'Để tôi điều tra sẽ ra ngay nguồn tiêu thụ nước mắm hóa chất tẩy rửa'

TS 'nước mắm' Trần Thị Dung cho rằng không khó để điều tra nguồn tiêu thụ loại nước mắm dùng chất tẩy rửa.

TS "nước mắm" Trần Thị Dung cho rằng không khó để điều tra nguồn tiêu thụ loại nước mắm dùng chất tẩy rửa

TS "nước mắm" Trần Thị Dung cho rằng không khó để điều tra nguồn tiêu thụ loại nước mắm dùng chất tẩy rửa

Sáng 14/1, trao đổi với PV Báo Giao thông trước thông tin thanh tra Bộ NN-PTNT công bố danh tính 3 doanh nghiệp dùng soda công nghiệp (chất tẩy rửa vệ sinh) để sản xuất nước mắm, TS Trần Thị Dung, chuyên gia nước mắm, nguyên cán bộ Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Thủy sản, nay thuộc Bộ NN&PTNT), cho biết:

“Việc sử dụng soda công nghiệp để chế thành nước mắm bán thành phẩm hay còn gọi nước hoa cà, đã được lan truyền từ lâu rồi, chỉ có điều bây giờ cơ quan chức năng mới công bố kết quả thanh tra. Tuy nhiên cũng cần phải nói rõ ràng để tránh ảnh hưởng tới thị trường nước mắm truyền thống nói chung. Bởi lẽ, nước hoa cà là nguyên liệu pha chế nước chấm rẻ tiền vẫn bán trên thị trường hiện nay. Nếu để tôi điều tra sẽ ra ngay nguồn tiêu thụ của loại nước mắm này”.

Đi vào phân tích cụ thể chiêu thức chế nước mắm rẻ tiền bà Dung cho hay: Các cơ sở này thường dùng dịch bột ngọt của Công ty CP hữu hạn Vedan Việt Nam, thực chất là phế phẩm từ quá trình sản xuất mì chính được cô đặc lại để có độ ngọt tương đương mà giá lại rất rẻ. Tuy nhiên, dịch bột ngọt này lại mang tính axit nên phải dùng chất kiềm để trung hòa.

Để giảm giá thành, thay vì dùng soda thực phẩm thì chủ cơ sở lại dùng soda công nghiệp (Na2CO3) gây hại cho sức khỏe người dùng, sau đó cho thêm chất điều vị, chất bảo quản... Nước mắm thực chất phải được làm từ cá và muối qua ủ chượp cả năm trời mới ra thành phẩm. "Vì thế, với công nghệ siêu rẻ như trên, rõ ràng nguồn gốc nguyên liệu sản xuất sản phẩm không đúng, hoàn toàn có thể coi là hàng giả. Tuy nhiên, nguy hại hơn hết là những sản phẩm này làm ảnh hưởng tới uy tín nước mắm truyền thống", bà Dung nói.

Tuy nhiên, theo nữ chuyên gia, chính quy định về nước mắm hiện nay đã tạo điều kiện cho những sản phẩm rẻ tiền có “đất sống”. “Dân làm nước mắm bao đời nay thuần chất chỉ dùng cá với muối rồi bán ra thị trường. Nhưng giờ, nhiều doanh nghiệp, cơ sở chỉ cần có đạm, hương nhân tạo có thể tạo ra nước mắm. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn, liệu có nên hay không nên mua những thứ nước mắm rẻ tiền vừa có độ ngọt vừa miệng được pha chế bởi dịch bột ngọt?”.

Trước đó, ngày 13/1, ông Nguyễn Văn Tiến, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT chính thức cung cấp danh tính 3 công ty sản xuất, kinh doanh và chế biến nước mắm sử dụng chất soda công nghiệp, gồm: Công ty TNHH MTV Điều Hương (Ấp Hòa Phú 1, thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang); Công ty TNHH chế biến thực phẩm Hòa Hiệp (Số 47 Trần Phú, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long); Công ty TTHH thực phẩm Tấn Phát (Tổ 1, ấp Tân Đông, xã Tân Quới, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long).

Theo kết quả điều tra, để sản xuất nước mắm và nước mắm bán thành phẩm, các công ty này đã sử dụng dịch bột ngọt của Công ty CP hữu hạn Vedan Việt Nam hoặc dịch nước tôm, dịch bổi cá và soda công nghiệp (Na2CO3) để sản xuất và chế biến nước mắm.

“Dịch bột ngọt là phụ phẩm của quá trình sản xuất bột ngọt, có tính axit (pH từ 3-4) với giá thành rất rẻ, tính cả chi phí vận chuyển cũng chỉ có 500 đồng/lít. Theo quy trình khử chua, doanh nghiệp đưa khoảng 17.000 lít hỗn hợp gồm 95% dịch bột ngọt, 5% dịch nước tôm và 120 kg Na2CO3 để trung hòa axit trong dịch bột ngọt. Đun hỗn hợp này bằng hơi nước trong thời gian 40-50 giờ, sau đó thu được dung dịch 800 lít nồng độ đạm đạt 25-350N. Dung dịch này sau đó được cho chạy qua xác cá ủ chượp - thành phần loại thải sau khi thu hoạch nước mắm truyền thống và cho ra các sản phẩm dịch nước mắm. Dịch nước mắm này còn gọi là nước hoa cà và được bán với giá 7.000-9.000 đồng/lít cho cơ sở sản xuất nước mắm hoặc tiếp tục được cô đặc và cho thêm phụ gia chế biến (có mùi vị của nước mắm) để tạo thành các thành phẩm có độ đạm khác nhau”, ông Tiến cho biết.

Cùng với quyết định xử phạt 776 triệu đồng với 3 công ty kể trên, cơ quan chức năng đã buộc tiêu hủy hơn 48 tấn Soda, chuyển đổi mục đích sử dụng đối với nguyên liệu đã chế biến thành thức ăn chăn nuôi.

Hoàng Ngân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/de-toi-dieu-tra-se-ra-ngay-nguon-tieu-thu-nuoc-mam-hoa-chat-tay-rua-d449080.html