chỉ chiếm 2,2% lao động của thành phố cùng với 5.600 DN CNTT, chiếm 1,4% số lượng DN của thành phố, nhưng CNTT đã đóng góp gần 4,5 GDP của thành phố.

Với năng suất lao động ngành CNTT hiện cao gấp gần 2 lần năng suất bình quân của thành phố, CNTT sẽ trở thành ngành chủ lực trong tương lai rất gần. Nhất là khi TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh xây dựng thành phố thông minh và thành lập Khu đô thị sáng tạo ở phía Đông thành phố.

Đức Thắng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/de-tp-ho-chi-minh-giu-vung-da-tang-truong-trong-nam-2020-576317/